Cây cao su đổi đời buôn nhỏ

05:10, 20/10/2021

Những ngày tháng 10 này, bà con người Mạ hai thôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai) và Con Ó (xã Mỹ Đức) huyện Đạ Tẻh...

Những ngày tháng 10 này, bà con người Mạ hai thôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai) và Con Ó (xã Mỹ Đức) huyện Đạ Tẻh đang ngày ngày chăm sóc, cạo mủ cho diện tích cao su của gia đình. Thu nhập mười mấy triệu đồng/tháng đang đổi đời những người nông dân vốn vất vả quanh năm.
 
Bà con buôn Con Ó khai thác mủ cao su
Bà con buôn Con Ó khai thác mủ cao su
 
Chúng tôi gặp anh K’Hành khi anh đang xách thùng mủ ra điểm tập kết, người đàn ông Mạ gốc buôn Con Ó rất vui vẻ cho biết, nhà anh đang cạo mủ D2, tức là nghỉ một ngày cạo mủ 1 ngày. Anh K’Hành cho hay, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn rất cụ thể, tầm 6 đến 7 giờ tối anh đi cạo một lượt, sáng là bát mủ đầy, thu hoạch đem ra điểm tập kết. Cạo mủ đêm, nhiệt độ mát nên mủ chảy đều, không tắc, không vón cục. Nguyên tổ anh cứ tầm tối là gọi nhau đi cạo mủ đồng loạt. Mỗi lần mang mủ ra điểm tập kết thu mua, anh thu được 300 - 400 ngàn đồng. Anh K’Hành cũng chia sẻ, anh không lấy tiền liền mà gửi luôn tại HTX thu mua, khi nào được số tiền lớn mới mang về. Để dành tiền từ mủ cao su, anh K’Hành mới tính chuyện mua sắm vật dụng, xây nhà đẹp. 
 
Giống như anh K’Hành, 62 nông hộ trong buôn Con Ó cũng đang trong những ngày mải miết cạo mủ, chăm sóc diện tích cao su của mình. Cùng với bà con buôn Con Ó là 120 bà con thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai. Hiện giá mủ cao su đang được thu mua trung bình khoảng 10 ngàn đồng/kg mủ. Giá mủ ổn định khiến bà con 2 thôn có thu nhập từ 300 - 800 ngàn đồng/lần cạo. Với chu kì cạo cách nhật như thời điểm này, một tháng bà con cho thu từ 10 - 15 triệu đồng là chuyện trong tầm tay. Ông Đỗ Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức cho biết: “Cùng với các hoạt động khác, diện tích cao su thực sự khiến nhiều bà con buôn Con Ó có thu nhập rất tốt. Chúng tôi hết sức phối hợp với ngành nông nghiệp động viên, hướng dẫn bà con chăm sóc cao su đúng kỹ thuật, không dùng thuốc ngoài danh mục, đảm bảo cây cao su khỏe và cho mủ đạt chất lượng ổn định”.
 
Gần 200 nông hộ của hai buôn Con Ó và Đạ Nhar đang phấn khởi, vui mừng với cao su, với thu nhập hàng ngày ổn định. Ông Lại Phước Thắng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đạ Tẻh kể lại, đây là kết quả của một dự án từ gần 10 năm trước. Năm 2012, nhận thấy bà con 2 buôn quá khó khăn, thu nhập chủ yếu đi rừng lấy măng, làm củi…; Đạ Tẻh phát động Chương trình trồng, chăm sóc cây cao su tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tại hai buôn. Buôn Con Ó được hỗ trợ 62 ha, buôn Đạ Nhar được hỗ trợ 120 ha, trung bình 1 ha/hộ. Nhà nước cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn bà con cách chăm sóc hàng năm. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt, hướng dẫn bà con từ vun gốc, làm cỏ, bỏ phân và khi cây đã cho thu hoạch là kỹ thuật cạo mủ, chăm sóc cây để có độ mủ cao. Ông Lại Phước Thắng chia sẻ: “Đạ Tẻh định hướng trồng tập trung nên chúng tôi quy hoạch vùng cao su thành các tổ từ 9 - 12 ha dành cho 9 - 12 gia đình, mỗi gia đình được 1 ha. Các tổ đều có tổ trưởng, tổ phó, có trách nhiệm đôn đốc thành viên cùng chăm sóc cao su đúng kỹ thuật, theo đúng sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật”. Nhờ quy hoạch hợp lý, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, tạo thói quen chăm sóc tập trung, vườn cao su của bà con phát triển khá ổn định.
 
Không chỉ cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, việc thu mua mủ cao su cũng rất thuận lợi đối với bà con. Anh Ngô Thành Tâm, Giám đốc HTX Cao su Đạ Tẻh, đơn vị thu mua mủ cao su của bà con cho biết, HTX đặt 2 điểm thu mua tại trung tâm hai buôn Con Ó và Đạ Nhar. Bà con sáng mang mủ ra, cân độ, tính tiền. Bà con nào lấy tiền ngay, HTX thanh toán tiền trực tiếp. Rất nhiều bà con lại chọn hướng để tiền lại, chốt sổ, cuối năm cuối tháng mới lấy một cục. Nhiều gia đình cuối năm mang về một số tiền hàng trăm triệu đồng. Anh Tâm cũng cho biết, bà con buôn Con Ó chăm sóc cao su tốt hơn bà con thôn Đạ Nhar nên dù diện tích nhỏ hơn nhưng thu nhập rất tốt, riêng năm 2020, HTX chi trả tiền mủ cho bà con buôn Con Ó là 3 tỷ đồng. HTX cũng phối hợp với chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp hướng dẫn thêm cho bà con kỹ thuật khai thác và chăm sóc, đồng hành cùng bà con giữ gìn và phát triển rộng thêm cây cao su, giúp người Mạ giàu lên cùng dòng mủ trắng.
 
DIỆP QUỲNH