Hành trình thứ hai của rác thải tái chế

05:09, 27/09/2021

Những chiếc xích đu ra đời từ lốp xe cũ; những hộp bút, tranh treo tường tận dụng từ ống hút và túi ni lông đã qua sử dụng...

Những chiếc xích đu ra đời từ lốp xe cũ; những hộp bút, tranh treo tường tận dụng từ ống hút và túi ni lông đã qua sử dụng;... đó là những phần việc nằm trong mô hình “Hành trình thứ hai của rác thải tái chế” được thầy trò Trường THCS&THPT Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm thực hiện trong những năm qua, nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh.
 
Những lốp xe cũ được học sinh tái chế để xây dựng khu vui chơi trong trường học. (Ảnh chụp trước tháng 4/2021)
Những lốp xe cũ được học sinh tái chế để xây dựng khu vui chơi trong trường học. (Ảnh chụp trước tháng 4/2021)
 
Từ năm học 2019 - 2020, trong khuôn viên Trường THCS&THPT Lộc Bắc xuất hiện một khu vui chơi đặc biệt, được hình thành từ chính bàn tay của giáo viên và học sinh nhà trường. Công trình được gọi là “Hành trình thứ hai” của những chiếc lốp xe cũ, được học sinh cấp III thu gom, tái chế, học sinh cấp II tô vẽ lại thành xích đu, mô hình xe máy, con thú, vườn hoa,... thành sân chơi ý nghĩa và rực rỡ sắc màu. Đó là tâm huyết và tình cảm của thầy cô đối với học sinh ở ngôi trường còn nhiều khó khăn, thuộc vùng sâu của huyện Bảo Lâm.
 
Ở ngôi trường chỉ mới 14 năm tuổi này, tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, cuộc sống của các em còn nhiều vất vả. Cơ sở vật chất của nhà trường cũng còn nhiều thiếu thốn. Trường có hơn 600 học sinh với hai cấp học, nhưng chỉ có 11 phòng học chính và 6 phòng bộ môn, nên có lớp phải học ngày 2 buổi. Cô giáo Nguyễn Thị Hoài - Bí thư Đoàn Trường THCS&THPT Lộc Bắc chia sẻ: “Thương nhất là những em học sinh nhỏ ở làng Mông, cách trường mười mấy cây số, không tự đạp xe đi học được. Buổi sáng, bố mẹ chở các em đến trường cùng hộp cơm ăn trưa, rồi vội vàng lên rẫy, đến chiều mới đón con về. Buổi trưa không có chỗ nghỉ, các em quanh quẩn quán xá, căn - tin. Thương học trò, thầy cô tính chuyện xây dựng sân chơi từ những vật dụng có thể tận dụng, tái chế được”.
 
Với những thông điệp như “Không xả rác là cuộc sống sẽ khác”, “Xả rác hiện tại, tự sát tương lai”, “Tái sử dụng vì tiềm năng của rác là vô hạn”,... công trình sân chơi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các bạn đoàn viên, đội viên trong trường. Từ đó, không chỉ tạo ra sân chơi cho các em học sinh vui chơi, rèn luyện sức khỏe, có chỗ nghỉ ngơi sau giờ học, mà còn góp phần truyền tải thông điệp tái chế, bảo vệ môi trường một cách trực quan và sinh động.
 
Mô hình “Hành trình thứ hai của rác thải tái chế” được Chi đoàn Trường THCS&THPT Lộc Bắc triển khai từ năm 2019, với mong muốn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh từ những việc làm gần gũi, thiết thực nhất. Thông qua các hoạt động tái chế rác thải, nhận thức của học sinh về phong trào phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống được nâng cao. Đồng thời, mô hình còn phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu niên trong tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống và học tập xanh - sạch - đẹp.
 
Ngoài việc xây dựng sân chơi, mô hình “Hành trình thứ hai của rác thải tái chế” còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, hướng dẫn, giúp cho học sinh trong toàn trường tự tạo ra các sản phẩm tái chế từ đồ nhựa có tính ứng dụng, thẩm mỹ, phục vụ trực tiếp hoạt động học tập và sinh hoạt của các em. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hoài, hoạt động biến đổi rác thải thành vật dụng hữu ích hơn giúp đoàn viên, đội viên trong trường tự phát huy khả năng sáng tạo của mình, qua đó các em hứng thú hơn với rác thải tái chế.
 
Với các phong trào hạn chế dùng túi nilon; làm đồ handmade bằng chai nhựa, ống hút; nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao như hộp bút, túi giấy, bình hoa, tranh treo tường… đã được Ka Lụa (học sinh lớp 12A2, Trường THCS&THPT Lộc Bắc) cho ra đời. Ka Lụa chia sẻ, em cảm thấy vui khi được tham gia vào những hoạt động làm đồ tái chế để làm vật dụng trang trí, góp phần bảo vệ môi trường. Em còn biết sử dụng đồ bằng giấy, vải, gỗ, thủy tinh thay cho đồ nhựa. Ở nhà, em phụ mẹ giặt sạch túi nilon đã qua sử dụng để dùng cho những lần sau, hạn chế thải ra môi trường.
 
Theo cô giáo Nguyễn Thị Hoài, để mỗi học sinh trong trường đều nhận thức và hành động được như Ka Lụa là cả một quá trình tuyên truyền kiên trì của tập thể giáo viên nói chung và Đoàn Trường THCS&THPT Lộc Bắc nói riêng, dạy các em phân loại rác thải, hình thành cho các em thói quen không xả rác bừa bãi và tận dụng rác thải tái chế. Với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đoàn trường kết hợp linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng hoạt động, đối tượng và điều kiện hiện có tại trường nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
 
“Sau 2 năm thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi học sinh rất háo hức mỗi lần tham gia vào các hoạt động, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường cũng được hạn chế. Chắc chắn mô hình sẽ được chúng tôi duy trì và tổ chức thêm nhiều hoạt động trong thời gian tới. Mong rằng, mô hình sẽ dần dần thay đổi được cả ý thức và hành vi của học sinh từ trường học đến ở nhà, từ đó góp phần thay đổi cả thói quen sử dụng rác thải nhựa của phụ huynh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa này” - cô Hoài chia sẻ.
 
VIỆT QUỲNH