Trong những năm qua, các hoạt động truyền thông về dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, sâu rộng, phù hợp với từng nhóm đối tượng cả về nội dung và hình thức từ tỉnh đến cơ sở...
Trong những năm qua, các hoạt động truyền thông về dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, sâu rộng, phù hợp với từng nhóm đối tượng cả về nội dung và hình thức từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó, làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi về dân số và sức khỏe sinh sản nói chung, mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) nói riêng của các nhóm đối tượng, nhất là đối với người dân.
Công tác truyền thông về giảm thiểu MCBGTKS tại Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động mọi người dân về tác hại, hệ lụy và những văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến MCBGTKS để mọi người hiểu và thực hiện.
Mặc dù tình trạng MCBGTKS có giảm so với những năm trước nhưng vẫn chưa trở lại được với mức cân bằng tự nhiên. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến MCBGT, nguyên nhân sâu xa vẫn là do tư tưởng phải có con trai "nối dõi tông đường", "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô"... Mặt khác, do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con nhưng họ mong muốn trong số đó nhất thiết phải có con trai. Vì vậy, một số người đã tìm cách để lựa chọn giới tính thai nhi. Việc gia tăng tỷ lệ MCBGTKS không cải thiện được vị thế của phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới, tỷ lệ tái hôn của phụ nữ tăng cao. Từ đó, dẫn tới sự gia tăng tệ nạn xã hội, nhu cầu mại dâm, buôn bán phụ nữ, bạo hành giới ngày càng gia tăng.
Năm 2017, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch giảm thiểu MCBGTKS triển khai tại 12/12 huyện, thành phố với 142/142 xã, phường, thị trấn. Mục tiêu hướng tới là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội về ý nghĩa của việc triển khai kế hoạch và những hệ lụy của việc MCBGTKS. Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nên việc triển khai kế hoạch rất thuận lợi, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đều chung tay triển khai.
Hàng năm, ngành Dân số cũng tổ chức các hội thảo cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Tư vấn, cung cấp thông tin trực tiếp về thực trạng, hậu quả cũng như các văn bản nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho hàng nghìn cặp nam, nữ thanh niên đến đăng ký kết hôn tại UBND xã, thị trấn. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn về không sinh con thứ 3, không lựa chọn giới tính thai nhi cho cán bộ tư pháp xã, cán bộ chuyên trách, CTV dân số, cán bộ y tế thôn bản. Một số địa phương như Đơn Dương, Di Linh, Đà Lạt… đã chủ động phối hợp với các đơn vị xây dựng các câu lạc bộ về "Không lựa chọn giới tính khi sinh". Hiện toàn tỉnh có 53 CLB với 1.800 thành viên tham gia đang sinh hoạt có hiệu quả.
Nhờ triển khai thực hiện các giải pháp và hoạt động can thiệp giảm thiểu MCBGTKS, trong những năm qua, tốc độ gia tăng tỷ lệ MCBGTKS của tỉnh đã được khống chế. Nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, dịch vụ kinh doanh văn hóa phẩm trên địa bàn cơ bản đã thực hiện nghiêm túc đúng theo quy định của Nhà nước.
Qua 4 năm triển khai kế hoạch, tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Lâm Đồng đã khống chế được một phần tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, cụ thể: Năm 2011 là 113,4/100; năm 2015 là 112,8/100; năm 2020 là 111/100 (sinh trai/100 gái).
Chúng tôi ghé thăm vợ chồng anh Trần Thanh Xuân và chị Đỗ Thị Nguyệt (ở Xóm 1, thôn Ba Cản, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng) có 2 con gái. Chị Nguyệt chia sẻ “khi sinh cháu thứ hai cũng con gái có nhiều người nói ra, nói vào, nhất là những lúc hội hè, giỗ chạp, họ hàng gặp nhau cứ bảo chồng em là ông ngoại và ngồi mâm dưới. Chồng em luôn động viên em, gái hay trai gì cũng được miễn là nuôi cho con ăn học đến nơi, đến chốn đừng để con bỏ học giữa chừng làm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hôm nay, nhìn hai cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi, vợ chồng em rất vui”.
Để duy trì có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh ổn định ở mức cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn toàn tỉnh. Mục tiêu xác định đưa tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 dự kiến năm 2030 là 106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.
Những giải pháp cụ thể được đưa ra trong thời gian tới được xác định như: tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên của các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn các văn bản pháp luật liên quan đến công tác dân số; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS. Từ đó, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu được về những hệ lụy của việc MCBGTKS, lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sau sinh... Các địa phương, đơn vị liên quan chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đến tận từng hộ dân, tập trung vào những cặp vợ chồng sinh con một bề là gái và các cặp vợ chồng đã sinh con thứ ba; tổ chức các buổi tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, tiếp tục triển khai các CLB bình đẳng giới, CLB ông bà mẫu mực; từng bước động viên khen thưởng kịp thời những cán bộ, hộ gia đình thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển...
CÔNG NAM