Những năm gần đây, một số mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê có giá thấp, nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đam Rông đã chủ động tìm hướng đi mới với các loại cây ăn trái như bưởi, sầu riêng, bơ...
Những năm gần đây, một số mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê có giá thấp, nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đam Rông đã chủ động tìm hướng đi mới với các loại cây ăn trái như bưởi, sầu riêng, bơ... Cùng với trồng thuần, bà con cũng sử dụng phương pháp trồng xen với các loại cây công nghiệp, hoặc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, tạo ra giá trị kinh tế ổn định, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương.
|
Nhiều người dân trên địa bàn Đam Rông thoát nghèo, có thu nhập ổn định nhờ trồng cây ăn trái |
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi vào thăm vườn sầu riêng của ông Võ Nhất Linh tại xã Đạ R’sal. Trên diện tích 8 ha đất sản xuất, ông Linh quyết tâm chuyển đổi từ cà phê sang trồng hoàn toàn giống sầu riêng được nhập từ miền Tây lên.
Ông kể, bén duyên với loại cây này từ năm 2004, khi mà giá cà phê làm mấy năm trước đó còn ổn định, thì càng về sau giá cả càng thấp khiến những hộ nông dân như ông cũng phải nản lòng. “Thế rồi tôi đi tìm hiểu ở một số nơi, biết được sầu riêng là loại cây có giá trị kinh tế cao, lại được nhiều người ưa chuộng nên đánh liều về kiếm vốn đầu tư trồng 2 ha. Cùng với 4 hộ gia đình trong xã nữa kết hợp làm, hiện chúng tôi có 20 ha để trồng sầu riêng. Năm 2020 tôi thu nhập được khoảng hơn 1 tỷ đồng, còn năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng hàng đi cũng ít hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, do có đầu ra ổn định nên tôi cũng không mấy lo lắng về việc xuất đi”, ông Linh vui vẻ nói.
Còn với ông Nguyễn Văn Chiến ở xã Liêng Srônh, xuất phát điểm từ vài sào đất chuyên canh cà phê từ nhiều năm nay, đến thời điểm hiện tại, vườn của ông được nhiều người biết đến với cách trồng xen cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Chiến cho hay, trước tình hình giá cả của loại nông sản lâu năm đi xuống, không ổn định, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, tự tìm tòi, nghiên cứu, ông quyết định đưa giống bơ, sầu riêng, vú sữa, ổi, bưởi da xanh về trồng xen trên diện tích 3 ha đất. Bước sang năm 2020, vườn ổi, vú sữa đã cho thu lứa đầu tiên, mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng thuần cà phê.
“Năm ngoái, ngoài thu nhập từ cà phê thì đó cũng là năm đầu tiên tôi thu bói vú sữa, bơ và ổi. Tổng thu nhập cà phê và cây ăn trái khoảng hơn 150 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Việc trồng xen cà phê với cây ăn quả như thế này tôi thấy khá ổn, bởi cà phê xuống thì các loại cây ăn trái đã kéo kinh tế của gia đình tôi lên. Bây giờ trong thôn cũng có nhiều người đến học hỏi để trồng theo”, ông Chiến chia sẻ.
Ông Trương Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Liêng Srônh cho biết, trên cơ sở xây dựng Đề án cây trồng kém hiệu quả chuyển sang cây trồng có hiệu quả cho năng suất, giá trị cao, những năm qua, địa phương cũng đã kịp thời có những chính sách hỗ trợ giống cây trồng của Nhà nước để Nhân dân chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế. Riêng năm 2020, diện tích canh tác sầu riêng trên địa bàn xã là 135 ha, với sản lượng 1.194,15 tấn, bơ 156 ha có sản lượng 987,56 tấn.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông, hiện toàn huyện có khoảng 181 ha bơ, 527 ha sầu riêng, 350 ha chuối, 131 ha mít và một số cây ăn trái khác mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông thông tin: Với điều kiện khí hậu và đất đai tại Đam Rông, việc phát triển cây ăn trái đang là một trong những hướng đi mới mà địa phương thấy có nhiều tiềm năng. Để hỗ trợ cho bà con nhân dân, trong những năm qua, ngoài khuyến khích người dân chuyển đổi, UBND huyện cũng đã có các chương trình hỗ trợ sản xuất, nhằm tập trung đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất thông qua việc tái canh, cải tạo giống, sản xuất cà phê bền vững.
Tuy nhiên, để phát triển được cây ăn trái, ông Chính cho rằng, nông dân cần phải sản xuất đảm bảo theo các mô hình sạch như VietGAP, thậm chí xa hơn là GlobalGAP. Có như vậy, các sản phẩm trái cây mới có thể đưa vào các kênh phân phối, tiêu thụ chính thống như siêu thị, được người tiêu dùng đón nhận.
Theo đó, để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025, địa phương định hướng phát triển theo 3 tiểu vùng, đặc biệt tại tiểu vùng 2 gồm xã Liêng Srônh, Rô Men, Đạ R’sal sẽ thâm canh ổn định diện tích cà phê 4.000 ha, năng suất trên 4 tấn/ha; phát triển trồng cây ăn trái như sầu riêng, bơ, bưởi da xanh xen vườn cà phê với diện tích trên 1.500 ha, dâu tằm 300 ha.
“Đặc biệt, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ phát triển cây ăn quả, hỗ trợ lãi suất tín dụng cũng như các điều kiện để thành lập hợp tác xã, hình thành các vùng sản xuất, bởi hợp tác xã sẽ là nơi gắn kết người dân và doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đam Rông sẽ đẩy mạnh tái canh thay thế diện tích cây cà phê già cỗi, năng suất thấp, phấn đấu đạt trên 4 tấn/ha và trồng xen cây ăn trái vào vườn cà phê như mắc ca tại Phi Liêng, Đạ K’Nàng; sầu riêng, bơ, bưởi da xanh ở Rô Men, Đạ R’sal và Liêng Srônh”, ông Chính nhấn mạnh.
THÂN THU HIỀN