Di Linh chủ động nguồn lao động thu hái cà phê

06:09, 24/09/2021

Di Linh sắp vào mùa thu hoạch rộ cà phê, tình trạng khan hiếm lao động thu hái loại trái này ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Di Linh sắp vào mùa thu hoạch rộ cà phê, tình trạng khan hiếm lao động thu hái loại trái này ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, chính quyền và người dân đã tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trong niên vụ cà phê 2021.
 
Di Linh chủ động nguồn lao động thu hái cà phê niên vụ 2021 - 2022
Di Linh chủ động nguồn lao động thu hái cà phê niên vụ 2021 - 2022
 
Di Linh là huyện có thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, cây trồng chủ lực là cà phê với diện tích 44.806,7 ha, sản lượng khoảng 140.000 tấn nhân (tương đương khoảng 650.000 tấn quả tươi). Do đó, hằng năm, huyện Di Linh phải sử dụng hàng chục nghìn lao động thời vụ ngoài địa phương (chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, miền Tây,…) để thu hoạch cà phê. 
 
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16. Đối với Lâm Đồng, nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, tỉnh cũng đã triển khai các biện pháp quyết liệt, kiểm soát chặt chẽ người ra vào tỉnh, đặc biệt người từ vùng dịch. Vì thế, nhân công lao động thu hái cà phê sẽ gặp khó khăn. 
 
UBND huyện Di Linh đã chỉ đạo các xã, thị trấn nắm rõ diện tích, năng suất, sản lượng thu hoạch cà phê trên địa bàn của từng hộ nông dân, nguồn lao động của từng hộ gia đình có sản xuất cà phê. Từ đó, xác định khả năng chủ động nguồn lao động của gia đình hoặc phải thuê mướn lao động để phân loại xây dựng phương án, kế hoạch hỗ trợ thu hoạch, tránh tình trạng thu gom không kịp, dẫn đến mất năng suất, chất lượng không cao.
 
Nhờ công tác dự báo thị trường lao động, nhiều nông dân trong huyện đã bắt đầu có những  giải pháp để có thể thu hoạch cà phê trong thời gian tới. Ông Hồ Văn Hùng (thôn Tân Lạc 3, xã Đinh Lạc) cho biết, gia đình ông có 3 ha cà phê sắp cho thu hoạch. Mọi năm cần từ 6 nhân công ở miền Tây lên hái trong vòng 1 tháng, năm nay nếu tình hình dịch bệnh không được không chế, dự báo sẽ không có nhân công thu hái. Vì vậy, ông đã chủ động liên hệ với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Tân Nghĩa để hái, cộng với việc thu hái đổi công với các nhà vườn xung quanh, hy vọng năm nay cà phê sẽ thu hái kịp, tránh rụng gây thất thu. 
 
Còn ông Nguyễn Bản (thôn Đồng Lạc, xã Đinh Lạc) cho biết: “Gia đình nhà tôi có gần 4 ha cà phê, hi vọng gần đến cuối năm dịch bệnh sẽ được khống chế để người dân có thể kêu nhân công thu hoạch. Năm 2020, công hái mỗi kg cà phê tươi khoảng 900 đồng, năm nay tình trạng khan hiếm lao động, giá nhân công có thể đội lên 1.300 - 1.500 đồng, chủ vườn cũng phải chịu vì đây là tình trạng chung. Ngoài ra, để chủ động nguồn lao động hái cà phê, tôi cũng đã thành lập nhóm hộ, liên kết họ hàng, hàng xóm, người thân để luân phiên, đổi công thu hái cho nhau”.
 
Theo các chủ vườn cà phê, trung bình 1 ha cà phê cần 15 đến 20 lao động thu hoạch trong thời gian 10 ngày. Ông Đặng Văn Khá, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc thuê lao động từ ngoài tỉnh về Lâm Đồng rất khó thực hiện. Do đó, để đảm bảo nhân công cho vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch, địa phương đã có kế hoạch cụ thể.
 
Lao động của địa phương (lao động tại chỗ tham gia thu hái cà phê) ước có khoảng 60.000 người. Theo tính toán, nếu huy động hết nguồn lao động này  và thực hiện các giải pháp thì vẫn đảm bảo cho việc thu hoạch cà phê trên địa bàn huyện, nhưng thời gian thu hoạch sẽ kéo dài. 
 
Trước đây, do có nguồn lao động dồi dào, người dân địa phương chủ yếu thuê mướn, nay phải tận dụng hết nguồn lao động tại chỗ, gồm: lao động nông hộ cà phê, lao động hộ có ít đất sản xuất, nhàn rỗi khác, ít diện tích cà phê, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số… để tham gia thu hoạch cho hộ nhiều diện tích, hộ neo đơn khó khăn về nhân công. 
 
Song song với đó, thành lập các tổ, đội, nhóm hộ thực hiện đổi công phục vụ thu hái cà phê để kịp thời thu hái, nhằm hạn chế tổn thất do thiếu nhân công. Đồng thời, huy động sự tham gia của mọi lực lượng (quân đội, công an, Đoàn thanh niên, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội…)  từ huyện đến cơ sở để giúp người dân thu hái cà phê. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều lao động đi làm ăn tại các tỉnh, thành phố khác đã về địa phương, đây cũng là nguồn lực quan trọng tham gia vào thu hái cà phê.  
 
Ngoài ra, vẫn thu hút mạnh mẽ nguồn lao động ở ngoài địa bàn đến thu hái cà phê, nhưng phải thực hiện nghiêm túc các quy tắc phòng, chống dịch COVID-19.
 
Đặc biệt, Di Linh sẽ rà soát lực lượng lao động trên địa bàn có nhu cầu thu hái cà phê, để giới thiệu cho các hộ nông dân thuê mướn phục vụ thu hoạch trên cơ sở thỏa thuận về chi phí ngày công hợp lý, tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao.
 
HOÀNG YÊN