Lòng suối bị thu hẹp, nguy cơ ngập lụt hiện hữu

06:07, 29/07/2021

Tình trạng ngập cục bộ diễn ra tại một số địa phương đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân...

Tình trạng ngập cục bộ diễn ra tại một số địa phương đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nguyên nhân gây ngập cục bộ nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh thời gian qua là do mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng, san gạt đất sai phép làm thu hẹp lòng suối cũng góp phần không nhỏ gây ngập cục bộ tại một số địa phương.
 
Khoảng 100 ha rau màu tại xã Định An bị nước lũ nhấn chìm trong trận mưa lớn ngày 8/7
Khoảng 100 ha rau màu tại xã Định An bị nước lũ nhấn chìm trong trận mưa lớn ngày 8/7
 
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các địa phương, mới đây nhất, trận mưa lớn kéo dài từ đêm 8/7 đến rạng sáng 9/7 trên địa bàn tỉnh đã gây ngập úng trên diện rộng tại TP Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, làm thiệt hại nặng về hoa màu, hệ thống giao thông, hệ thống điện và ngập lụt hàng trăm nhà ở của người dân.
 
Ngập nặng nhất là tại địa bàn huyện Đức Trọng, lũ trên sông Cam Ly lên rất nhanh và đạt đỉnh vào lúc 13 giờ ngày 9/7. Thống kê của UBND xã Bình Thạnh có 60 ha dâu, 3 ha rau màu cùng 500 giếng nước bị ngập. Hệ thống giao thông tại Quốc lộ 27, đoạn cây xăng Mỹ Sơn bị ngập nặng một đoạn dài 70 m, gây chia cắt giao thông cục bộ. 
 
Tại xã Hiệp An, suối Đa Tam bị ngập, nước không thoát kịp làm gần 100 ha rau màu bị ngập úng, một số nhà bị ngập cục bộ, 2 vị trí đường Quốc lộ 20 ngập gần 1 m. Tại huyện Lâm Hà, do mưa lớn, lũ đổ về gây thiệt hại tại 4 xã; trong đó, có 1 căn nhà bị ngập, 29 ha dâu tằm, rau, hoa, cà phê bị ngập úng thiệt hại, ngã đổ 3 cột viễn thông, sạt lở một số đường giao thông, bờ kè. Còn tại huyện Đơn Dương, mưa lớn làm nước ở các suối nhỏ trên địa bàn huyện không thoát kịp gây ngập khoảng 120 ha rau. 
 
Gần đây nhất, chiều 15/7, dù cơn mưa không lớn trên địa bàn TP Đà Lạt nhưng khu vực suối Sở Lăng tại Tổ 19, thác Prenn (Phường 3), nước lũ khu vực bị tắc nghẽn, không thoát kịp, dâng cao gây ngập nhiều nhà dân từ 0,5 tới 1 m và hàng chục ha rau màu.
 
Nguyên nhân chính được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ ra là có một hộ dân xây cầu qua suối Sở Lăng, tường chắn lấn chiếm vào lòng suối, đường dẫn bằng đất đắp đã tạo thành đê chắn làm thu hẹp hành lang thoát lũ, khi lũ đổ về thoát không kịp gây ngập lụt.
 
Theo ghi nhận, khu vực suối Sở Lăng dưới chân đèo Mimosa, lòng và suối Đa Tam (xã Định An, huyện Đức Trọng nối với suối Sở Lăng nằm phía trên) có rất nhiều vị trí bị thu hẹp do người dân san gạt đất, làm kè, thậm chí xây nhà sát mép suối, lấn vào hành lang thoát lũ.
 
Bà Nguyễn Thị Huệ (57 tuổi, ngụ Tổ 19, thác Prenn) sống tại đây gần 20 năm cho biết gia đình luôn lo lắng khi mùa mưa sắp về. Bà Huệ chia sẻ gia đình bà chuyển về đây từ năm 2003, nền nhà xây dựng thấp hơn so với mặt đường. Do đó, mưa lớn thì nhà bà ngập gần 1m, nhẹ thì nước ngập tới chân giường, tủ. “Tôi ở vùng trũng, gần suối nên mưa lớn thì ngập nhưng việc một số hộ dân lấn chiếm lòng suối đã làm lũ rút chậm, gây thiệt hại về hoa màu nặng hơn”- bà Huệ nói.
 
Tương tự khu vực suối Sở Lăng, tại suối Đa Tam kéo dài qua thôn Định An, K’Rèn và K’Long trong mấy trận mưa lớn gần đây đều bị ngập cục bộ khá nặng. Dòng suối nhiều đoạn bị bồi lấp, lấn chiếm làm đất sản xuất nông nghiệp. Cùng với tình trạng lấn chiếm lòng suối ở khu vực cuối nguồn, nhiều hộ dân thiếu ý thức đã xả rác sinh hoạt, xác gia súc chết xuống suối. Mỗi khi mưa xuống, nước từ các xã, phường thuộc khu vực phía đông thành phố dồn về đã gây ngập úng hàng chục ha rau màu, nhà cửa của người dân ven Quốc lộ 20, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về tài sản, tính mạng của người dân. 
 
Trước khi vào tâm điểm mùa mưa 2021, để giải quyết khẩn trương thực trạng trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố cần kiên quyết giải tỏa những hộ dân lấn chiếm lòng suối để xây dựng nhà; đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân không xả rác thải xuống suối và tổ chức khơi thông dòng chảy để hạn chế những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
 
Qua vụ việc lũ cục bộ xuất hiện nhiều hơn đã cho thấy, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực địa chính xây dựng ở một số địa phương còn hạn chế. Thời gian tới, đề nghị các địa phương cần quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nhằm quản lý hiệu quả hơn trong vấn đề trật tự đô thị, tập trung xử lý dứt điểm ngay từ khi sự việc mới phát sinh, không để hành lang thoát lũ sông, suối bị xâm lấn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
C.PHONG