Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, huyện Lạc Dương đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp...
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, huyện Lạc Dương đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, công tác tuần tra, kiểm tra rừng được các lực lượng chức năng đẩy mạnh, giúp phát hiện và xử lý sớm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
|
Lực lượng bảo vệ rừng đi tuần tra rừng hằng ngày không để xảy ra vi phạm |
Rừng thuộc huyện Lạc Dương có diện tích khá rộng lớn, khoảng hơn 116.000 ha, độ che phủ rừng trên 85%, trải rộng trên địa bàn giáp ranh Lạc Dương với huyện Lâm Hà, Đam Rông, và một phần TP Đà Lạt. Quản lý, bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Lạc Dương tập trung thực hiện.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các khu vực xã Đạ Sar, Đa Nhim, xã Lát... Trên địa bàn đã xảy ra 28 vụ vi phạm, diện tích thiệt hại là 16.574 m
2, lâm sản thiệt hại 297,8 m
3 (tăng về số vụ, diện tích và lâm sản thiệt hại so với cùng kỳ năm 2020).
Trước nguy cơ các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để phá rừng, thời gian qua, các chủ rừng đã tăng cường thực hiện “mục tiêu kép” vừa quản lý, bảo vệ rừng, vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Làm việc với chúng tôi khi vừa mới trở về sau chuyến tuần tra lưu động dài ngày tại các Tiểu khu 118, 132 xã Đạ Sar - nơi được xem là “điểm nóng” về tình trạng ken cây, chiếm đất, ông Nguyễn Đình Công, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) đầu nguồn Đa Nhim cho biết, với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 40.000 ha rừng, chúng tôi xác định quan điểm giữ rừng phải giữ tại gốc, phần lớn thời gian làm việc của cán bộ, nhân viên của Ban là băng rừng, lội suối, tuần tra, kiểm tra giữa rừng sâu.
Trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19, rừng có nguy cơ mất an toàn cao bởi các đối tượng xấu có thể lợi dụng sơ hở để xâm hại, nên từ đầu năm đến nay, Ban QLRPH đầu nguồn Đa Nhim huy động 100% quân số ngày đêm đóng chốt, tuần tra giữ rừng. Các tổ, trạm đã tổ chức hàng trăm đợt tuần tra, kiểm tra rừng, mỗi đợt từ 3 đến 5 ngày trên lâm phần được giao quản lý. Ngoài ra, tại các điểm xung yếu, đơn vị lập chốt trực 24/24h để canh giữ, ngăn chặn lâm tặc xâm hại rừng. Bên cạnh đó, đơn vị còn đôn đốc các hộ nhận khoán tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng theo lịch đã phân công, nhất là vào ban đêm, các ngày nghỉ, ngày lễ tại các chốt trực, để kịp thời phát hiện, bắt quả tang những vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng, vận chuyển lâm sản trái phép; thường xuyên tổ chức tuần tra quản lý, bảo vệ rừng tại các tiểu khu nằm sâu trong rừng, xa khu dân cư. Ngoài ra, Ban QLRPH Đa Nhim còn cùng với lực lượng chức năng của huyện thực hiện việc giải tỏa và thu hồi triệt để, toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, rà soát những diện tích đất trống, những diện tích đủ tiêu chí để thực hiện các biện pháp trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trong mùa mưa năm 2021, nhằm khôi phục rừng, tăng độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng.
Theo ông Nguyễn Đình Công, lâm phần của đơn vị trải rộng trên địa bàn nhiều xã, giáp ranh nhiều huyện của tỉnh. Do vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy, khai thác, vận chuyển lâm sản và san ủi trái phép diễn biến phức tạp, nhất là khu vực xã Đạ Sar, Đa Nhim, Đa Chais... Qua đó, ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đơn vị luôn linh động triển khai công việc, có thể qua điện thoại, mạng zalo... để cán bộ, nhân viên nắm bắt nhanh chóng, thực hiện nhiệm vụ một cách kịp thời. Trong đó, công tác phòng dịch và bảo vệ rừng là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay, được cán bộ, nhân viên trong đơn vị nghiêm túc thực hiện.
Ông Đồng Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lạc Dương nhận định, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, địa phương hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người, nhưng tình trạng người dân vào rừng để phá và lấn chiếm vẫn diễn ra và có chiều hướng phức tạp, trong đó, hành vi phá rừng trái pháp luật chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ vi phạm.
Để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ lấn chiếm đất rừng trái phép, Hạt Kiểm lâm Lạc Dương đã thực hiện chốt chặn, tuần tra ban đêm ở cửa rừng, bất cứ người nào vào rừng đều bị kiểm soát. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm cũng tăng cường cán bộ xuống các địa bàn, trung bình mỗi xã có từ 1 - 2 cán bộ để thường xuyên tuần tra. Lực lượng kiểm lâm cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, chính quyền các xã tiến hành truy quét, ngăn chặn các đối tượng khai thác, lấn chiếm trái phép. Tiếp tục phối hợp các ban, ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của Nhân dân. Tập trung lực lượng tăng cường tuần tra, truy quét các khu vực trọng điểm thuộc tuyến đường ĐT 722, Quốc lộ 27C... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số quay về làng cũ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy theo chỉ đạo của tỉnh, của huyện.
HOÀNG YÊN