Thực hiện Nghị quyết số 02, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) "Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" (NQ số 02)...
Thực hiện Nghị quyết số 02, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (NQ số 02), Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết này trên địa bàn Lâm Đồng. Mục tiêu lớn nhất nhằm xây dựng tổ chức công đoàn và đội ngũ công nhân lao động tỉnh Lâm Đồng ngày càng lớn mạnh, hiện đại.
|
LĐLĐ thành phố Đà Lạt tặng quà cho người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 |
Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lâm Đồng cho biết, thực hiện NQ số 02-NQ/TW, Lâm Đồng đặt mục tiêu xây dựng tổ chức Công đoàn Lâm Đồng vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng, linh hoạt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; thực sự là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng bộ tỉnh; là cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với công nhân lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết công nhân lao động; góp phần xây dựng đội ngũ công nhân lao động ngày càng lớn mạnh, hiện đại, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Trong đó, có thể nêu lên những con số cụ thể như đến năm 2023, toàn tỉnh có 67.000 đoàn viên công đoàn, 85% doanh nghiệp có từ 25 công nhân lao động trở lên có tổ chức công đoàn; 93% trở lên doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 70 ngàn đoàn viên công đoàn, 95% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đến năm 2030, phấn đấu đạt 75.000 đoàn viên công đoàn; 98% trở lên doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể và năm 2045, hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên công đoàn; 100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể. Hiện Lâm Đồng có xấp xỉ 65 ngàn đoàn viên công đoàn, với 1.524 công đoàn cơ sở.
Những nhiệm vụ chủ yếu như đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở; tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Mọi hoạt động đều hướng về thực chất, không hình thức, sinh động, phù hợp với điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, từng địa phương. Để tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả, mọi hoạt động phải đảm bảo điều kiện làm việc, quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho đoàn viên, người lao động, đồng thời động viên đoàn viên nâng cao trình độ, kỷ luật lao động, kịp thời đề xuất, thương lượng, đối thoại, tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp.
Đặc biệt, Tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tổ chức và hoạt động công đoàn. Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chương trình, kế hoạch của Trung ương, tỉnh về hoạt động công đoàn, giai cấp công nhân trong tình hình mới. Chú trọng việc lãnh, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, bản lĩnh, trình độ cho đoàn viên, người lao động; nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, những thời cơ, thách thức, những vấn đề đặt ra đối với Công đoàn Việt Nam. Tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh...
Dành nguồn lực hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn
Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu tổ chức công đoàn quan tâm, dành nguồn lực của tổ chức công đoàn, nguồn hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh và công tác xã hội hóa để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo,... Phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm (vốn 120), Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động tỉnh Lâm Đồng (Chương trình tài chính vi mô) và Quỹ hỗ trợ công nhân, viên chức, lao động tỉnh Lâm Đồng (Quỹ xã hội từ thiện) để hỗ trợ công nhân lao động cải thiện cuộc sống.
|
DIỆP QUỲNH