Lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19: Những đề xuất thiết thực

07:09, 09/09/2021

Người lao động đề xuất rà soát, đơn giản hóa thủ tục nhận tiền chính sách; có chính sách linh hoạt, dễ tiếp cận hơn với các đối tượng dễ bị tổn thương do dịch; quản lý tốt việc phân bổ quỹ hỗ trợ.

Người lao động đề xuất rà soát, đơn giản hóa thủ tục nhận tiền chính sách; có chính sách linh hoạt, dễ tiếp cận hơn với các đối tượng dễ bị tổn thương do dịch; quản lý tốt việc phân bổ quỹ hỗ trợ.
 
Liên đoàn Lao động Tân Bình trao quà hỗ trợ cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Liên đoàn Lao động Tân Bình trao quà hỗ trợ cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
 
Không chỉ những người mất việc làm, mà ngay cả người lao động đang có việc cũng chịu tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19. Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra rằng, gần 19% bị giảm lương tới 50%.
 
Trong số 26.378 người tham gia khảo sát trả lời đang có việc, 42% người trả lời cho biết hình thức làm việc của họ hoàn toàn là online, gần 29% trả lời đang làm việc với hình thức 50% thời gian online và 50% thời gian tại công sở. Gần 15% cho biết họ làm việc 100% thời gian tại nơi làm việc.
 
Trong số người lao động đang có việc làm, chỉ 7% làm việc theo mô hình "3 tại chỗ."
 
Tham gia khảo sát về vấn đề tiền lương, 45% cho biết tiền lương của họ giữ nguyên. Số lao động trả lời được tăng lương chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,4%. Gần 19% cho biết họ có việc làm nhưng tiền lương giảm 50%.
 
Bên cạnh đó, 13,6% lao động đang có việc trả lời tiền lương của họ bị giảm 20% và lý do này tập trung vào nhóm lao động đang duy trì làm việc online.
 
Số lao động có việc làm nhưng lương giảm tới 80% hoặc nhận lương tùy thuộc vào sản phẩm làm ra trong tháng chiếm tỷ lệ tương ứng lần lượt là 4,5% và 11,7%.
 
Tổng hợp kiến nghị của nhóm người lao động đang có việc, Ban IV cho biết người lao động đề xuất rà soát, đơn giản hóa thủ tục nhận tiền chính sách; có chính sách linh hoạt và dễ tiếp cận hơn đối với các đối tượng dễ bị tổn thương; quản lý tốt việc phân bổ quỹ hỗ trợ, đảm bảo công bằng, tránh bị tham nhũng, thất thoát.
 
Người lao động cũng cho rằng cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần cùng nhau có kế hoạch hỗ trợ tức thời cho công nhân và người lao động đang bị tạm ngưng hoặc mất việc để họ yên tâm thực hiện giãn cách. Do không còn tiền và tâm lý không có thu nhập trong thời gian dài sắp tới nên mọi người không chịu ở yên tại chỗ.
 
Bên cạnh đó, hỗ trợ tiền mặt cho các cá nhân mất việc làm hoặc không có việc làm được đóng bảo hiểm xã hội trong và sau dịch. Mức hỗ trợ bằng mức lương tối thiểu của vùng/tháng, liên tục trong 3 tháng tính từ thời điểm công bố dừng giãn cách xã hội.
 
Gói hỗ trợ thay vì phát trực tiếp cho người lao động, có thể tạo gói trả qua doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch để giữ chân người lao động. Hỗ trợ cho mỗi lao động chính của gia đình từ 1-3 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt.
 
"Dù chi phí tăng, thu nhập giảm, nhưng người lao động vẫn mong muốn có gói hỗ trợ dành cho ngành y tế, đội ngũ y tế đang chống COVID-19, có chính sách tốt hơn để động viên cho nhân viên y tế," bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết.
 
Theo bà, người lao động mong muốn các gói hỗ trợ cho người dân được chuyển thẳng tiền đến tài khoản hoặc bằng tiền mặt tại nhà mà không cần qua các bước thủ tục, do những người nghèo thực sự sẽ không tiếp xúc được với các phương tiện thông tin đại chúng để biết về các chính sách cũng như các thủ tục liên quan.
 
Nhiều ý kiến đề xuất, sắp xếp chỗ ở, lương thực, thuốc men cho những người yếu thế, người nghèo, người gặp khó khăn vì dịch bệnh; tạo cơ hội việc làm cho người nghèo trong độ tuổi lao động, hỗ trợ hoàn cảnh lang thang cơ nhỡ; tổ chức đào tạo nghề cho trường hợp trong độ tuổi đến trường.
 
Liên quan đến chính sách tiêm chủng vaccine, người lao động đề xuất cần tăng tốc tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng tại các vùng dịch nóng phía Nam. Thực hiện công bằng trong phân phối vaccine, tránh tình trạng xin - cho, mua bán suất vaccine.
 
Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, lao động tự do, những đối tượng cần thu nhập, buộc phải ra khỏi nhà vì mưu sinh. Bên cạnh đó, ưu tiên tiêm vaccine cho shipper, người buôn bán tại chợ, kinh doanh đồ ăn, bởi có tiêu dùng thì mới có việc làm cho người dân.
 
Đặc biệt, người lao động đề xuất giao vaccine cho các đơn vị tư nhân đáp ứng tiêu chuẩn để tăng tốc độ tiêm phòng; ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ quá trình tiêm vaccine nhanh hơn. Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động hoạt động sản xuất, kinh doanh trước, để họ có thể đi làm bình thường, vì chi phí xét nghiệm quá tốn kém và mất nhiều thời gian.
 
Đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho các công ty hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ" để đảm bảo an toàn và tạo sự yên tâm cho người lao động.
 
Đồng thời, tăng cường và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine theo vùng từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp. Công bằng, minh bạch và thông tin chính xác trong việc tiêm vaccine đến người dân; tuyên truyền để người dân hiểu được vaccine nào đã được Tổ chức Y tế thế giới kiểm định và được sử dụng tại các nước khác đều tốt, tránh tâm lý e ngại làm chậm tiến độ tiêm vaccine trong bối cảnh vaccine còn đang thiếu.
 
Để giải quyết các khó khăn về lương/thu nhập, chế độ làm việc, người lao động đề xuất có chính sách mới về lao động, quy định rõ ràng các công việc được phép làm online và quy định mức lương; có chính sách khuyến khích làm việc online, không cắt giảm lương nếu làm online… Có ngân sách để hỗ trợ người lao động thất nghiệp các chi phí xét nghiệm, đi lại, huấn luyện đào tạo… trước khi có được việc làm thời vụ.
 
Hàng loạt đề xuất khác cũng được đưa ra như có chính sách ưu đãi cho người đang vay nợ ngân hàng là cá nhân mua nhà trả góp hoặc cá nhân vay vốn kinh doanh, vay vốn sinh viên trong giai đoạn giãn cách và sau giãn cách 2-4 tháng; bình ổn thị trường tiêu dùng; tháo gỡ những quy trình làm chậm công tác cứu trợ...
 
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nêu lên những đề xuất từ phía người lao động như xây dựng các phương án dài hạn khi dịch bệnh kéo dài, việc cách ly, phong tỏa không thể duy trì trong thời gian dài…
 
Kêu gọi doanh nghiệp tiếp tục tham gia phòng, chống dịch. Hiện một số doanh nghiệp cho lao động ngưng việc nhưng vẫn trả lương, có thể sử dụng nguồn lực này hỗ trợ công tác phòng, chống dịch như vận chuyển trang thiết bị, vật tư, hỗ trợ bếp ăn, vệ sinh, hỗ trợ trực tổng đài điều phối xe, bệnh viện... Huy động thêm sinh viên từ 18-23 tuổi tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của địa phương.
 
Trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, cần đẩy nhanh quá trình công nghệ hóa, số hóa thông tin dân cư, an ninh, y tế, hành chính, đất đai, thuế, tài chính. Các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch phải nhất quán, rõ ràng và không làm khó người lao động. Thực hiện những biện pháp chống dịch mạnh mẽ, nghiêm túc, tránh dây dưa kéo dài, gây lãng phí sức người, sức của của toàn dân.
 
Bên cạnh đó, cần hướng dẫn quy trình cụ thể, bán dụng cụ test để cho phép người dân tự làm test nhanh, góp phần kiểm soát sớm và giảm gánh nặng cho nhà nước về chi phí chống dịch.
 
Nghiên cứu áp dụng 7K+3T gồm "Khẩu trang-Khoảng cách-Khử khuẩn- Không tụ tập-Khai báo y tế-Không khí trong lành-Khỏe mạnh" và "Tự phát hiện-Tự cách ly-Tự chăm sóc".
 
(Theo TTXVN)