Ấm tình những suất cơm 0 đồng

04:08, 04/08/2021

(LĐ online) - Hàng trăm suất cơm 0 đồng được chính những người vẫn còn khó khăn dành cho người hoàn cảnh hơn mình với niềm yêu thương đã làm ấm áp thêm tình người giữa tiết trời Đà Lạt những ngày này…

(LĐ online) - Hàng trăm suất cơm 0 đồng được chính những người vẫn còn khó khăn dành cho người hoàn cảnh hơn mình với niềm yêu thương đã làm ấm áp thêm tình người giữa tiết trời Đà Lạt những ngày này…
 
4 chị em nhà chị Trinh tất bật chuẩn bị những suất cơm 0 đồng
4 chị em nhà chị Trinh tất bật chuẩn bị những suất cơm 0 đồng
 
Trong tiệm rửa xe bằng tôn ọp ẹp với chỉ vỏn vẹn gần 10 m 2 tại 114 Nguyễn Công Trứ (TP Đà Lạt), 10 giờ rưỡi sáng, nhiều phần cơm đã để ngay ngắn trên chiếc bàn nhựa phía trước. Trong tiệm, 4 chị em ruột nhà chị Trần Thị Lệ Trinh vẫn hối hả người xới cơm vô hộp, người múc canh, người múc thức ăn vào túi ni lông cột cẩn thận. Phía ngoài, anh Ba - chồng chị Trần Thị Lệ Chi nhìn ra đường hễ thấy chị thu mua ve chai, ông bán vé số lại gần là chạy vội ra trao ngay 1 suất cơm còn nóng hổi. Chỉ trong khoảng 1 tiếng, 300 suất cơm đã được trao cho những người gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
 
Chị Trinh cho hay, chị em chị tổ chức phát cơm 0 đồng được hơn 2 tuần nay, cứ vào trưa thứ 3, 5, 7 hàng tuần sẽ chuẩn bị 300 suất. Riêng chủ nhật sẽ chuẩn bị 700 suất để trao 300 suất cho Hội Chữ thập đỏ TP Đà Lạt hỗ trợ đến những hoàn cảnh khó khăn tại các phường trên địa bàn, còn lại 400 suất sẽ phát cho bà con có nhu cầu tại quán Vườn Beer BBQ Lẩu ngay địa chỉ 40b hẻm Cầu Đúc, Phường 10 mà gia đình chị thuê mặt bằng kinh doanh. 
 
Cả 4 chị em chị Trinh đều là người từ nơi khác đến làm ăn sinh sống tại Đà Lạt. Mấy tháng nay, chị Trinh đóng quán để phòng chống dịch Covid-19. “Thấy nhiều người hoàn cảnh khó khăn bị mất việc làm không có thu nhập, đến miếng ăn cũng vất vả, tôi rủ các chị nấu cơm 0 đồng phát cho họ. Các chị cũng đều đi phụ quán ăn nên khi quán đóng cửa các chị nghỉ ở nhà, nghe nói nấu cơm phát cho những người khó khăn các chị hưởng ứng ngay và nhiệt tình tham gia. Chúng tôi 4 chị em, người góp gạo, người góp gas, người đi xin rau… vậy mà cũng duy trì cơm 0 đồng được hơn nửa tháng rồi đó”, vừa nói chị Trinh vừa cười hạnh phúc khi thấy hai bà cháu phía ngoài vui mừng khi nhận 2 hộp cơm. 
 
“Tội lắm, nhiều người kể thấy mà thương, thôi thì mình cũng khó khăn nhưng nhiều người còn khó khăn hơn mình, giúp được họ chừng nào hay chừng đó”, chị cả Trần Thị Lệ Chi vừa xới cơm bỏ vô hộp vừa nói.
 
Anh Ba chạy ra tận nơi trao cơm 0 đồng cho những người ngần ngại không dám vào
Anh Ba chạy ra tận nơi trao cơm 0 đồng cho những người ngần ngại không dám vào
 
Hai từ “khó khăn” mà chị Chi nói cũng là hoàn cảnh chung của mấy chị em chị. Đều thuê trọ ở, mấy tháng nay các chị cũng không có thu nhập, còn bao nhiêu tiền trong người 4 chị em vét sạch để nấu những suất cơm 0 đồng. Ngay cả anh Ba - chồng chị Chi, rửa được chiếc xe máy nào là dồn tiền cho các chị đi chợ. Hai đứa con của anh chị làm phụ hồ về cũng đóng góp một phần để ba mẹ, các dì duy trì bếp cơm 0 đồng. 
 
“Tụi tui cũng vừa đăng ký để được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Nếu lấy được tiền, tụi tui lại tiếp tục mua đồ nấu cơm 0 đồng để giúp những người khó khăn hơn mình. Giúp đến khi nào không thể nữa thì thôi. Giờ dịch thế này, lá rách ít đùm lá rách nhiều cô ạ”, chị Trần Thị Lệ Khanh tâm sự chân thật cùng nụ cười lạc quan.
 
Để chuẩn bị hàng trăm suất cơm 0 đồng, 4 chị em nhà chị Trinh chia nhau người đi chợ, người nấu cơm. Tiệm rửa xe chật, từ 4 giờ sáng, chị Trần Thị Lệ Trân đã dậy nấu cơm dưới phòng trọ cách đó không xa rồi bê lên khi thức ăn đã xào nấu xong xuôi để sẵn sàng bỏ hộp. Thấy có người đứng đợi lấy cơm, các chị lại giục nhau nhanh tay hơn. 
 
Nhận 3 hộp cơm, bà Nguyễn Thị Duy (Nam Thiên, TP Đà Lạt) không khỏi xúc động: “Tui năm nay gần 70 tuổi, trước đây đi dọn nhà thuê khi ai cần, nhưng từ khi dịch không ai thuê nữa nên không có thu nhập. Ông nhà tôi thì bị bệnh, ở nhà lại có cậu em trai cũng ốm yếu và 1 cháu nhỏ 6 tuổi, mẹ nó ở Sài Gòn vì dịch nên không có việc làm, cũng không về được. Cứ nghe ở đâu có cơm từ thiện là bà cháu tui đến xin. Thật cảm ơn tấm lòng của mọi người đã hỗ trợ nhau khi hoạn nạn”. 
 
Những hộp cơm 0 đồng trên bàn đã vơi, vét muỗng cuối cùng trong nồi, chị Trân sốt ruột khi thấy phía ngoài còn nhiều người đang đợi. Không do dự, chị ôm chiếc nồi không còn hạt cơm nào chạy xuống phòng trọ của mình trút hết nồi cơm đang cắm cho con rồi vội vã chạy lên để tiếp tục bỏ vào hộp. “Lấy tạm đã, rồi cắm lại nồi mới cho tụi nhỏ về ăn”, người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ nhưng chan chứa tình yêu thương bộc bạch. 
 
Cứ thế, các chị nấu cơm 0 đồng với niềm hạnh phúc khi trao đi từng hộp. Nhưng bên cạnh đó, niềm trăn trở cũng không thôi khi các chị không biết khả năng mình sẽ nấu được đến khi nào, khi mà khả năng của mình có hạn. Dẫu sao, “một miếng khi đói” cũng đáng quý biết bao, là cả tấm lòng của người với người trong đại dịch. 
 
TUẤN HƯƠNG