Lâm Hà với những giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính

04:08, 04/08/2021

Tụt 5 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính tỉnh năm 2020, huyện Lâm Hà đã đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính cho năm 2021 và trong thời gian đến. 

Tụt 5 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) tỉnh năm 2020, huyện Lâm Hà đã đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chỉ số CCHC cho năm 2021 và trong thời gian đến. 
 
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại bộ phận một cửa UBND huyện Lâm Hà
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại bộ phận một cửa UBND huyện Lâm Hà
 
Xác định những lĩnh vực mất điểm
 
Dù có không ít những nỗ lực trong năm, nhưng chỉ số CCHC của Lâm Hà năm 2020 đã tụt hạng đến 5 bậc so với năm 2019.
 
Trong năm 2020, chỉ số CCHC của Lâm Hà chỉ đạt 87,75%, xếp vị trí thứ 10/12 huyện, thành phố, giảm 5 bậc so với năm 2019; trong đó, điểm tự đánh giá qua bước thẩm định của tỉnh 57,4/65 điểm, đạt tỷ lệ 88,3%; điểm điều tra xã hội học 30,1/35 điểm, đạt tỷ lệ 86%. 
 
Phân tích của UBND huyện Lâm Hà sau đó đã chỉ ra rằng, trong năm 2020 huyện chỉ có 2/9 lĩnh vực CCHC được điểm tối đa. Hai lĩnh vực này gồm công tác chỉ đạo, điều hành, đạt 10/10 điểm; và công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính cũng đạt mức tối đa 4,25 điểm. 
 
Trong khi đó, huyện có đến 7/9 lĩnh vực còn để mất điểm, cụ thể là lĩnh vực cải cách thể chế, huyện chỉ đạt 7,5 điểm trong tổng số 8 điểm do bị trừ điểm vì các tiêu chí thành phần không đạt và lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), huyện chỉ được 6 trong tổng số 6,5 điểm vì qua kiểm tra hồ sơ lĩnh vực đất đai, tiêu chí thành phần cũng không đạt điểm. 
 
Hay trong lĩnh vực xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), huyện chỉ đạt 8,5/10 điểm vì tiêu chí thành phần chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của CBCCVC bị trừ điểm. Nguyên do, trong năm 2020 Lâm Hà có 2 lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện bị kỷ luật hình thức khiển trách và có 11 CBCCVC bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc.
 
Trong lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, huyện chỉ đạt 10,25 điểm trong tổng 12 điểm. Huyện bị trừ điểm vì nhiều tiêu chí thành phần chưa đạt như tỷ lệ thư điện tử công vụ sử dụng thường xuyên so với tổng số thư điện tử công vụ được cấp; chưa đạt trong tỷ lệ văn bản điện tử áp dụng chữ ký số tại đơn vị cũng như chưa đạt trong thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
 
Trong lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, huyện cũng chỉ đạt mức 5,68 điểm trong tổng số 7 điểm với các tiêu chí thành phần chưa đạt điểm tối đa như tỷ lệ kết quả giải quyết TTHC được số hóa và đính kèm trên hệ thống một cửa điện tử chưa đạt; kết quả giải quyết TTHC của cấp huyện còn chưa cao; việc thực hiện xin lỗi công dân đối với những trường hợp hồ sơ quá hạn giải quyết của cấp huyện cũng chưa đạt mức điểm tối đa.
 
Với điều tra xã hội học, trong năm 2020 UBND tỉnh đã phát phiếu khảo sát ý kiến 1.035 cá nhân và tổ chức trên địa bàn Lâm Hà, trong đó có 795 người từng tham gia giải quyết TTHC trong năm 2020 tại UBND huyện Lâm Hà và một số xã trong huyện; 120 người là phụ huynh học sinh các trường học các cấp trên địa bàn và 120 người từng tham gia khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế một số xã.
 
Qua khảo sát cho thấy không ít người dân đánh giá dịch vụ hành chính công, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế trên địa bàn huyện chưa cao. Điểm hài lòng của người dân qua khảo sát ý kiến chỉ được 30,1 điểm trong tổng số 35 điểm; thấp hơn mức trung bình chung 31,5 điểm của 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Nếu tính theo tỷ lệ thì mức độ hài lòng của Lâm Hà chỉ đạt 86%, thấp hơn mức độ hài lòng bình quân của toàn bộ 12 huyện, thành phố là 88,79%.
 
Tập trung giải quyết hồ sơ trễ hạn
 
Rất nhiều giải pháp cụ thể đã được UBND huyện Lâm Hà đưa ra để khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chỉ số CCHC của huyện trong năm nay và trong thời gian đến. 
 
Như trong lĩnh vực chỉ đạo, điều hành và cải cách tổ chức bộ máy, dù đã đạt điểm tối đa nhưng như huyện chỉ ra, vẫn tiếp tục rà soát, triển khai hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đề ra theo các tiêu chí thành phần vì đạt điểm tối đa năm 2019 chưa hẳn những năm tiếp theo sẽ đạt mức điểm này.
 
Hay như trong xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, để tăng cường ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính, huyện cho biết sẽ thường xuyên thanh tra công vụ đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; thực hiện công tác quản lý CBCCVC đảm bảo đúng theo quy định của Luật CBCC và Luật Viên chức. 
 
Trong lĩnh vực hiện đại hóa hành chính, huyện yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị rà soát, nhắc nhở CBCCVC thường xuyên sử dụng hộp thư công vụ, riêng những trường hợp nghỉ hưu, chuyển công tác nên đề xuất bỏ địa chỉ hộp thư này. Trong lĩnh vực đổi mới tài chính công, huyện yêu cầu các đơn vị nâng cao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công; đề ra các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ và giải ngân kế hoạch vốn, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo qui định. 
 
Để nâng tỷ lệ hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công, Lâm Hà năm nay tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện cũng như cấp xã và thị trấn trong huyện; cho rà soát, kiện toàn việc bố trí cán bộ, công chức có chuyên môn, có kỹ năng giao tiếp, cởi mở, gần dân, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ; tăng cường tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích; thực hiện đúng quy trình giải quyết TTHC, hạn chế thấp nhất tình trạng hồ sơ trễ hạn, thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi đối với hồ sơ trễ hạn.
 
Và một điều quan trọng là đẩy nhanh tiến trình giải quyết hồ sơ cho dân. Theo ông Đinh Đức Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện, Lâm Hà trong năm nay đang tập trung chỉ đạo, rà soát, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong giải quyết TTHC, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Bởi “vài năm gần đây, lượng hồ sơ về chứng nhận, giao dịch, chuyển nhượng đất đai tăng đột biến đến 50-60% so với những năm trước” - ông Chí nói.
 
Để kịp thời tháo gỡ lượng hồ sơ tồn đọng trong lĩnh vực đất đai, theo ông Chí, huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, cán bộ địa chính các xã, thị trấn trong huyện, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong đơn vị, khoán công việc hằng ngày, hằng tuần; yêu cầu CBCCVC phát huy tinh thần trách nhiệm trong giải quyết hồ sơ; phấn đấu giảm lượng hồ sơ trễ hạn trên 500 hồ sơ như năm trước giảm xuống thấp nhất có thể trong năm nay. “Cho đến thời điểm này huyện đã có những bước chuyển biến nhất định trong giải quyết hồ sơ tồn đọng” - ông Chí khẳng định.
 
VIẾT TRỌNG