Trước nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc...
[links()]
Trước nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc; những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng ưu tiên hỗ trợ nông dân thực hiện chứng nhận VietGAP cho hàng loạt các mặt hàng rau, củ, trái cây,... Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều thực phẩm giả danh, không có sự khác biệt về giá cả khiến người tiêu dùng lẫn lộn, đây thật sự là rào cản ảnh hưởng đến việc phát triển nông sản VietGAP. Để nâng tầm giá trị sản phẩm, cần thay đổi nhận thức của chính người nông dân lẫn người tiêu dùng trong vấn đề phát triển nông sản sạch.
Bài 1: Thay đổi tư duy từ đồng ruộng
Xu hướng sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn ngày càng được nhiều người quan tâm, đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất ngay từ trên chính đồng ruộng của mình. Từ đó, họ phải sản xuất có sự kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng mô hình theo chuỗi từ sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất khi tham gia vào chuỗi sản xuất VietGAP |
Người dân tham gia vào chuỗi sản xuất VietGAP
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã phát triển và mở rộng diện tích sản xuất theo quy định thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) trong các lĩnh vực trồng trọt. Việc sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP luôn đòi hỏi sự quản lí chặt chẽ, ghi chép các chi tiết từ khâu xử lý đất trồng, nguồn nước tưới tiêu, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thời gian cách ly với phân thuốc trước khi thu hoạch đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm; có vậy mới đủ tiêu chuẩn qui định cần thiết để đăng kí chứng nhận VietGAP.
Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình tổ, nhóm sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Hộ bà Đinh Thị Xuân Mai, ở thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn (Đơn Dương) đã liên kết với Công ty MM Mega Market để sản xuất 1,7 ha rau sạch cung ứng ra thị trường. Ngoài ra, bà còn liên kết được với nhiều hộ nông dân khác cùng chuyển hướng làm rau sạch để giá cả và đầu ra không còn bấp bênh. Gia đình bà Mai bắt đầu trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ngay từ năm 2007 - khi hệ thống METRO mở trụ sở ở Đức Trọng và “khoanh vùng” nguyên liệu đến tận Đơn Dương. Theo bà Mai, lúc đầu bà thấy khó chịu với việc ghi ghi chép chép, làm đến đâu thì kiểm tra kỹ thuật có đạt hay không đạt đến đó..., nhưng riết rồi cũng quen, vả lại, đây là lối canh tác hiện đại để cho ra sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn nên phải áp dụng. Hiện Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông B có 20 thành viên và liên kết thêm 12 hộ với diện tích sản xuất 40 ha, trồng nhiều loại rau, củ cung ứng cho hệ thống siêu thị MM Mega Market. Việc liên kết sản xuất để cung ứng cho các công ty giúp nông dân ở Đạ Ròn không chỉ yên tâm sản xuất mà còn hướng đến sản xuất bền vững bởi các mặt hàng nông sản sạch.
Anh Nguyễn Quốc Thịnh (Lạc Lâm, Đơn Dương), với diện tích 6 sào nhà kính, có hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại để trồng ớt chuông an toàn. Anh cho biết, làm đơn lẻ mình sẽ bị phụ thuộc vào thương lái, chính vì vậy anh tham gia HTX rau sạch Lạc Lâm để nâng cao giá trị cho sản phẩm của mình. Với diện tích canh tác VietGAP, lợi nhuận thu về của gia đình cao hơn so với sản xuất thông thường. Toàn bộ rau do anh làm ra được bao tiêu với giá cam kết, tạo đầu ra ổn định, giúp gia đình yên tâm canh tác. Theo đó, thay vì lo tìm đầu ra như nhiều nơi, nông dân ở đây lại có thời gian tập trung chăm sóc rau an toàn, đạt tiêu chuẩn.
Người dân qua công tác tuyên truyền và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh đã nhận thức được lợi ích từ việc tham gia thực hiện tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Kết quả từ việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho thấy sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, sản phẩm ngày càng được nâng cao về số lượng, chất lượng và giá thành. Các hộ sản xuất rau sản phẩm đã đi được vào kênh phân phối siêu thị, cửa hàng... Để thâm nhập được thị trường này; ngoài điều kiện “cần” là chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì điều kiện “đủ” là có chứng nhận VietGAP.
Hậu kiểm quy trình sản xuất
Chứng nhận VietGAP được coi là tờ “giấy thông hành” để nông sản thâm nhập vào các thị trường khó tính, nhất là xuất khẩu. Để đạt tiêu chuẩn VietGAP đã khó, nhưng con đường nông sản được nhận diện và định danh rõ ràng đúng giá trị của mình lại càng khó khăn hơn.
Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, sau 5 năm (2016 - 2020), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã hỗ trợ 315 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên 12 huyện, thành phố, các sản phẩm được hỗ trợ gồm các loại rau, củ, quả, chè, cà phê, cây ăn quả, dược liệu, cá tầm, ong... Kết quả sản xuất theo VietGAP toàn tỉnh là 5.392,7 ha. Trong đó: Rau 3.110,35 ha, chè 535,4982 ha, cây ăn quả 1.007,785 ha, lúa 434,168 ha, dược liệu 46,4 ha, cà phê 255,5 ha, tiêu 3 ha.
Thông qua các chương trình, đề án, Sở NN & PTNT tổ chức kiểm tra các đơn vị được chứng nhận VietGAP được cấp nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, các đơn vị sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị. Hàng năm Sở NN & PTNT đều thực hiện các chương trình lấy mẫu giám sát rau, củ, quả tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để phân tích dư lượng thuốc BVTV. Năm 2019 lấy 1.174 mẫu, năm 2020 lấy 1.169 mẫu, kết quả phân tích cho thấy tỉ lệ mẫu rau an toàn đạt 99%.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 cơ sở được cấp giấy chứng nhận tham gia Đề án Chuỗi thực phẩm an toàn thực hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với sản lượng rau, củ, quả là trên 62,5 ngàn tấn/năm. Việc ký kết xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa 2 đơn vị được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến tay người tiêu dùng. Hàng tháng, quý đều lấy mẫu giám sát sản phẩm rau, củ, quả gửi phân tích định lượng để giám sát. Các tỉnh, thành phố khác như: Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ cũng có một số quy trình kiểm tra tương tự theo cách riêng của từng tỉnh.
Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị Co.opmart, BigC, VinMart... có khá nhiều đơn vị cung cấp rau, củ đạt tiêu chuẩn VietGAP như HTX Anh Đào, Công ty TNHH Phong Thúy, Công ty TNHH Thảo Nguyên, Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh... nên nguồn cung dồi dào và chủng loại phong phú. Các đơn vị này đều cam kết cung cấp đúng danh mục sản phẩm, đúng số lượng và đúng chất lượng, cũng như kiểm soát tốt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quy định.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thông qua nhiều hoạt động, đơn vị đã hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng các bộ test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho các mô hình chuỗi, để các chuỗi có thể tự kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ khâu mua nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất; yêu cầu các cơ sở kiểm soát thường xuyên việc thực hiện quy trình, quy phạm sản xuất, kiểm tra việc ghi chép, lưu giữ hồ sơ của các hộ và cơ sở. Dùng bảng chi tiết về đánh giá nội bộ để đánh giá tình hình thực hiện tất cả các chỉ tiêu, qua đó có biện pháp khắc phục kịp thời các lỗi.
Bà Lê Thị Thanh Nga, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật (Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm (ATTP), cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đơn vị thường xuyên giám sát, kiểm tra sử dụng thuốc BVTV tại các cơ sở tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các địa phương. Nhìn chung công tác quản lý dư lượng thuốc BVTV trên rau, chè đã thực hiện có hiệu quả việc giám sát ATTP trên các sản phẩm rau, chè trước khi đưa ra thị trường, đặc biệt đã thực hiện giám sát tại các cơ sở sản xuất có chứng nhận VietGAP. Qua đó, Lâm Đồng là tỉnh có tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp có dư lượng thuốc BVTV thấp nhất cả nước là dưới 1%.
(CÒN NỮA)
HOÀNG YÊN