Nông sản VietGAP - hướng tiêu dùng trong tương lai (bài cuối)

05:07, 06/07/2021

Việc người tiêu dùng và nhà sản xuất khó gặp nhau khiến nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch và an toàn chưa được đáp ứng kịp thời, trong khi nông dân vẫn gặp khó trong khâu tiêu thụ...

[links()]
 
Bài cuối: Nâng cao giá trị thương hiệu nông sản VietGAP Lâm Đồng
 
Việc người tiêu dùng và nhà sản xuất khó gặp nhau khiến nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch và an toàn chưa được đáp ứng kịp thời, trong khi nông dân vẫn gặp khó trong khâu tiêu thụ. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ của ngành chức năng kết nối giữa cung - cầu nông sản sạch và an toàn... Để từ đó, khi nhắc đến Lâm Đồng, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn về sản phẩm nông sản sạch của địa phương.
 
Sản xuất và chế biến nông sản của Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy - Đức Trọng tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn ở TP Hồ Chí Minh
Sản xuất và chế biến nông sản của Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy - Đức Trọng tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn ở TP Hồ Chí Minh
 
Người tiêu dùng yên tâm với sản phẩm VietGAP
 
Thời gian qua, việc trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP đã được thực hiện tại các huyện của Lâm Đồng và gặt hái được rất nhiều thành công.
 
Điển hình, trên địa bàn huyện Đơn Dương đã được cấp 116 Giấy chứng nhận VietGAP trên diện tích 608 ha rau. Cùng với đó, địa phương này còn có 6 tổ chức sản xuất, kinh doanh được cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” gồm HTX là Thiện Thanh, Sơn Uyên, Rau sạch VietGAP Lạc Lâm, Bồ Công Anh, Thanh Niên và Công ty TNHH Cao Nguyên. 
 
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những lợi thế có thể dùng để đánh giá chất lượng nông sản, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hữu Đoàn, Giám đốc HTX rau sạch VietGAP Lạc Lâm (Đơn Dương) cho biết, các thành viên HTX đều là những người có diện tích canh tác lớn, đầu tư quy mô theo hướng công nghệ cao, với diện tích 30 ha và trên 50% đã được chứng nhận rau VietGAP. HTX rau sạch VietGAP Lạc Lâm là đơn vị đầu tiên của xã làm bài bản theo tiêu chuẩn, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến an toàn, vệ sinh thực phẩm thông qua việc kiểm soát sản xuất trong tất cả các khâu, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định. Sản xuất rau theo quy trình VietGAP không chỉ giúp các hộ thành viên thay đổi nhận thức, mà còn giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong việc sử dụng nguồn rau sạch cho gia đình. 
 
Người tiêu dùng đánh giá cao những sản phẩm VietGAP có sự kiểm định chất lượng. Bà Hồ Thị Xinh (60 tuổi, Phường 9, Đà Lạt) cho biết: “Bản thân tôi luôn tin tưởng và thích mua rau an toàn chuẩn VietGAP vì chỉ cần quét mã QR trên zalo là biết sản phẩm được trồng ở đâu, nông hộ nào trồng. Sản phẩm tuy không đẹp về mẫu mã nhưng chất lượng rất đảm bảo. Tôi nghĩ sản phẩm có chứng nhận, nhất là chứng nhận VietGAP có truy nguyên được nguồn gốc hiện đang là xu thế mới và là hướng tiêu dùng trong tương lai”.
 
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông sản VietGAP Lâm Đồng với quy trình kiểm soát chất lượng từ nơi trồng đến nhập kho và ngay cả khi sản phẩm được bày bán trên kệ một cách khép kín và chặt chẽ nên người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng và có thể truy nguyên nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP đang kinh doanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị dinh dưỡng. Từ đó, góp phần khẳng định thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững nền sản xuất nông nghiệp.
 
Liên kết là mấu chốt để tiêu thụ sản phẩm VietGAP
 
Nối tiếp chương trình thúc đẩy sản xuất nội địa dành cho doanh nghiệp Việt, Tập đoàn Vingroup đại diện là Công ty VinEco đã triển khai chương trình hỗ trợ, liên kết với các hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn; đồng thời góp phần xây dựng tư duy sản xuất hiện đại, bài bản và hiệu quả cho người nông dân.
 
Lão nông Võ Ngọc Liễu, thành viên của HTX Thiện Thanh (Đơn Dương) trực tiếp làm nông sản cho Công ty VinEco chia sẻ, ông tham gia sản xuất cho Công ty được hơn 4 năm với diện tích 1,6 ha, VinEco đã trực tiếp đào tạo, hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất sạch; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật, giống; kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất cũng như trước thu hoạch; thu mua sản phẩm với giá cả ổn định và cao hơn thị trường. Với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, đã cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường. So với sản xuất kiểu truyền thống thì ban đầu khi làm sản phẩm cho công ty, nông dân gặp không ít khó khăn. Nhưng làm một thời gian cũng quen dần. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, riêng gia đình ông đã cung ứng cho VinEco khoảng 30 tấn nông sản, thu về hơn 300 triệu đồng.
 
Anh Trần Thiện Thanh, Chủ tịch HĐQT HTX Thiện Thanh cho biết, đến thời điểm hiện tại, HTX đã có 22 thành viên với diện tích hơn 40 ha đủ tiêu chuẩn để tham gia sản xuất cho Công ty VinEco, tất cả các thành viên của HTX đã ý thức được việc làm nông sản sạch và hình thành thói quen trong sản xuất. 
 
Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Lâm Đồng cho rằng, tới đây tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, nghiên cứu, dự báo và phát triển thị trường. Tăng cường kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, triển khai nhiều chương trình hợp tác, các hội nghị, hội chợ kết nối giao thương, tạo điều kiện để quảng quá các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn của Lâm Đồng.
 
Về cơ bản hiện nay các hộ tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại Lâm Đồng đều thực hiện tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Hiện nay toàn tỉnh có 175 chuỗi liên kết. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP là xu hướng tất yếu, trong tương lai sẽ là điều kiện bắt buộc nếu người sản xuất muốn tiêu thụ được sản phẩm. VietGAP hiện nay không còn là phong trào nữa mà đi vào nhu cầu thực tế, thực chất của người dân và doanh nghiệp. Khi có chứng nhận VietGAP thì sản phẩm đảm bảo đầu ra, giá cả cao và ổn định, bởi người nông dân đều có liên kết với các HTX và doanh nghiệp. 
 
Để mở rộng và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian qua tỉnh Lâm Đồng đã ký kết hợp tác, liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ..., quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản an toàn, qua đó đã đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, truy xuất và xử lý khắc phục đối với các mặt hàng nông sản không đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm.
 
Từ việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong quá trình sản xuất là tiền đề cho việc ký kết các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người dân với hợp tác xã, doanh nghiệp. Nhờ vào liên kết, nông dân mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ chất lượng đến từ Lâm Đồng.
 
HOÀNG YÊN