Khó khăn do thiếu hụt nhân lực kiểm lâm

05:09, 13/09/2021

Lâm Đồng có tổng diện tích đất quy hoạch sản xuất lâm nghiệp tới 596.642 ha, phân bố tại 845 tiểu khu thuộc 125 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 12 huyện, thành phố...

Lâm Đồng có tổng diện tích đất quy hoạch sản xuất lâm nghiệp tới 596.642 ha, phân bố tại 845 tiểu khu thuộc 125 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Trong đó, đất rừng đặc dụng có 84.244 ha và đất rừng phòng hộ 172.826 ha, còn lại là đất rừng sản xuất 339.592 ha. Diện tích bảo vệ rừng lớn như vậy trong khi lực lượng kiểm lâm vừa mỏng vừa thiếu nên công tác quản lý, bảo vệ rừng được nhìn nhận đang gặp không ít khó khăn.
 
Cán bộ kiểm lâm cùng đơn vị chủ rừng, Công an huyện tuần tra rừng trên địa bàn xã Ka Đô, huyện Đơn Dương
Cán bộ kiểm lâm cùng đơn vị chủ rừng, Công an huyện tuần tra rừng trên địa bàn xã Ka Đô, huyện Đơn Dương
 
Ông Lê Đình Việt, Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết, chỉ tiêu biên chế của đơn vị là 278 người năm 2021. Tuy nhiên, tới thời điểm này đơn vị chỉ có 240 người. Việc thiếu tới 38 công chức kiểm lâm nêu trên theo ông Việt tương đương với nhân lực 2 hạt kiểm lâm. Như vậy, với nhu cầu nhiệm vụ được giao quản lý, bảo vệ rừng rộng lớn, số lượng biên chế mỏng, lại phân bổ dàn trải nên lực lượng kiểm lâm ở một số địa phương trong tỉnh đang thiếu hụt nghiêm trọng. 
 
Trong cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2021 trên địa bàn tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp chủ trì mới đây, đề cập nội dung trên, ông Hoàng Sỹ Bích, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà nhận định địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng do thiếu nguồn nhân lực.
 
Ông Bích thông tin, trên địa bàn Lâm Hà trong 8 tháng đầu năm xảy ra 34 vụ vi phạm lâm luật, giảm 8 vụ so với cùng kỳ nhưng lại có 2 vụ phá rừng tương đối lớn. Đó là vụ phá rừng tại xã Phú Sơn với lâm sản thiệt hại khoảng 20 m3 gỗ bạch tùng và mới đây là vụ phá rừng giáp huyện Lạc Dương và Đam Rông. Lâm sản thiệt hại gần 40 m3 gỗ dổi, cơ quan chức năng đã bắt, khởi tố 14 đối tượng liên quan. Công tác bảo vệ rừng diễn biến phức tạp như vậy, nhưng hện nay theo ông Bích bên Ban Quản lý rừng Lâm Hà chỉ có 50 biên chế, còn thiếu 14 biên chế. Khó khăn hơn, khi huyện Lâm Hà ra thông báo tuyển công chức ngành kiểm lâm từ năm 2020 tới nay nhưng không có người nộp hồ sơ. 
 
Còn tại địa bàn huyện Bảo Lâm, tổng diện tích đất sản xuất lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng của địa phương là 81.775 ha, trong đó đất rừng đặc dụng 5.397 ha, đất rừng phòng hộ đầu nguồn 9.893 ha và đất rừng sản xuất là 66.485 ha. Diện tích bảo vệ rừng lớn nhưng theo ông Nguyễn Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, hiện đơn vị đang thiếu 4 biên chế công chức kiểm lâm. Nếu tính tới cuối năm nay thêm 2 cán bộ nghỉ hưu nữa là thiếu 6 biên chế. 
 
“Hiện chúng tôi đang thiếu kiểm lâm địa bàn của 4 xã nên phải phân công các kiểm lâm viên khác kiêm nhiệm phục trách thêm. Đây chỉ là giải pháp tình huống, còn về lâu dài chúng tôi cần có đủ biên chế kiểm lâm theo quy định để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ rừng trên địa bàn - ông Thanh cho biết.
 
Tương tự các hạt kiểm lâm huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh, việc thi tuyển biên chế công chức kiểm lâm cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện các công chức kiểm lâm thuộc các đơn vị bị thiếu cùng lúc phải phụ trách địa bàn nhiều xã. Bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, hầu hết kiểm lâm phụ trách địa bàn đang phải “gồng mình”, làm thêm nhiều công tác khác trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng,…
 
Để giải quyết trước mắt việc thiếu hụt nhân lực trong ngành kiểm lâm, cũng trong cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2021 mới đây, ông Trần Hồng Quyết, Giám đốc Sở Nội vụ thông tin: Theo quy định Luật Viên chức và Nghị định 138 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức không cho phép hợp đồng làm công tác chuyên môn.
 
Tuy nhiên, theo ông Quyết, quy định như vậy nhưng chúng ta không quá cứng nhắc trong khi công tác quản lý, bảo vệ rừng là cấp thiết. Trước mắt, theo ông Quyết, UBND huyện nơi thiếu nhân lực kiểm lâm cần xem xét, điều động hoặc biệt phái một số viên chức đủ năng lực, điều kiện về thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, trong khi chờ tuyển dụng đủ biên chế, đảm bảo số lượng người, địa phương cần tính toán hợp đồng giao việc, hợp đồng ngắn hạn 3 hay 6 tháng để giải quyết nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trước mắt. 
 
Trong khi đó, theo một số cán bộ ngành kiểm lâm, việc tuyển nhân viên hợp đồng lao động ngắn hạn trong ngành cũng gặp nhiều khó khăn, bởi thực tế lương và các chế độ hợp đồng dạng này thấp, không thu hút được người lao động làm việc trong ngành. Đồng thời, trường hợp nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp,… nghiêm trọng, các đơn vị chỉ có thể chấm dứt hợp đồng lao động, không thể quy trách nhiệm, kỷ luật hoặc xử lý nhân viên hợp đồng theo quy định.
 
C.THÀNH