Xây dựng chuỗi tiêu thụ thực phẩm an toàn

05:07, 19/07/2021

Việc liên kết về sản xuất và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm với thị trường Thành phố Hồ Chí Minh được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng...

Việc liên kết về sản xuất và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) với thị trường Thành phố Hồ Chí Minh được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, mang lại lợi ích cho người sản xuất, kinh doanh. Từ đó, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Lâm Đồng phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
 
Nông sản của Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy - Đức Trọng đã tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn ở Thành phố Hồ Chí Minh
Nông sản của Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy - Đức Trọng đã tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn ở Thành phố Hồ Chí Minh
 
Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm với số lượng rất lớn, với khoảng 10 triệu dân, để bảo đảm nguồn cung cấp nông sản đạt chuẩn ATTP cho người tiêu dùng, thành phố thực hiện mô hình quản lý ATTP hợp nhất với đầu mối là Ban Quản lý ATTP. Qua đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Lâm Đồng “Ký kết quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2021 - 2025”. 
 
Năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 32 cơ sở được cấp giấy chứng nhận tham gia “Đề án chuỗi thực phẩm an toàn” thực hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với sản lượng rau, củ, quả là trên 62,5 ngàn tấn/năm. Đến nay, sản lượng tiêu thụ nông sản, đặc biệt là rau của tỉnh được tiêu thụ tại các siêu thị, chợ đầu mối và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống của Thành phố Hồ Chí Minh phần lớn được kiểm soát ATTP theo chuỗi.
 
Ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tân Tiến (Phường 12) cho biết, khi tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn với Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó nông sản của HTX có thể đi vào tất cả hệ thống siêu thị, nhà hàng, bếp ăn của thành phố. Mỗi năm đơn vị cung ứng khoảng hơn 1.000 tấn nông sản thông qua chuỗi này. Để đạt được tiêu chuẩn thì toàn bộ diện tích sản xuất của HTX đều có chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông sản đến tay người tiêu dùng thông qua sự kiểm soát chặt chẽ của đội ngũ Ban Quản lý ATTP Thành phố Hồ Chí Minh. Với quy trình kiểm soát chất lượng từ nơi trồng đến nhập kho và ngay cả khi sản phẩm được bày bán trên kệ một cách khép kín và chặt chẽ, khách hàng có thể yên tâm về chất lượng của các sản phẩm rau, củ, quả đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị dinh dưỡng.
 
Để xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn mang tính bền vững giữa 2 đơn vị, Lâm Đồng quan tâm đào tạo, tập huấn cách thức sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc như: Quy trình sản xuất theo GAP, HACCP, ISO... cho các đối tác có liên quan; đồng thời tổ chức nhiều diễn đàn liên kết, trao đổi làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân, tạo điều kiện cho nông dân cơ hội tiếp cận, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ ở Thành phố Hồ Chí Minh nhằm xúc tiến thương mại, hỗ trợ gắn tem điện tử (QR code) nhận diện và truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm để truy xuất, kiểm soát ATTP, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. 
 
Việc ký kết xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa 2 đơn vị được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến tay người tiêu dùng. Qua đó, năm 2021 phấn đấu tăng 50% sản lượng với khoảng 94 ngàn tấn rau, củ, quả/năm, với 15 chuỗi mới.
 
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đối với tổ chức, cá nhân và người sản xuất, khi tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã tạo dựng được lòng tin của cơ sở đối với người tiêu dùng vì sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, ATTP ở các khâu thông qua sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Từ đó, giá trị sản phẩm nâng lên từ 15% đến 20% so với sản phẩm thông thường.
 
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cũng còn bộc lộ một số hạn chế như: Quy mô mỗi chuỗi còn nhỏ lẻ, sản lượng chưa ổn định, nhiều sản phẩm chuỗi phụ thuộc vào mùa vụ nên việc liên kết đầu ra gặp khó khăn. Tỉnh đã đưa ra giải pháp khắc phục, đó là tiếp tục tuyên truyền sản phẩm chuỗi, các cơ sở tham gia Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” và các cơ sở sử dụng sản phẩm chuỗi nhằm khuyến khích tiêu dùng sản phẩm chuỗi thực phẩm an toàn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh ký kết quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; tăng cường giám sát chất lượng các cơ sở đã được chứng nhận vào chuỗi, thẩm định điều kiện ATTP, lấy mẫu giám sát chất lượng các sản phẩm…
 
Thông qua việc ký kết tăng các chuỗi thực phẩm an toàn, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2025, có 85% các nông sản, thực phẩm chủ lực của tỉnh tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm soát ATTP.
 
HOÀNG YÊN