"Nhiều nhiệm vụ chính trị của tỉnh Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt thời gian qua đã nỗ lực và phấn đấu đạt được tốt. Bộ máy mới, nhiệm kỳ mới, quyết tâm mới và có sản phẩm mới…"...
“Nhiều nhiệm vụ chính trị của tỉnh Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt thời gian qua đã nỗ lực và phấn đấu đạt được tốt. Bộ máy mới, nhiệm kỳ mới, quyết tâm mới và có sản phẩm mới…”. Đó là đánh giá khái quát của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt với lãnh đạo và cán bộ cốt cán Trường Đại học Đà Lạt ngày 17/9/2021.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp làm việc với Trường Đại học Đà Lạt, ngày 17/9/2021 |
Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) thành lập tháng 10/1976 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trên nền tảng của Viện Đại học Đà Lạt có gần 20 năm trước đó.
Hiện Trường ĐHĐL là thành viên chính thức của mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (AUN); liên tục trong top 25 trường đại học có công bố quốc tế uy tín nhiều nhất Việt Nam; Tạp chí Khoa học của trường là một trong 6 tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam được chấp thuận vào Chỉ mục trích dẫn khoa học các quốc gia Đông Nam Á (ACI)… Vì vậy, Trường ĐHĐL đã khẳng định vị thế một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có chất lượng và uy tín cao ở Tây Nguyên và khu vực.
• TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH
Một trong những sự kiện khẳng định uy tín và là niềm vui thành công của định hướng phát triển Trường ĐHĐL là tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định Trường ĐHĐL là một trong 5 cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) vào quy hoạch hệ thống trung tâm GDQP&AN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tháng 3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Quyết định thành lập Trung tâm GDQP&AN Trường ĐHĐL. Hiệu trưởng Trường ĐHĐL, TS. Lê Minh Chiến chia sẻ: “Việc thành lập Trung tâm GDQP&AN trường ĐHĐL không những tạo điều kiện thuận lợi cho Trường tự chủ tổ chức đào tạo nội dung GDQP&AN cho sinh viên, mà còn thực hiện nhiệm vụ liên kết đào tạo nội dung này cho sinh viên tất cả các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo sự phân công của Bộ Quốc phòng”.
• TRUNG TÂM GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TRÍ TUỆ VÀ NHÂN TẠO
Chuyển giao công nghệ là một nhiệm vụ hướng đến của Trường ĐHĐL. Riêng giai đoạn 2016 - 2021, trường triển khai thực hiện 11 dự án chuyển giao cho các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với năng lực nội tại có tiềm năng lớn, cùng với tâm huyết của lãnh đạo, từ năm 2018 Trường ĐHĐL đã ấp ủ thành lập Trung tâm Giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo (AIC). Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), viết tắt là AI, được hiểu như một ngành của khoa học máy tính, liên quan đến tự động hóa các hành vi thông minh. AI sử dụng những cỗ máy thông minh, có khả năng thu thập, phân tích và xử lý khối dữ liệu phức tạp ở cấp độ rộng, nhanh và hệ thống hơn con người…
Trước nhu cầu mạnh mẽ của đất nước trong vận hội cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0; với sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược phát triển Trường ĐHĐL được khẳng định tại Nghị quyết XIII Đảng bộ trường và Nghị quyết 289 Hội đồng trường, năm 2021, trường được nhận khoản tài trợ hơn 5,5 tỷ đồng từ Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) như là điều kiện chín muồi để Trường ĐHĐL thành lập AIC tại trường. Dự kiến tháng 11/2021, Trung tâm khai trương và hoạt động. Lãnh đạo Trường ĐHĐL khẳng định: “Trung tâm sẽ là đơn vị tiên phong trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về AI cho học sinh, sinh viên, giảng viên, giáo viên... ở tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên, hướng tới đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng AI và tư vấn tìm giải pháp AI cho các vấn đề thực tế ở địa phương và khu vực”. Kỳ vọng AIC Trường ĐHĐL sẽ đáp ứng thực tiễn đang cần một nguồn nhân lực rất lớn có trình độ chuyên môn cao để vận hành, ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp.
•
NGHIÊN CỨU VÀ CHUYỂN GIAO GẮN VỚI TÂY NGUYÊN
Khu vực các tỉnh Tây Nguyên được biết đến với nhiều đặc điểm đặc sắc về văn hóa - du lịch, đặc biệt về đa dạng sinh học cao và nhiều ưu thế về địa kinh tế… Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu của cả khu vực rộng lớn Trung Bộ và Nam Bộ. Trước mối quan tâm đặc biệt của thế giới và Việt Nam, với lợi thế và đặc điểm của mình, Trường ĐHĐL quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu (ĐDSH&BĐKH). Sứ mệnh của Trung tâm là “góp phần giải quyết những vấn đề về suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên sinh vật, phòng chống thiên tai; thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội, sức khỏe và đời sống Nhân dân” - Đề án thành lập nêu. Trung tâm ĐDSH&BĐKH tất yếu đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, mục tiêu chung được xác định là tổ chức đào tạo, nghiên cứu..., trong đó chuyển giao khoa học công nghệ cho ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh lân cận, các vườn quốc gia, các cơ quan nghiên cứu khoa học trong khu vực…
Hiệu trưởng Trường ĐHĐL, TS. Lê Minh Chiến còn cho chúng tôi biết, nhà trường đã thành lập Trung tâm King Sejong vào tháng 7/2021. Trung tâm được sự hỗ trợ từ Viện King Sejong - Viện nghiên cứu uy tín của Hàn Quốc và kết quả hợp tác quốc tế giữa Trường ĐHĐL với Trường Đại học JinJu của Hàn Quốc. Trung tâm King Sejong thuộc Trường ĐHĐL có các chức năng hợp tác giao lưu văn hóa Việt - Hàn; đào tạo ngôn ngữ Hàn Quốc và cấp chứng chỉ quốc tế; phục vụ đào tạo sinh viên ngành Hàn Quốc học và đối tượng lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh, thành có nhu cầu... Hàng năm, phía Hàn Quốc sẽ cấp từ 26.000 đến 30.000 USD để Trung tâm hoạt động.
Nói thêm về Trường ĐHĐL trước đây, đã phát triển những trung tâm, những viện nghiên cứu rất có uy tín trong vùng. Đó là Trung tâm lưu trữ và phục vụ tài liệu; các viện nghiên cứu và ứng dụng về nông nghiệp công nghệ cao, về môi trường… Và được biết, hiện nhà trường đang tích cực thành lập Viện nghiên cứu macca. Viện được Tập đoàn Him Lam và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đồng hành để nghiên cứu cây Macca, hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội…
Vâng, sự hội tụ lớn về tri thức, sự lan tỏa mạnh về thành tựu là thương hiệu của một cơ sở giáo dục đại học trên thành phố Đà Lạt. Sẽ là điều kiện để Trường ĐHĐL trở thành Đại học Đà Lạt với tối thiểu 3 trường thành viên, có quy mô 15.000 sinh viên, với các khối ngành trọng điểm nông nghiệp, sinh học, nông lâm, chế biến sau thu hoạch… Đó cũng là lộ trình Trường ĐHĐL chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025 “Xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục và chuyển giao công nghệ đa ngành, đạt chuẩn quốc tế; xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành một trong những trung tâm giáo dục quốc gia và quốc tế” như văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI đã đề ra.
MINH ĐẠO