Mô hình Tiết kiệm và cho vay tại thôn, bản theo hình thức cổ phần tài chính được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai tại 2 huyện Lâm Hà, Di Linh đã và đang phát huy hiệu quả tích cực...
Mô hình Tiết kiệm và cho vay tại thôn, bản theo hình thức cổ phần tài chính được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai tại 2 huyện Lâm Hà, Di Linh đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, rõ nét trong việc nâng cao quyền tự chủ kinh tế, cải thiện cuộc sống và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
|
Hàng tháng các nhóm tổ chức họp để huy động cổ phần, thu lãi và bình xét cho vay |
Năm 2021, Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số” được Hội LHPN tỉnh triển khai tại xã Gia Hiệp, thị trấn Di Linh (huyện Di Linh) và xã Tân Thanh, Liên Hà (huyện Lâm Hà). Mục tiêu của dự án là nhằm cải thiện đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), nâng cao quyền tự chủ kinh tế của phụ nữ nông thôn thông qua thúc đẩy các nhóm tiết kiệm cho vay tại thôn, bản. Đây cũng là kênh huy động nguồn lực tài chính nhàn rỗi trong dân cư, trở thành nguồn lực tài chính phục vụ cho phát triển xã hội, hỗ trợ phụ nữ tăng khả năng, cơ hội tiếp cận tài chính.
Tại huyện Lâm Hà, chị Nguyễn Thị Thùy - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, sau 9 tháng triển trai, dự án đã thành lập được 10 nhóm Cổ phần tài chính có 171 thành viên tham gia đóng góp cổ phần với số tiền trên 314 triệu đồng cho 75 hội viên vay với lãi suất 1%/tháng. Mỗi nhóm tổ chức sinh hoạt hàng tháng, cùng thống nhất quy chế hoạt động và bầu các vị trí trưởng nhóm, người giữ tiền, người giữ chìa khóa... Việc vay vốn cũng được cụ thể cho các mục đích khác nhau như vay kinh doanh, vay tiêu dùng, vay khẩn cấp.
“Khi dự án bắt đầu triển khai, qua tuyên truyền, nắm bắt tâm tư thì nhiều hội viên không hưởng ứng vì phải tham gia sinh hoạt và đóng tiền hàng tháng gây mất nhiều thời gian, bất tiện. Nhiều người nghĩ rằng số tiền cho vay không lớn sẽ không giải quyết được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với hội viên có hoàn cảnh khó khăn thì số tiền 7-10 triệu đồng bước đầu đã hỗ trợ cho chị em phụ nữ DTTS trong việc đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”, chị Phạm Thị Cẩm Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thanh cho hay.
Ở xã Tân Thanh, đến nay đã phát triển được 5 nhóm tại các thôn có đông đồng bào DTTS cho 26 người vay với tổng số tiền là hơn 144 triệu đồng. Hàng tháng các nhóm tổ chức họp để huy động cổ phần, thu lãi và bình xét cho vay. Ngoài việc tiết kiệm và cho vay, các nhóm còn thành lập quỹ tương trợ, giúp đỡ, thăm hỏi nhau trong những lúc khó khăn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy vẫn còn cách biệt khá xa giữa phụ nữ DTTS và các nguồn lực, nhân tố giúp họ nâng cao quyền năng kinh tế. Với mô hình này, phụ nữ và gia đình sẽ gia tăng tiết kiệm tăng cường khả năng quản lý tài chính cho chi tiêu và sản xuất của gia đình. Các chị đã bước đầu hình thành được thói quen tiết kiệm; các khoản vay giúp cho các hộ gia đình đầu tư vào sinh kế, giáo dục và y tế... đặc biệt là tăng kỹ năng quản lý tài chính và sự tự tin của phụ nữ DTTS; củng cố tinh thần đoàn kết, cải thiện an sinh xã hội và bình đẳng giới trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng Ban Gia đình, Xã hội - Kinh tế, Hội LHPN tỉnh cho biết, đây là một mô hình nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn, phụ nữ có thu nhập thấp được tiếp cận với các nguồn tài chính, kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính. Tính đến nay, dự án đã thành lập được 22 mô hình với 448 thành viên tham gia (đóng góp cổ phần mệnh giá từ 50.000-100.000 đồng) với số tiền là hơn 800 triệu đồng, giúp cho 181 chị vay.
Theo đánh giá, mô hình cũng đã tạo ra liên kết chặt chẽ giữa các thành viên. Ở đó, mỗi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Không chỉ tạo cơ hội để chị em học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mô hình còn tạo ra nguồn vốn vay thường xuyên, liên tục phù hợp với nhu cầu của các thành viên. Đây là một trong những cách làm hay để hội viên phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tăng cường vị thế, vai trò của phụ nữ trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
“Điểm nổi bật của mô hình và việc vận hành rất đơn giản, không phải tính toán nhiều nên thuận lợi cho phụ nữ DTTS, nhiều người dù không biết chữ vẫn có thể tham gia. Từ đó giúp chị em từng bước hình thành thói quen tiết kiệm, góp phần không nhỏ đối với việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thực hiện công tác an sinh xã hội. Thông qua các tổ nhóm thì phụ nữ gắn kết với nhau, chia sẻ với nhau những tâm tư trong cuộc sống, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để cùng nâng cao kiến thức, kỹ năng. Với việc vay không thông qua các hình thức tín chấp, thủ tục ngân hàng đã góp phần giảm tình trạng vay tín dụng đen tại các khu vực nông thôn”, bà Liên cho biết thêm.
HỒNG THẮM