Để chủ động xử lý hiệu quả các tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản đến mức thấp nhất do sự cố, tai nạn, cháy quy mô lớn xảy ra trên địa bàn...
Để chủ động xử lý hiệu quả các tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản đến mức thấp nhất do sự cố, tai nạn, cháy quy mô lớn xảy ra trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5825 ngày 16/8/2021, huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn phức tạp trên địa bàn tỉnh…
|
Cháy, nổ, tai nạn luôn để lại hậu quả khó lường về nhân mạng và tài sản |
Kế hoạch này nêu rõ, nguyên tắc huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm điều hành, chỉ huy công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ban đầu.
Các đối tượng được huy động của cấp có thẩm quyền phải nhanh chóng huy động người, phương tiện, tài sản đến nơi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố để phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đồng thời phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy tại hiện trường. Thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” - chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đặc biệt, trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ưu tiên cứu người trước và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng, phương tiện tham gia...
Về phương tiện, ngoài xe chữa cháy, các xe chở nước; xe cứu nạn, cứu hộ; xe cứu thương; xe thang; tàu, thuyền, xà lan, ca nô; xe cẩu, xe múc, xe ủi, xe phá dỡ; ống thoát hiểm; dây tự cứu, máy bơm nước; máy thổi gió đeo vai cùng các phương tiện, thiết bị, tài sản khác của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở và cá nhân trên địa bàn tỉnh đều có thể huy động để tham gia xử lý các vụ cháy, sự cố, tai nạn quy mô lớn, diễn biến phức tạp.
Về thẩm quyền huy động, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch UBND cấp xã (hoặc người được ủy quyền) được quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của tổ chức, cá nhân nơi mình quản lý; trường hợp cần huy động ngoài phạm vi quản lý phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định. Đối với cấp Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC&CNCH) Công an tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện (hoặc người được ủy quyền) được quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản trong phạm vi quản lý; ngoài phạm vi quản lý phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định. Chủ tịch UBND cấp huyện; Giám đốc Công an tỉnh (hoặc người được ủy quyền), được quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức trong phạm vi mình quản lý; ngoài phạm vi quản lý phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
Riêng Chủ tịch UBND tỉnh (hoặc người được ủy quyền), được quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý của mình và lực lượng quân đội đóng quân tại địa phương. Sau khi huy động, kịp thời thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện, tài sản.
Kế hoạch trên cũng quy định chi tiết về trình tự, thủ tục huy động, khi xác định tình huống cháy, sự cố, tai nạn vượt quá khả năng xử lý của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và công an cấp huyện, người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng huy động các lực lượng PCCC tại địa phương, hoặc đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
UBND tỉnh cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành; tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cung cấp điện, nước trên địa bàn; UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp, hiệu quả; quy định hàng năm báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh), để theo dõi, chỉ đạo. Và giao Công an tỉnh làm cơ quan thường trực về công tác PCCC&CNCH tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch; tổng hợp tình hình, kết quả, báo cáo theo quy định.
THỤY TRANG