Triển khai kế hoạch quản lý phòng cháy chữa cháy cấp xã

04:08, 23/08/2021

Nghị định 136 ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật PCCC có hiệu lực từ ngày 10/1/2021, quy định rõ UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý PCCC tới 17 cơ sở...

Nghị định 136 ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật PCCC có hiệu lực từ ngày 10/1/2021, quy định rõ UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý PCCC tới 17 cơ sở...
 
Cháy, nổ luôn để lại hậu quả khó lường liên quan đến nhân mạng và tài sản
Cháy, nổ luôn để lại hậu quả khó lường liên quan đến nhân mạng và tài sản
 
Theo đó, các cơ sở, gồm: Trụ sở cơ quan nhà nước cấp xã; nhà chung cư dưới 5 tầng (khối tích dưới 5.000 m3); nhà tập thể, nhà ở ký túc xá dưới 5 tầng (khối tích dưới 2.500 m 3); nhà hỗn hợp dưới 5 tầng (khối tích dưới 1.500 m 3); nhà trẻ, trường mầm non dưới 100 cháu (tổng khối tích dưới 1.000 m 3); trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng các khối nhà học tập, phục vụ học tập (dưới 2.000 m 3)... đều thuộc sự quản lý, PCCC của UBND cấp xã.
 
Cùng với đó, tại điểm c, Khoản 3, Điều 16 Nghị định 136 của Chính phủ còn quy định Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ mỗi năm một lần. Và kiểm tra đột xuất khi phát hiện môi trường nguy hiểm cháy nổ; vi phạm quy định về an toàn PCCC mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với cơ sở thuộc danh mục, phạm vi quản lý.
 
Từ các quy định trên, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở do UBND cấp xã chịu trách nhiệm quản lý, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH). 
 
Đồng thời, chủ động kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác PCCC&CNCH tại các địa bàn, cơ sở, nhất là các khu dân cư, chung cư, kho bãi, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại, rừng,… Qua đó, có các giải pháp, biện pháp khắc phục các thiếu sót, bất cập về an toàn PCCC để ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ. Và quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, mua sắm phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và kinh phí bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng PCCC ở cơ sở theo quy định. 
 
UBND tỉnh giao Công an tỉnh, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá nguy cơ cháy, nổ tại địa bàn, cơ sở; kịp thời phát hiện, khuyến cáo, nhắc nhở khắc phục các tồn tại và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo qui định của pháp luật. Tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn và thực tập các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có sự phối hợp của nhiều lực lượng đối với các địa phương, đơn vị, nhất là lực lượng PCCC cấp xã. Đồng thời, xây dựng tài liệu tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng công tác quản lý nhà nước về PCCC cho UBND cấp xã, công an cấp xã... 
 
Về phía UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, chỉ đạo Công an huyện, thành phố tổ chức bàn giao danh mục các cơ sở thuộc Phụ lục IV, Nghị định 136 của Chính phủ cho UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC tại địa phương. Đồng thời, phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh mở lớp huấn luyện công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH cho công an cấp xã, giúp lực lượng này tham mưu kịp thời cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác PCCC&CNCH.
 
Song song với đó, chỉ đạo UBND cấp xã tiếp nhận danh sách cơ sở được bàn giao và thực hiện quản lý nhà nước về PCCC tại địa phương theo đúng quy định pháp luật. Tổ chức rà soát, bổ sung các cơ sở trên địa bàn; phân công lực lượng công an xã tham mưu thực hiện các nhiệm vụ quy định; đảm bảo 100% các cơ sở được lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định,... Kiểm tra, hướng dẫn khu dân cư, các cơ sở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đảm bảo các yêu cầu về PCCC. 
 
Kiên quyết xử lý, xử phạt, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở, hộ gia đình không chấp hành theo quy định; thường xuyên rà soát việc chấp hành quy định về PCCC của các cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn, không được bỏ trống, để lọt, để sót cơ sở.
 
THỤY TRANG