Tình đồng hương, nghĩa đồng bào

04:07, 16/07/2021

(LĐ online) - Có lẽ không nơi đâu như đất nước Việt Nam ta, dù đi đâu cũng nhớ tới quê hương, bản xứ, cho dù ở phương trời Âu châu xa vời vợi hay ngay chính trong huyện, trong tỉnh mà mình sinh sống. Đó chính là tình đồng hương, nghĩa đồng bào cùng sẻ chia ngọt bùi; tương trợ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…

(LĐ online) - Có lẽ không nơi đâu như đất nước Việt Nam ta, dù đi đâu cũng nhớ tới quê hương, bản xứ, cho dù ở phương trời Âu châu xa vời vợi hay ngay chính trong huyện, trong tỉnh mà mình sinh sống. Đó chính là tình đồng hương, nghĩa đồng bào cùng sẻ chia ngọt bùi; tương trợ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…
 
Thanh niên tình nguyên thu hoạch rau ủng hộ người dân vùng dịch
Thanh niên tình nguyên thu hoạch rau ủng hộ người dân vùng dịch
 
Thời gian qua, đất nước chúng ta phải hứng chịu nhiều thiên tai, bão lũ. Đỉnh điểm là khúc ruột miền Trung phải oằn mình hứng chịu cảnh lũ chồng lũ, lũ lịch sử vào năm 2020. Khi đó, nhiều nhà cửa bị nhấn chìm, cuốn phăng đi, người dân rơi vào cám cảnh mền trời chiếu đất, tan hoang ruộng vườn. Khi đó, để chung tay, hỗ trợ bà con miền Trung, toàn thể con dân đất Việt ta đã hướng về miền Trung, từ những đồng tiền tích cóp nhỏ nhặt, cho đến những vuông bánh chưng vừa ráo nước đã được gửi đến khúc ruột miền Trung. Chỉ vì một lý do, đồng bào miền trung lũ lụt này thì đói, thì rét lắm, thương lắm miền Trung ơi..
 
Ngay tại Lâm Đồng, con dân của Quảng Trị vào miệt Nam Tây nguyên sinh sống chủ yếu ở hai xã Quảng Trị và Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh); ngay trong đợt lũ lịch sử, những người đồng hương Quảng Trị ở Đạ Tẻh mà trực tiếp là Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh Trương Thái Anh Quốc đã đến từng nhà, kêu gọi từng người quyên góp được gần 20 triệu đồng để gửi cho quê hương bão lũ. Rồi còn những hội đồng hương khác như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… cũng quyên góp được tiền bạc, bánh trái, cơm gạo để gửi gắm về quê cũ của mình; mong sao quê hương thoát khỏi những cơn mưa trắng trời, những đợt lũ kinh hoàng. 
 
Thế rồi, nước lũ rút, bà con miền Trung lại tu sửa nhà cũ, làm lại ruộng vườn, tích cực sản xuất. Một năm sau, miền Trung đã qua được cơn bi ai do thiên tai giáng xuống thì miền Nam phải căng mình phòng chống dịch bệnh Covid-19. Khi miền Nam gọi, miền Trung đáp lời, sự yêu thương được thể hiện rõ ràng mà các bản tin thời sự VTV 1 của Đài Truyền hình Việt Nam, các trang mạng xã hội chia sẻ như: Chuyến xe nghĩa tình, hướng về miền Nam; hình ảnh bà ta, mẹ ta mang từng trái bầu, trái bí, bắp ngô đến tận hội trường thôn gửi vào TP Hồ Chí Minh cho bà con ở đó dằn bụng, yên tâm phòng chống dịch bệnh.
 
Cũng tại Lâm Đồng, trong những ngày TP Hồ Chí Minh đang căng mình đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 biết bao nhiêu chuyến xe nghĩa tình của các tổ chức, đoàn thể và cá nhân đang lăn bánh hướng về thành phố mang tên Bác, mang theo rau, củ, quả, nhu yếu phẩm và cả nghĩa tình của người Lâm Đồng dành tặng người dân vùng dịch. Anh Nguyễn Hữu Kiệt - Thành viên nhóm thiện nguyện của Hội đồng hương Di Linh cho biết: Để cùng chung sức, góp công đẩy lùi dịch bệnh dịch bệnh Covid-19, nhóm thiện nguyện trong Hội đồng hương đã kêu gọi các thành viên trong hội ủng hộ để giúp đỡ người dân ở TP Hồ Chí Minh. Sự giúp đỡ mang tính chất tự nguyện nhưng luôn được công khai, minh bạch để những việc làm của nhóm dù nhỏ nhưng có ý nghĩa và thiết thực dành tặng bà con vùng dịch, nhất là những đồng hương người Di Linh đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.
 
Những ngày qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19”; cán bộ, đảng viên, người dân, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã tích cực đóng góp tiền của, công sức, lương thực, thực phẩm để quyết tâm đẩylùi dịch bệnh. Riêng tại Lâm Đồng, số tiền đóng góp cho Quỹ phòng chống Covid-19 của tỉnh đến nay đã hơn 64 tỷ đồng. 
 
Những con dân đất Việt, những người con quê hương; cho dù vất vả mưu sinh, rời xa quê hương để lập thân, lập nghiệp nhưng trong họ, trong mỗi người chúng ta luôn đáu đáu một nỗi niềm da diết nhớ quê hương. Và khi quê hương xảy ra thiên tai, dịch bệnh thì hai chữ quê hương lại càng được tô thắm nghĩa tình hơn. 
 
ĐỨC TÚ