Tạo sinh kế cho người dân để giữ rừng

05:09, 06/09/2021

Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra bước đột phá, hiệu quả trong việc tạo nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng và phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tạo ra bước đột phá, hiệu quả trong việc tạo nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng và phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
 
Các thành viên Ban Quản lý Rừng phòng hộ D’ran, huyện Đơn Dương tuần tra tại Tiểu khu 171B (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2011). Ảnh: T.T.Hiền
Các thành viên Ban Quản lý Rừng phòng hộ D’ran, huyện Đơn Dương tuần tra tại Tiểu khu 171B (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: T.T.Hiền
 
Lâm Đồng là một trong hai tỉnh (cùng với Sơn La) được Chính phủ chọn để thực hiện thí điểm Chính sách chi trả DVMTR theo Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 để tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chi trả DVMTR áp dụng trên phạm vi cả nước theo hướng xác định rõ lợi ích, quyền hạn và nghĩa vụ của các đối tượng được chi trả và phải chi trả DVMTR; thực hiện xã hội hóa nghề rừng, từng bước tạo lập cơ sở kinh tế bền vững cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cho sản xuất điện, nước và các hoạt động kinh doanh du lịch.
 
Từ kết quả thí điểm tại hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La, ngày 24/9/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99 quy định về chính sách chi trả DVMTR trên phạm vi cả nước. 
 
Đến năm 2020, trên cả nước đã thành lập 1 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cùng 44 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh. Mỗi năm, cả nước thu được hơn 3.000 tỷ đồng tiền DVMTR và chi trả hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ cho 6,5 triệu ha rừng, chiếm 44% tổng diện tích rừng toàn quốc.
 
Đối với tỉnh Lâm Đồng, chính sách chi trả DVMTR đã thực hiện được hơn 12 năm. Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 68 đơn vị sử dụng DVMTR; trong đó, 44 nhà máy sản xuất thủy điện, 19 cơ sở sản xuất và kinh doanh nước sạch, 5 cơ sở sản xuất công nghiệp. Với tổng số tiền dịch vụ thu được là 2.204 tỷ đồng (trong đó, thu chính là từ các nhà máy sản xuất thủy điện, chiếm 95% tổng thu), nguồn thu đã góp phần giải quyết khó khăn về nguồn kinh phí hoạt động, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng, từ nguồn lực tài chính này đã tạo thêm nhiều việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở khu vực vùng sâu, vùng xa, sống gần rừng trên địa bàn tỉnh.
 
Tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh là trên 513.000 ha, trước khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, nguồn vốn hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng chủ yếu lấy từ ngân sách địa phương hoặc ngân sách Trung ương (DA61, DA 5 triệu ha rừng), do vậy công tác bảo vệ và phát triển rừng gặp nhiều khó khăn. Từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, nguồn thu tài chính ổn định, đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân được nâng lên đáng kể.
 
Chính sách chi trả DVMTR đã thu hút lực lượng lao động lớn trong dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 16.000 chủ rừng (70% là đồng bào DTTS) được hưởng lợi từ DVMTR và các lợi ích khác từ rừng mang lại, người làm nghề rừng đã thực sự được coi trọng, đời sống từng bước được cải thiện.
 
Để phát huy hiệu quả nguồn kinh phí DVMTR, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành cơ chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm, tạo sự đồng thuận của Nhân dân và xã hội trong việc triển khai thực hiện chính sách. Từ năm 2011 đến hết năm 2020, đã chi trả 1.832,5 tỷ đồng; với đơn giá chi trả bình quân hiện nay từ 500.000-600.000 đồng/ha/năm và diện tích nhận 25-30 ha/hộ, đã tạo nguồn thu nhập 12,5-18,0 triệu đồng/hộ/năm. Chính sách chi trả DVMTR không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, PCCCR, mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng. 
 
Có thể nói, chính sách chi trả DVMTR được xem như là bước đột phá của ngành Lâm nghiệp, khẳng định hướng đi đúng đắn, mang lại những hiệu quả nhất định, tạo lập nên một nguồn lực tài chính mới, mang tính ổn định bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia. Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả chính sách đã làm thay đổi nhận thức của Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế cho người dân sống được bằng nghề rừng, nhất là đồng bào DTTS.
 
THÚY NGÀ