Nông sản VietGAP - hướng tiêu dùng trong tương lai (Bài 2)

04:07, 05/07/2021

Lâm Đồng đã xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các vùng chuyên canh rau an toàn, điều này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cơ hội tiếp cận nguồn thực phẩm sạch của người dân...

[links()]
 
Bài 2: Mở rộng vùng rau an toàn VietGAP
 
Lâm Đồng đã xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các vùng chuyên canh rau an toàn, điều này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cơ hội tiếp cận nguồn thực phẩm sạch của người dân. Tuy nhiên, để thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh của người dân, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp, sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp.
 
Những năm qua, Lâm Đồng có nhiều chính sách hỗ trợ để mở rộng vùng sản xuất VietGAP
Những năm qua, Lâm Đồng có nhiều chính sách hỗ trợ để mở rộng vùng sản xuất VietGAP
 
Sản xuất rau an toàn vẫn khó
 
Trên thị trường nông sản của Lâm Đồng đang tồn tại các dòng sản phẩm khác nhau như: Rau sản xuất theo phương pháp truyền thống, rau đủ điều kiện sản xuất an toàn, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, rau hữu cơ...
 
Trước thực trạng sản xuất nông nghiệp truyền thống gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, HTX sản xuất, kinh doanh rau an toàn Hội Toàn (xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng) là một đơn vị sản xuất áp dụng các quy trình trồng rau VietGAP. Đây là một trong những đơn vị trên địa bàn có số lượng lớn sản phẩm đưa vào hệ thống siêu thị với khoảng 3 tấn/tuần. Hiện tại HTX có diện tích 18 ha với 14 hộ nông dân để trồng các loại rau màu cung ứng cho hệ thống siêu thị VinMart, BigC, chợ đầu mối... Tuy nhiên, theo Giám đốc HTX Trương Văn Hội, mặc dù là rau an toàn nhưng hiện nay, HTX vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm hoặc chờ thương lái đến thu mua vì chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Ông Hội cho biết: Dù sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng giá cả lại phụ thuộc vào thị trường. Ngoài sản lượng theo hợp đồng, tôi không dám cho xã viên mở rộng VietGAP vì nếu vậy rất rủi ro. 
 
Tìm hiểu tại các hộ dân, chị Nguyễn Thị Dần- thành viên HTX Hội Toàn, cho biết: “Khi sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, bảo đảm thời gian cách ly khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, HTX chỉ tiêu thụ một phần sản phẩm làm ra, còn lại gia đình phải tự bán lấy, vì mẫu mã không bắt mắt, khi mang đi tiêu thụ thường bị đánh đồng với các loại rau khác. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng bị mất giá, trong khi đầu tư cho sản xuất rau an toàn cao hơn rau thường khoảng 1,5 lần”.
 
Có thể khẳng định, với trình độ canh tác và sự ham học hỏi của nông dân Lâm Đồng thì bà con hoàn toàn làm chủ những kỹ thuật khắt khe của quy trình sản xuất VietGAP. Trở ngại lớn nhất vẫn là nguồn đầu tư lớn và vấn đề tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, nhiều nông sản đang mất giá như hiện nay. 
 
Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn nhất của người trồng rau hiện nay là thị trường tiêu thụ rau an toàn chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Theo thống kê, chỉ có khoảng 50% sản lượng rau an toàn được các doanh nghiệp, siêu thị hợp đồng thu mua, số còn lại được bán cho các chủ vựa, tiểu thương chợ đầu mối đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh hoặc nông dân tự tiêu thụ. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài.
 
Số lượng HTX sản xuất rau, đặc biệt là số cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP còn quá ít, khoảng 15% so với diện tích sản xuất rau hiện có. Ngoài ra, thời gian cấp giấy chứng nhận còn ngắn, qui định trong 2 năm với chi phí bỏ ra lần đầu, tùy theo diện tích nhưng trung bình khoảng 25 triệu đồng, trong khi hàng năm phải kiểm tra định kỳ và chịu chi phí trả cho đơn vị cấp giấy 10 triệu đồng/năm. Do vậy người dân còn e ngại hoặc sau 2 năm hết thời gian cấp giấy không đăng ký lại.
 
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển vùng VietGAP
 
Hiện nay, cái khó của những người trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP vẫn là vốn vì sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro do thời tiết, dịch bệnh. Hơn nữa, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng và chi phí thuê nhân công trồng, chăm sóc, bảo quản bảo đảm năng suất, chất lượng các loại rau đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp khá tốn. Do vậy, để thúc đẩy, có thêm nhiều mô hình trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP, tỉnh cần có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất rau an toàn nói riêng, trước mắt là tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX tiếp cận với các gói tín dụng hỗ trợ, mở rộng quy mô sản xuất.
 
Thực tế cho thấy, để đẩy mạnh việc trồng rau an toàn và rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP rất cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước. Ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc HTX Tân Tiến (Phường 12, Đà Lạt) cho rằng: Các ngành chức năng cần tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho người dân trong sản xuất rau từ việc lựa chọn cây giống, dùng thuốc thảo mộc, sinh học, đến ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm đến tay người tiêu dùng đúng cách, qua đó từng bước tạo niềm tin về thực phẩm sạch. Ngoài ra, để rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có chỗ đứng trên thị trường, các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương siết chặt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cửa hàng, bếp ăn tập thể... nhằm truy xuất nguồn gốc các loại rau lưu thông, tiêu thụ trên thị trường.
 
Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng cho biết: Để khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất VietGAP, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều giải pháp như: Ban hành chính sách hỗ trợ người dân phát triển VietGAP theo Quyết định 67/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc nông sản,... đồng thời điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận VietGAP theo từng loại cây trồng cụ thể.
 
Đại đa số người dân có nhận thức và hưởng ứng rất tốt đối với chương trình tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Tuy nhiên, cũng còn một số ít người dân có tâm lý e ngại khi ghi chép hồ sơ sản xuất nhằm truy xuất nguồn của VietGAP theo biểu mẫu quy định vì vẫn còn ảnh hưởng bởi tác phong canh tác truyền thống. Chính vì vậy, nông sản sạch là hướng đi của Lâm Đồng và là mục tiêu mà người tiêu dùng mong đợi. Tuy nhiên, để nông sản sạch được cấp giấy chứng nhận VietGAP, được thị trường chấp nhận và đánh giá đúng giá trị sản xuất của nó thì cần có sự minh bạch trên thị trường tiêu thụ và sự lựa chọn thông thái từ những người tiêu dùng. Có như vậy các nông hộ đi theo con đường VietGAP mới bớt gian nan. 
 
Ông Nguyễn Văn Châu cho biết, hằng năm, UBND tỉnh đều có chính sách hỗ trợ cho các vùng sản xuất VietGAP tập trung để khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp sạch. Nhưng về lâu dài, để sản xuất VietGAP phát triển thì cần sự tích cực, chủ động của nông dân. Tự bản thân người nông dân khi sản xuất ngoài mục tiêu kinh tế, còn cần có ý thức hướng tới bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó, việc lựa chọn sản xuất VietGAP sẽ phổ biến và trở thành nhu cầu của chính người sản xuất. 
 
Hiện nay dù chưa đạt được hiệu quả kinh tế như mong muốn, tỉnh Lâm Đồng vẫn rất cần duy trì, phát triển các vùng sản xuất VietGAP để xây dựng một nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Ngoài việc hướng dẫn nông dân thay đổi thói quen, tập quán canh tác, các đơn vị liên quan cần tìm được thị trường tiêu thụ với phân khúc phù hợp cho nông sản VietGAP. Có như vậy, người dân mới yên tâm sản xuất theo quy trình VietGAP.
 
(CÒN NỮA)
 
HOÀNG YÊN