Mặc dù gặp không ít khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 nhưng nông dân huyện Bảo Lâm vẫn duy trì sản xuất, canh tác để tạo ra nông sản, vừa phục vụ đời sống, tăng thu nhập cho bản thân, vừa tiếp sức cho người dân ở những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội.
Mặc dù gặp không ít khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 nhưng nông dân huyện Bảo Lâm vẫn duy trì sản xuất, canh tác để tạo ra nông sản, vừa phục vụ đời sống, tăng thu nhập cho bản thân, vừa tiếp sức cho người dân ở những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội.
|
Nông dân Bảo Lâm thu hái chè |
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ông K’Lưu, một nông dân ở xã Lộc Bảo, đã chọn giải pháp ở lại chòi rẫy cà phê để tiện cho việc chăm sóc cây cà phê; đồng thời, đỡ phải tiếp xúc với nhiều người, tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19. “Ngày chưa có dịch, tôi cứ sáng đi làm rẫy, chiều tối lại về nhà. Nhưng nay, tôi ở ngay trong rẫy, 1 tuần mới về nhà 1 lần. Như vậy, vừa đỡ công đi lại, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19”, ông K’Lưu cho biết.
Theo ông, thời điểm này, việc chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho cây cà phê rất quan trọng. Tận dụng khoảng thời gian 1 tuần ở tại rẫy, ông K’Lưu đã tập trung cho việc làm cỏ, bón phân, bẻ chồi, phun thuốc phòng trừ dịch hại... Với cách làm này, ông vừa đảm bảo lịch thời vụ, vừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. “Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến người nông dân, nhất là về giá cả, đầu ra cho nông sản. Nhưng chúng tôi cũng nhận thức được rằng, khó khăn là khó khăn chung của người dân cả nước, nên vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, mùa vụ để tránh chuỗi hàng hóa nông sản bị đứt gãy”, bà Lê Thị Liên, một nông dân của xã Lộc Ngãi, chia sẻ. Ngoài việc nỗ lực duy trì mùa vụ, bà còn đóng góp nông sản do mình làm ra để hỗ trợ những người dân TP Hồ Chí Minh, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, và hỗ trợ nông sản các khu cách ly y tế tập trung tại Bảo Lâm. Tương tự, bà Phạm Thị Huệ, nông dân xã Lộc Tân, vẫn nỗ lực duy trì việc sản xuất của gia đình, bên cạnh tự giác, tuân thủ các khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Bà tâm sự: “Mặc dù giá cả một vài nông sản đang bị sụt giảm bởi ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng tôi vẫn tin khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, cuộc sống người dân ở các địa phương trở lại bình thường, giá cả nông sản chắc chắn sẽ tăng”.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, tình hình sản xuất trên địa bàn vẫn duy trì ở mức ổn định, một số lĩnh vực tăng so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2021, nông dân huyện Bảo Lâm đã chuyển đổi được hơn 455 ha cà phê, nâng tổng số diện tích cà phê đã chuyển đổi từ đầu năm 2021 đến nay lên 1.050 ha, bằng 66,4% kế hoạch và chuyển đổi được 5 ha chè chất lượng cao, chè cao sản, nâng tổng số diện tích chè đã chuyển đổi trong 8 tháng đầu năm 2021 là 51,2 ha, bằng 88% kế hoạch. Bên cạnh 2 cây trồng chủ lực là cà phê và chè, trong tháng 8/2021, nông dân huyện Bảo Lâm còn chuyển đổi 12 ha cây ăn trái, nâng diện tích cây ăn trái đã chuyển đổi lên 114 ha, bằng 81% so kế hoạch. Trong đó, 60 ha sầu riêng và 54 ha bơ.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, cho hay: “Thời gian qua, nông dân huyện Bảo Lâm đã thực hiện tốt các giải pháp vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất. Trong vụ hè thu, nông dân đã thu hoạch hơn 423 ha lúa hè thu, bằng 100,5% so cùng kỳ. Sản lượng chè búp tươi thu hoạch trong tháng 8/2021 đạt 10.580 tấn, lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay lên 53.860 tấn, bằng 62,4% kế hoạch và sản lượng cây ăn trái là 4.035 tấn, sản lượng rau màu các loại đạt 30 tấn”.
Theo ông Tùng, công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Bảo Lâm tiếp tục duy trì ổn định. Trong tháng 8/2021, đàn trâu tăng 206 con (bằng 71% so cùng kỳ), đàn bò 3.826 con (bằng 88% so cùng kỳ), heo tăng 19.652 con (bằng 112% so cùng kỳ), dê 2.327 con (bằng 70% so cùng kỳ), gia cầm 1.240.000 con (bằng 121,4% so cùng kỳ). “Hiện, giá chè và cà phê giảm hơn 50% so cùng kỳ nhưng vẫn tiêu thụ bình thường, không bị ùn ứ. Riêng giá kén tằm lại cao hơn so với năm trước”, ông Tùng thông tin thêm.
TRỊNH CHU