Khẩn trương ứng phó với tình hình mưa lũ, ngập lụt

12:07, 09/07/2021

(LĐ online) - Đêm qua và rạng sáng 9/7, một trận mưa lớn kéo dài hàng giờ trên địa bàn huyện Đức Trọng và TP Đà Lạt khiến hàng chục nhà dân và nhiều hec ta rau, hoa bị ngập úng cục bộ trên địa bàn xã Hiệp An.

(LĐ online) - Đêm qua và rạng sáng 9/7, một trận mưa lớn kéo dài hàng giờ trên địa bàn huyện Đức Trọng và TP Đà Lạt khiến hàng chục nhà dân và nhiều hec ta rau, hoa bị ngập úng cục bộ trên địa bàn xã Hiệp An.
 
Tới 10 giờ sáng nay, nước vẫn chưa rút hết. Một vườn hồng ven Quốc lộ 20 vẫn còn ngập trong nước
Tới 10 giờ sáng nay, nước vẫn chưa rút hết. Một vườn hồng ven Quốc lộ 20 vẫn còn ngập trong nước
 
Sáng 9/7, ông Thái Bình Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An thông tin, khoảng 20 giờ tối 8/7 tới rạng sáng nay, nước lũ bất ngờ đổ về nhấn chìm nhiều hec ta rau màu, nhà người dân tại 4 thôn trên địa bàn xã, gồm: K’Long, Tân An, K’Rèn và Định An. Trong đó, tại Quốc lộ 20 xảy ra 2 đoạn ngập cục bộ, nước cao so với nền đường nhựa gần 1 m. Nhiều phương tiện không thể lưu thông thời điểm trên. 
 
Theo ông Đông, UBND xã Hiệp An tối 8/7 và rạng sáng nay đã khẩn trương phối hợp với Trạm Cảnh sát Giao thông, thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh đóng tại chân đèo Prenn và lực lượng công an xã tiến hành phân luồng giao thông, hướng dẫn người dân tạm thời quay trở lại hoặc đi về hướng đường cao tốc để tránh ngập.
 
“Tới gần 8 giờ sáng nay nước mới cơ bản rút bớt. Tuy nhiên, hiện nay do nước rút chưa hết nên chúng tôi chưa thể thống kê thiệt hại cụ thể về diện tích rau màu, nhà cửa người dân bị ngập úng cục bộ” – ông Đông cho biết.
 
Ghi nhận khoảng 10 giờ sáng nay, một số nhà người dân nằm ven suối Đa Tam, thôn Định An, K’Rèn và K’Long vẫn còn bị ngập nhẹ. Ông Thạch Kha Minh, người dân thuê nhà trọ nhiều năm ven Quốc lộ 20, thôn Định An cho biết đây là trận mưa nước dâng lớn nhất ông chứng kiến. “Nhiều lần mưa lũ đổ về ngập tới đầu gối, lần này nước dâng tới ngang ngực. Lúc 1 giờ sáng do nước dâng cao ngập giường, tôi phải gọi vợ con chạy ra khỏi nhà, không dám ở bên trong”- ông Minh nói.
 
Còn theo bà Trần Thị Hoa, người dân gần nhà ông Minh, bất ngờ khi nước lũ từ khu Sở Lăng, Phường 3, TP Đà Lạt đổ xuống quá nhanh nên không thể lường trước. Toàn bộ vườn đậu khoảng 1.000 m2 và 1.000 m2 xà lách non bị ngập úng cục bộ, thiệt hại theo bà Hoa ước tính khoảng gần 20 triệu đồng.
 
Trận mưa lớn cũng làm nhiều nhà dân ven suối, ven Quốc lộ 20 bị ngập. Riêng đèo Prenn chúng tôi cũng ghi nhận có 3 vị trí đất đá bị sạt. Cụ thể, một vị trí đất đá sạt lở cách đầu đèo Prenn khoảng 500 m bên phía taluy dương; hai vị trí khác sạt lở đoạn giữa đèo. Hiện, cơ quan chức năng đã căng day cảnh báo, dùng máy múc xử lý các vị trí bị sạt lở.
 
Ông Thạch Kha Minh (bên phải) nói 1 giờ sáng 9/7, nước dâng nhanh tới vị trí tay ông chỉ nên cả nhà phải chạy qua nhà hàng xóm tá túc qua đêm
Ông Thạch Kha Minh (bên phải) nói 1 giờ sáng 9/7, nước dâng nhanh tới vị trí tay ông chỉ nên cả nhà phải chạy qua nhà hàng xóm tá túc qua đêm

 

Một vườn đậu tại thôn Định An, Hiệp An, Đức Trọng vẫn bị ngập cục bộ tới 10 giờ sáng nay
Một vườn đậu tại thôn Định An, Hiệp An, Đức Trọng vẫn bị ngập cục bộ tới 10 giờ sáng nay

 

Một nhà dân nước lũ tràn vào nhà
Một nhà dân nước lũ tràn vào

 

Đèo Prenn đang được khắc phục các điểm sạt lở do mưa lớn
Đèo Prenn đang được khắc phục các điểm sạt lở do mưa lớn

 

Sáng 9/7, UBND tỉnh đã ra văn bản hoả tốc gửi các đơn vị, địa phương khẩn trương ứng phó với tình hình mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn.
 
UBND tỉnh thông tin vào tối ngày 8/7 đến rạng sáng ngày 9/7, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có mưa vừa, mưa to đến rất to; lượng mưa đo được ở một số trạm đạt từ lOOmm đen 160mm. Hiện mực nước sông suối ở một số nơi đang lên nhanh (đặc biệt là khu vực xã Thanh Bình, xã Hiệp An huyện Đức Trọng), dự kiến mực nước sông Cam Ly và các sông suối khác tiếp tục gia tăng và gây ngập ở vùng trũng thấp.
 
Để kịp thời ứng phó với tình hình mưa lũ, ngập lụt nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Đà Lạt, các huyện Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông huy động lực lượng, vật tư, phương tiện đế ứng phó, phòng ngừa thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵng sàng”; kịp thời sơ tán người dân ở những khu vực bị ngập, có nguy cơ ngập lụt; bố trí người túc trực, cắm biên cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí đường giao thông bị ngập và tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng người dân; không để người, phương tiện lưu thông qua những vị trí đường bị ngập, ngập lụt; thống kê thiệt hại đế kịp thời hỗ trợ người dân sau khi nước rút; đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống thiên tai, vừa chống dịch Covid-19; báo cáo kết quả thực hiện gửi UBND tỉnh trước ngày 14/7.

C.THÀNH