Sắc hoa kiểu mẫu

04:08, 12/08/2021

Ban đầu chỉ là điểm dừng chân trong công cuộc di dân lên vùng cao nguyên lập nghiệp, để rồi giờ đây thôn Xuân Thành (Xuân Thọ, Đà Lạt) trở thành nơi sinh sống của cộng đồng người dân miền Trung, nơi họ tạo nên những vườn hoa kiểu mẫu mang một hấp lực riêng cho vùng đất. 

Ban đầu chỉ là điểm dừng chân trong công cuộc di dân lên vùng cao nguyên lập nghiệp, để rồi giờ đây thôn Xuân Thành (Xuân Thọ, Đà Lạt) trở thành nơi sinh sống của cộng đồng người dân miền Trung, nơi họ tạo nên những vườn hoa kiểu mẫu mang một hấp lực riêng cho vùng đất. 
 
Hoa cát tường, cẩm chướng đang khoe sắc tại các khu vườn ở Xuân Thành
Hoa cát tường, cẩm chướng đang khoe sắc tại các khu vườn ở Xuân Thành
 
LÀNG HOA BUỔI BAN ĐẦU
 
Qua lời giới thiệu của một cán bộ văn phòng xã Xuân Thọ, bắt đầu lúc 6h sáng từ trung tâm thành phố Đà Lạt, tôi tìm đến Nhà văn hóa thôn Xuân Thành. Trò chuyện với cụ Nguyễn Hiển (78 tuổi), được cụ kể về những ngày đầu lập làng hoa: Vào những năm 1945 của thế kỷ trước, làng hoa Xuân Thành chỉ là vùng đất rừng núi hoang vu, nơi sinh sống của các hộ đồng bào dân tộc bản địa và một số ít hộ gia đình người Kinh. Năm 1954, có khoảng 50 hộ dân từ các tỉnh miền Trung (Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) vào đây để lập nghiệp. Họ bắt đầu khai phá đất đai, tìm nguồn nước để sinh sống và sản xuất nông nghiệp, rồi trồng các chủng loại cây, chủ yếu là rau, màu, cây ăn quả...
 
Nhờ vào điều kiện khí hậu thuận lợi, thổ nhưỡng phù hợp và các chính sách phát triển của thành phố Đà Lạt, thời đó, người dân đã mang về những giống hoa khác nhau từ khắp nơi để trồng với mục đích làm cảnh như: hoa xác pháo, hồng dại, agapan... Khi họ nhận thấy tại vùng đất này, các loại hoa dễ dàng thích nghi và không ngừng sinh sôi, phát triển nhanh chóng, một số hộ dân đã bắt đầu trồng hoa với mục đích thương mại để cải thiện một phần cuộc sống, nghề trồng hoa tại vùng Xuân Thành bắt đầu hình thành từ đó. 
 
Cụ Hiển kể tiếp: Năm 1965, ông Trần Sương, người con của làng Xuân Thành cùng với một số hộ dân tại Xuân Trường, Phường 12 du nhập giống hoa lay ơn vào sản xuất thử nghiệm. Có thể nói, đây là một dấu mốc quan trọng về lịch sử ra đời và phát triển vùng hoa lay ơn nổi tiếng của thành phố Đà Lạt ngày nay.
 
Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, người dân ở miền Trung tiếp tục di cư vào sinh sống tại Xuân Thành và hình thành nên một khu dân cư rộng lớn tại đây. Vào thập niên 1990, ngành sản xuất và kinh doanh hoa tại vùng Xuân Thành đã mang tính hàng hóa cao và được các hộ dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại thu nhập ngày càng ổn định cho bà con nông dân. 
 
Từ giai đoạn năm 2000 đến nay, ngoài sự phát triển của hoa lay ơn, lợi thế về thổ nhưỡng đã giúp nông dân thôn Xuân Thành xây dựng nhiều mô hình trồng đa dạng các loài hoa hơn, đa số là những giống mới và được đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ cao như: cúc, lily, cát tường, cẩm chướng... Làng Xuân Thành hiện nay là địa phương dẫn đầu thành phố về diện tích trồng hoa cát tường và cẩm chướng, 2 chủng loại hoa được đánh giá là đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tốt và tạo năng suất cao. 
 
MẠNH DẠN ỨNG DỤNG NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
 
Anh Trần Hữu Dũng, Phó trưởng thôn Xuân Thành đưa tôi đi dạo một vòng quanh làng hoa. Từng khóm hoa cát tường, cẩm chướng đang khoe sắc tại các khu vườn cứ níu chân, lọt vào rất nhiều khung hình máy ảnh của khách đến thăm.
 
Anh giới thiệu, hiện tại thôn có trên 130 ha trồng hoa nhà kính theo hướng công nghệ cao, cung cấp cho thị trường khoảng 85 triệu cành/năm. Người dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác hoa thương phẩm, đã từng bước đầu tư các công nghệ hiện đại vào sản xuất: nhà kính, nhà lưới, sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước, xây dựng kho lạnh, nhà xưởng sơ chế, bảo quản hoa thương phẩm, ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng, chống bệnh và sản xuất giống...; việc ứng dụng các công nghệ này đã từng bước nâng cao giá trị thương phẩm của sản phẩm hoa tại làng nghề.
 
Ngành trồng hoa tại Xuân Thành đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.Với truyền thống và nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng hoa lâu đời, dù đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng bà con nông dân thôn Xuân Thành đã không ngừng sáng tạo, duy trì và phát triển ngành trồng hoa của làng, vận dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, chịu khó học hỏi, cần cù, mạnh dạn trong đầu tư, chủ động tìm kiếm thị trường để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và có tinh thần hợp tác cao.
 
KIỂU MẪU Ở LÀNG HOA
 
Từ khi Xuân Thọ cùng các xã khác của thành phố hưởng ứng cuộc vận động chung tay xây dựng nông thôn mới, diện mạo của làng quê Xuân Thành đã hoàn toàn đổi khác. Bà con nông dân trong thôn cùng đoàn kết, chung sức chung lòng để xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn. Đến nay, về cơ bản Xuân Thành đã hoàn chỉnh được hệ thống điện lưới quốc gia, phục vụ sản xuất và sinh hoạt; đường giao thông cũng phát triển tương ứng với 2 tuyến đường rải nhựa và hệ thống giao thông liên tổ, đường vào khu sản xuất được bê tông hóa... rất thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. 
 
Ông Bồ Dũng - Trưởng thôn Xuân Thành cho biết: “Ngày trước, ở Xuân Thành chỉ lác đác vài chục hộ, dần dần người dân đến đây làm ăn sinh sống ngày một nhiều. Tuy đến từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng họ sống rất đoàn kết, chia sẻ và luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới được người dân tham gia rất nhiệt tình, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được người dân tình nguyện hiến đất, góp tiền, góp công để xây dựng, tạo ra bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới”.
 
Rời làng hoa, bỏ lại sau lưng cảnh tấp nập lao động của những con người nơi đây, lòng tôi lại dâng lên một niềm cảm phục và trân trọng trước vùng đất thách thức sức người, tôi càng thấm thía hơn câu nói của ông bà ta “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
 
Ghi chép: HOÀNG YÊN