Đổi thay ở mảnh ''đất vàng''

04:07, 13/07/2021

Cụm từ "đất vàng" mà người ta dành cho mảnh đất Đa Quyn (huyện Đức Trọng) nay thưa dần...

Cụm từ “đất vàng” mà người ta dành cho mảnh đất Đa Quyn (huyện Đức Trọng) nay thưa dần. Không chỉ bởi nạn khai thác vàng đã không còn tái diễn mà chính người dân nơi đây không còn trông chờ vào công việc này, bắt đầu thay đổi tư duy, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị trên mảnh đất quê mình.
 
Thu nhập của nhiều gia đình được cải thiện khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Thu nhập của nhiều gia đình được cải thiện khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng
 
Từ ý thức của người dân
 
Đó là điều được ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Đa Quyn khẳng định. Bởi từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã giúp nâng cao nhận thức cho người dân. Nhiều người đã thoát khỏi tâm lý trông chờ hoàn toàn vào hỗ trợ của Nhà nước. Thông qua các nội dung tuyên truyền được tăng cường, người dân từng bước đồng tình, tham gia đối ứng để Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Chính vì thế mà kinh tế từng bước phát triển, đời sống người dân được cải thiện và nâng lên.
 
Không khó để nhận ra sự thay đổi của mảnh đất nơi tận cùng của vùng Loan chỉ bằng mắt thường. Xen giữa những đồi cà phê là diện tích trồng rau màu, dâu tằm. Dấu vết để lại từ những cuộc săn tìm vàng cách đây nhiều năm là những hồ nước lớn nhỏ nay đã được bà con tận dụng trở thành nguồn nước phục vụ sản xuất. Đã có những mô hình khuyến nông được hỗ trợ như trồng bưởi da xanh ruột hồng 0,3 ha, mô hình hỗ trợ phát triển dâu tằm với diện tích 0,8 ha/4 hộ. 25 hộ dân tham gia liên kết với công ty xuất khẩu gạo Vĩnh Hảo với 14 ha lúa hữu cơ. Nhiều hộ tham gia ký hợp đồng liên kết trồng đậu cô ve tứ quý lấy hạt với Công ty TNHH Giống cây trồng miền Nam chi nhánh Lâm Hà với diện tích 1,9 ha được bao tiêu sản phẩm, mang lại hiệu quả cao và thu nhập ổn định…
 
Chúng tôi gặp anh Ya Bi (thôn Tân Hạ) là người Chu Ru, một nông dân chân chất như biết bao người khác ở xứ này. Trước đây, Ya Bi vẫn ngày ngày đầu tắt mặt tối bám trụ trên những mảnh ruộng và vườn cà phê già cỗi. Mỗi cuối tuần hay bất cứ lúc nào rảnh rỗi là anh cùng trai làng lại đi rừng săn bắn, tìm kiếm những sản vật trong rừng. Công việc vất vả và nguy hiểm mà chẳng phải lúc nào cũng có thể mang lại thu nhập.
 
Thế nhưng hơn 3 năm nay, anh Ya Bi đã chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại lagim. Không ngại khó, anh thử sức nhiều loại khác nhau từ đậu cove, ớt đỏ, ớt chuông… Tuy vẫn phải phụ thuộc vào giá cả thị trường nhưng nhờ liên kết với một số vựa mà phần nhiều diện tích trồng ra không phải lo lắng về nơi tiêu thụ. Bên cạnh đó, anh còn đảm nhận vai trò làm hướng dẫn viên trong các tour du lịch cộng đồng cho một homestay trên địa bàn. Cũng nhờ vậy mà từ chàng trai mồ côi nay đã trở thành trụ cột kinh tế của gia đình, có điều kiện nuôi con cái ăn học. 
 
Theo ông Nguyễn Văn Dương, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là công tác tuyên truyền, cùng với đó là sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc triển khai các mô hình, mở các lớp tập huấn mà bà con đã mạnh dạn chuyển đổi từ diện tích cà phê xấu chuyển sang rau màu có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, giảm hẳn tình trạng bà con đi xâm canh, sống dựa vào rừng.
 
Hiệu quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới
 
Từ giữa năm 2018, xã Đa Quyn được công nhận xã nông thôn mới. Mục tiêu ở thời điểm hiện tại được chính quyền và Nhân dân hướng tới là duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, nâng cao hiệu quả công tác y tế, dân số gia đình và trẻ em. Đồng thời, phát huy nội lực và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 2,49%.
 
Xây dựng và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nền kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thu nhập của người dân tăng dần hằng năm. Lĩnh vực y tế, văn hóa được tăng cường góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Bên cạnh đó là sự hưởng ứng, đóng góp của Nhân dân trên địa bàn đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn cả về đời sống vật chất, tinh thần.
 
Xác định giáo dục là nền tảng để thay đổi nên các cấp cũng đã quan tâm, đầu tư cho giáo dục để củng cố và duy trì nền nếp, kỷ cương, đảm bảo an ninh trường học. Tỷ lệ học sinh ra lớp được duy trì ở các cấp đạt 99,5%. Trên địa bàn có 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia với các điều kiện cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
 
Với mục tiêu kiên quyết không để tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình. Các đoàn liên ngành thường xuyên tổ chức tuần tra dọc suối Đa Quyn để kịp thời phát hiện những đối tượng có hành vi lén lút khai thác khoáng sản, san lấp mặt bằng trái phép để kịp thời xử lý các đối tượng vi phạm. 
 
Hằng năm UBND xã xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động nhằm phát huy nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong 2 năm qua, có hơn 150 lao động địa phương vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài xã.
 
Cùng với việc người dân được tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, từng bước thay đổi nhận thức của Nhân dân, góp phần đạt chỉ tiêu cũng như kế hoạch đã đề ra. Các chương trình y tế, giáo dục, mạng lưới thông tin tuyên truyền được các ngành quan tâm, đáp ứng nhu cầu của người dân, từ đó giúp người dân ổn định tư tưởng, an tâm sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.
 
HỒNG THẮM