Các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa hiện đang là lực lượng quan trọng trong việc lưu thông, trao đổi hàng hóa giữa Lâm Đồng với các địa phương...
Các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa hiện đang là lực lượng quan trọng trong việc lưu thông, trao đổi hàng hóa giữa Lâm Đồng với các địa phương. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, họ cũng là đội ngũ tham gia vào việc đảm bảo cung - cầu các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân cả nước, đặc biệt những tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời góp phần vào quá trình thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, công việc của họ hiện đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực do thường xuyên phải ra vào vùng dịch. Chính vì vậy, ngoài việc đề ra những yêu cầu nghiêm ngặt để phòng, chống dịch bệnh lây lan, đội ngũ này cũng đang cần sự hỗ trợ và quan tâm, thấu hiểu của cả người dân lẫn các cơ quan chức năng.
Bài 1: Xin đừng “hắt hủi” chúng tôi
Lâm Đồng là tỉnh trọng điểm cung cấp nông sản, đặc biệt là rau, củ, quả cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà thị trường chính là khu vực miền Đông Nam Bộ, nhất là đối với TP Hồ Chí Minh. Do đó, mặc dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động vận tải hành khách phải tạm dừng để phòng, chống dịch bệnh nhưng hoạt động vận tải hàng hóa vẫn được duy trì, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa giữa các địa phương. Lâm Đồng suốt thời gian qua đã đề ra nhiều biện pháp vừa để đảm bảo tốt nhất công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, vừa đảm bảo an toàn và sức khỏe cho đội ngũ lái xe, phụ xe. Tuy nhiên, do đặc thù công việc thường xuyên phải ra vào vùng dịch nên đội ngũ này hiện đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực.
|
Xe tải chờ khai báo y tế tại Chốt kiểm dịch số 1 đặt tại đèo Chuối, QL 20, Đạ Huoai |
Cánh tài xế xe tải trên địa bàn tỉnh gần đây liên tục bày tỏ sự bức xúc vì gặp phải một số tình huống khá trớ trêu như bị một số hàng quán từ chối bán đồ ăn, nước uống; một số gara không nhận sửa chữa; thậm chí nhiều cửa hàng bên đường còn treo bảng hiệu ghi dòng chữ “không phục vụ lái xe tải”... Những ngày đầu, do không chuẩn bị trước, nên một số lái xe đã không thể có được một bữa ăn tử tế, no bụng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hà Xuân Trường - lái xe chở hàng nông sản từ Đơn Dương đi Ninh Thuận cho biết: “Tôi mỗi ngày đều phải đi lấy hàng. Vì đi nhiều, suốt ngày rong ruổi nên bản thân tôi hơn ai hết biết trong giai đoạn này công việc của mình ngoài rủi ro về an toàn giao thông trên đường di chuyển, còn có nguy cơ lớn khác nữa đó là có thể bị nhiễm COVID-19 bất cứ lúc nào nếu không cẩn thận. Chính vì vậy, bản thân tôi luôn ý thức bảo vệ mình trước tiên, bởi quan điểm của tôi là bảo vệ mình chính là bảo vệ cho gia đình và cho cả xã hội. Vì vậy mà quá trình đi xe, bản thân tôi luôn hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người lạ, cùng lắm chỉ tiếp xúc 1, 2 người mình biết trên lộ trình đến khâu giao nhận hàng. Vẫn biết là đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay khiến mọi người phải cảnh giác cao để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi dịch bệnh, nhưng thấy đồng nghiệp gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển khi không mua được đồ ăn, xe hư dọc đường không được giúp đỡ... nên tôi hy vọng mọi người có cái nhìn khách quan, chia sẻ và cảm thông với công việc của chúng tôi hơn. Bởi ngoài việc phải lao động vì nhu cầu miếng cơm manh áo, lao động trong giai đoạn đầy khó khăn và nguy hiểm này, đối với chúng tôi còn là trách nhiệm với nghề nghiệp, với chủ hàng, với nhà sản xuất. Không lẽ chúng tôi lại nghỉ hết ở nhà thì việc lưu thông vận chuyển hàng hóa, nông sản, nhu yếu phẩm sẽ như thế nào?”.
Cùng quan điểm với anh Trường, anh Phạm Oai, lái xe chở nông sản đi TP Hồ Chí Minh cho biết: “Mỗi chuyến xe những ngày này đều là hành trình rất căng thẳng. Tôi phải tiến hành xét nghiệm, khai báo y tế, có giấy xác nhận chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. Phải di chuyển đúng hành trình, giữa đường mệt mỏi, thậm chí đói bụng, khát nước cũng không dám tấp vào nghỉ ngơi, ăn uống. Suốt gần 1 tháng nay tôi không dám về nhà thăm vợ con. Về tới Đà Lạt là vô khách sạn ở, mỗi chuyến đi do ngủ khách sạn và do điều kiện khí hậu nên không thể mang cơm theo, chỉ chuẩn bị vài ly mì gói, mấy quả trứng, bánh mì, ít chả để tự nấu ăn cho qua bữa nhằm hạn chế tiếp xúc với người khác. Bản thân chúng tôi cũng sợ lắm, chẳng dám tiếp xúc với người lạ vì lỡ mắc bệnh thì khổ thân mình đầu tiên. Vì vậy chỉ mong bà con hiểu mà đừng “kỳ thị” chúng tôi là những người gây ra bệnh”.
Anh Nguyễn Bảo Huy cho biết, anh thường xuyên chạy xe tải chở hàng nông sản từ Đức Trọng xuống TP Hồ Chí Minh sau đó lại quay đầu xe lên ngay. Dù đã test nhanh COVID-19 trong mỗi chuyến đi, nhưng suốt hành trình anh vẫn rất lo lắng bởi TP Hồ Chí Minh đang là tâm dịch rất phức tạp. Mới đây, anh cũng đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên nên cũng tự tin hơn. “Nhưng để đảm bảo an toàn cho bản thân và cả những người xung quanh, bản thân tôi vẫn luôn nghiêm túc thực hiện theo khuyến cáo của tỉnh, ngành Giao thông và Bộ Y tế. Bản thân tôi mong muốn trên tuyến đường vận chuyển hàng hóa sẽ được bố trí một hai điểm dừng cho cánh lái xe tải có thể ghé dừng chân, uống nước, vệ sinh để phục hồi sức khoẻ” - anh Huy chia sẻ.
|
Tài xế xuất trình giấy đi đường tại chốt kiểm dịch |
Thực tế cho thấy, hiện nay, điều kiện bảo vệ bản thân của các lái xe, phụ xe vận tải còn rất nhiều hạn chế. Hầu hết các tài xế chỉ trang bị cho mình một chiếc khẩu trang và chai nước rửa tay sát khuẩn để bảo vệ mình trước dịch bệnh. Trong khi đó, quá trình di chuyển, giao nhận hàng hóa họ lại thường xuyên phải di chuyển cả ngày lẫn đêm, tiếp xúc với khối lượng hàng hóa lớn, với nhiều người ở những địa điểm phức tạp và dễ bị lây nhiễm dịch bệnh.
Do đặc thù công việc như vậy, nên tài xế, phụ xe được xem là nhóm đối tượng có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 cao và cũng là những người có thể lây bệnh ra cộng đồng. Mặc dù thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt để vừa tăng cường bảo vệ đội ngũ lái xe, phụ xe, vừa tránh đến mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh từ đội ngũ vận tải ra cộng đồng; tuy nhiên, đến nay đã có không ít lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa liên tỉnh không may nhiễm COVID-19. Một số trường hợp do thiếu ý thức, nhận thức chưa đầy đủ dẫn đến chủ quan nên đã làm lây lan bệnh cho người thân và một số người xung quanh. Theo số liệu công bố của Sở Y tế Lâm Đồng, đến nay Lâm Đồng ghi nhận cả chục lái xe và phụ xe mắc COVID-19. Trong số này, cũng có những lái xe, phụ xe do chủ quan, thiếu ý thức, không tuân thủ đúng những quy định về phòng, chống dịch, thậm chí còn khai báo y tế không trung thực đã làm lây bệnh cho người khác và đã bị chính quyền các cấp khởi tố về tội làm lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp ở các địa phương lân cận, một vài lái xe tải còn cố tình làm trái quy định của tỉnh khi lén lút chở người từ vùng dịch vào tỉnh mà không khai báo.
Đó cũng là những lý do mà nhiều người hay nói do “con sâu làm rầu nồi canh”, vô tình đã đẩy nhiều đồng nghiệp của mình vào tình thế “dở khóc dở cười” khi cánh tài xế liên tục bị một số người dân và các hàng quán trên tuyến quốc lộ từ chối bán hàng vì ngại tiếp xúc với lái xe. Một số người thiếu tế nhị thì thể hiện thái độ thẳng thừng từ chối không bán hàng cho lái xe, phụ xe. Đã vậy còn ghi biển dán công khai trước cửa quán khiến đội ngũ lái xe, phụ xe cảm thấy nghề nghiệp của họ bị “kỳ thị”, công việc của họ thường xuyên ra vào vùng dịch có nguy cơ nhiễm COVID cao lại không được ghi nhận.
Quá trình tìm hiểu, những lái xe hiện đang duy trì công việc một phần cũng vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống gia đình, song đó còn là nghề nghiệp, vì người dân đang vật lộn trong cơn đại dịch trong khi với họ, mỗi chuyến đi cũng là mồ hôi, là sức lao động và đầy những lo lắng cho bản thân trước dịch bệnh.
Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, có thể nói rằng, với bất cứ lý do gì và cho dù trong trường hợp nào, thì công việc hiện tại của các lái xe vận tải hàng hóa cũng không phải chỉ đang phục vụ cho duy nhất lợi ích cá nhân và gia đình họ, mà họ cũng đang làm công việc có ích cho xã hội. Chính vì vậy, việc cảnh giác với dịch bệnh và bảo vệ bản thân của mỗi người là đúng đắn, nhưng đội ngũ này cũng đang cần sự thấy hiểu và cảm thông từ cộng đồng, giống như tâm sự của tài xế Hà Xuân Trường: “Hiện nay, có một bộ phận bà con nhìn nhận chúng tôi như là nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh khiến chúng tôi rất buồn. Bản thân tôi chỉ mong sao mọi người hiểu, chia sẻ với đặc thù công việc để chúng tôi không cảm thấy phải mang gánh nặng là “tội đồ” của xã hội và là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Đó là niềm an ủi lớn trong giai đoạn mà cả nước đang phải căng mình ra phòng, chống dịch. Đó cũng là yếu tố tinh thần để những chuyến đi của chúng tôi tay lái thêm vững trong giai đoạn này”.
CÒN NỮA
Phóng sự: NGUYỄN NGHĨA