Những năm qua, mặc dù huyện Di Linh đã chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn để đáp ứng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cũng như sử dụng điện của người dân...
Những năm qua, mặc dù huyện Di Linh đã chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn để đáp ứng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cũng như sử dụng điện của người dân; thế nhưng, đến nay ở một số thôn trên địa bàn huyện, đường dây điện do bà con tự kéo đã xuống cấp, điện yếu nên vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân.
|
Đường điện Xóm 3 (Thôn 4, xã Tân Lâm) hết sức tạm bợ |
Chúng tôi cùng cán bộ ở cơ sở đi khảo sát để nắm rõ thực trạng lưới điện ở một số địa phương mới thấy hết những lo lắng, băn khoăn của người dân. Hầu hết toàn bộ hệ thống đường điện do bà con tự kéo ở đây đã nhiều năm sử dụng, khá cũ, bị gỉ chân trụ, cột xiêu vẹo, một số trụ đã ngã đổ nên không đảm bảo an toàn trong sinh hoạt, sản xuất của người dân. Ông Hồ Thanh Xuân - Trưởng thôn 7, xã Liên Đầm bộc bạch: Toàn thôn có 8 xóm với 216 hộ/876 nhân khẩu, do người dân sống không tập trung nên việc vận động bà con xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn có những khó khăn nhất định. Đến nay, đường sá đi lại vẫn còn nhiều khó khăn, hệ thống đường điện sinh hoạt tuy có xóm đã lắp đường dây hạ thế nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của người dân.
Mặc dù, đường dây điện kéo vào các hộ dân nơi đây được mắc khá gọn gàng , nhưng đường dây điện và trụ sắt được dựng sát nhà dân và cây trồng ven đường, nay đã xuống cấp nên tiềm ẩn nhiều rủi ro và có nguy cơ gây mất an toàn điện rất cao. “Trụ điện bằng sắt được làm từ năm 2.000 đến nay đã xuống cấp, mục nát, gỉ chân trụ, nên cột xiêu vẹo và dễ bị nhiễu điện. Năm 2004, một người dân ở Thôn 8 do bị nhiễu điện nên bị điện giật tử vong. Vì vậy, bà con chúng tôi mong muốn các ngành, các cấp tiếp tục có giải pháp nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn giúp người dân sử dụng điện lưới được an toàn”, ông Nguyễn Nhường ở Xóm 2 nói.
Theo phản ánh của người dân, Xóm 8 là địa bàn vùng sâu, vùng xa của xã Liên Đầm nên điều kiện sinh hoạt đi lại của người dân còn nhiều khó khăn. Muốn có điện sinh hoạt, người dân nơi đây phải kéo nhờ từ đường điện xã Đinh Trang Hòa nên điện yếu. “Mặc dù có xóm lưới điện hạ áp nông thôn đã về tận thôn xóm, nhưng việc đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó nhu cầu sử dụng điện của người dân thì ngày càng tăng, trong khi hệ thống lưới điện không đủ chịu tải nên ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, phục vụ sản xuất của người dân. Đặc biệt vào mùa cao điểm từ tháng 10 đến tháng 3, điện yếu do nhiều nguyên nhân như hệ thống đường dây, hộ dân sử dụng máy bơm nước, nên việc nấu cơm bằng nồi cơm điện cũng gặp khó khăn. Vì vậy, người dân chúng tôi mong muốn ngành điện cần lắp đặt thêm bình biến áp ở khu vực Sơ-lung để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân”, anh Phạm Công Định ở Xóm 6 phản ánh.
Tương tự, ở Xóm 3 (Thôn 4, xã Tân Lâm) có 56 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 90%. Mặc dù Xóm 3 nằm cạnh tuyến Quốc lộ 28, nhưng nhiều năm nay đồng bào nơi đây vẫn sử dụng đường điện tự kéo với chiều dài 1,5 km hết sức tạm bợ. Hầu hết các trụ cột đều làm bằng cây gỗ, lồ ô, trúc, có tuổi thọ ngắn và được dựng đứng sát hàng rào dọc hai bên đường. Thực tế cho thấy đường dây điện vào các nhà dân ở khu vực này được mắc khá chằng chịt, chồng chéo trên các “cột điện” với nhiều kích cỡ và chủng loại khác nhau. Vì các trụ được làm bằng cây gỗ, mỗi năm được thay 2 lần nhưng nay đã quá cũ, mục nát, xiêu vẹo, lại bị hệ thống đường dây điện chằng chịt kéo ngả nghiêng, nên có nguy cơ bị đổ ngả bất cứ lúc nào.
Ông K’Điệp - già làng, người có uy tín xã Tân Lâm, cho biết: “Đây là đường điện do chúng tôi tự kéo, nên không đảm bảo tính an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Tại các buổi tiếp xúc với cử tri của xã, của huyện, chúng tôi cũng đã có ý kiến nhiều lần mong muốn Nhà nước có chủ trương nâng cấp hệ thống điện lưới nông thôn để đảm bảo an toàn nhưng đến nay vẫn chưa có dự án đầu tư”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2017, UBND huyện Di Linh đã phê duyệt Quyết định số 4210/QĐ-UBND, ngày 29 tháng 12 năm 2017, của Chủ tịch UBND huyện Di Linh về chủ trương, dự án đầu tư xây dựng đường điện trung - hạ thế tại khu vực Xóm 2, Thôn 5, xã Tân Lâm với tổng kinh phí 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xảy ra nhiều bất cập như: ngoài 23 hộ có nhu cầu sử dụng điện thì việc kéo 17 cây cột điện vào rẫy cà phê của 2 hộ dân trên diện tích đất sản xuất thuộc Chương trình 135 nông lâm kết hợp, trong khi nhiều hộ khác trên địa bàn xã vẫn chưa có đường điện sinh hoạt, còn phải dựng cột gỗ tạm bợ, câu móc xa không đảm bảo an toàn... đã làm ảnh hưởng xấu, gây bức xúc trong Nhân dân.
LAM PHƯƠNG