(LĐ online) - Những ngày qua, mưa lớn liên tục kéo dài đã làm những điểm có nguy cơ sạt lở trước đây ở xã Đưng K'Nớ tiếp tục đứng trước tình trạng báo động. Đồng thời xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới, quy mô lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn.
(LĐ online) - Những ngày qua, mưa lớn liên tục kéo dài đã làm những điểm có nguy cơ sạt lở trước đây ở xã Đưng K’Nớ tiếp tục đứng trước tình trạng báo động. Đồng thời xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới, quy mô lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn.
Điểm sạt lở thường xuyên tại trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ |
Đưng K’Nớ là địa bàn vùng xa thuộc huyện Lạc Dương. Đây là địa bàn có gần 95% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Theo các cơ quan chức năng, địa chất tại địa phương này chủ yếu là đất sét pha cát, độ dốc cao nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở khi mưa lớn kéo dài.
Một lượng lớn bùn đất từ điểm sạt lở sau trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ theo các mương nước tràn ra đường Trường Sơn Đông, gây khó găn cho giao thông đi lại. Việc múc dọn phải tiến hành thường xuyên sau mỗi trận mưa |
Sau những đợt mưa lớn kéo dài gần đây, ngoài điểm sạt lở sau UBND xã với lượng bùn đất lớn liên tục đổ xuống gây ách tắc giao thông trên đường Trường Sơn Đông, nhiều địa điểm sạt lở khác đã xuất hiện tại các khu dân cư.
Điểm sạt lở nghiêm trọng tại gia đình ông Thân Ngọc Kiên (thôn Lán Tranh) khiến hơn 2 sào cà phê bị vùi lấp. Chính quyền địa phương đã cắm bảng cảnh báo nguy hiểm tại khu vực này |
Theo số liệu thống kê từ UBND xã Đưng K’Nớ, hiện trên địa bàn xã có 3 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiệt hại về nhà ở trên 70%, 2 gia đình thiệt hại về công trình phụ sạt lở ta luy âm. Ước giá trị thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, đường giao thông nông thôn từ Thôn 2 xuống thôn Đưng Trang bị rửa trôi, xói mòn và sạt lở 2 điểm đã được khắc phục. Đường Trường Sơn Đông (đoạn từ ngã ba Đông Trường Sơn) sạt lở 1 điểm lớn chiều dài khoảng 20 m, chiều cao 10 - 12 m; ngoài ra, còn sạt lở các điểm nhỏ làm vùi lấp các mương, gây xói mòn mặt đường.
Mặc dù thường xuyên được múc dọn, nhưng lượng bùn đất thường xuyên tràn xuống đường Trường Sơn Đông gây khó khăn cho người dân đi lại |
Ông Thân Văn Hữu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ cho biết: Hiện, trên địa bàn xã có hơn 100 hộ dân có nhu cầu về đất ở. Trong đó có, hơn 50 hộ sinh sống tại các vùng nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời khi mùa mưa lũ đến. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ dân này không thuộc đối tượng được bố trí tái định cư tại khu dân cư K’Nớ 5 nên vẫn chưa có quỹ đất để giải quyết nhu cầu của các hộ dân trên. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của bà con, chính quyền địa phương đang vận động người dân di chuyển ra khỏi khu vực sạt lở khi xảy ra trời mưa lớn kéo dài. UBND xã cũng kiến nghị UBND huyện Lạc Dương và các sở, ngành liên quan phối hợp với địa phương có các giải pháp phòng chống sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho người dân.
Bờ taluy của nhà thờ tại khu vực Thôn 1 bị sạt lở |
Hiện, chính quyền xã Đưng K’Nớ đã khuyến cáo các hộ dân chủ động các giải pháp chằng chống, gia cố lại những khu vực có nguy cơ sạt cao. Đồng thời, sẵn sàng các phương án di dời tới nhà người thân ở khu vực an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản trong thời tiết mưa kéo dài.
H.SA - N.NGÀ