Có bao giờ quê hương bỏ người dân

05:10, 26/10/2021

Quê hương với mỗi người vẫn luôn là nơi truyền cho chúng ta niềm tin vào những giá trị cốt lõi và sự sẻ chia...

Quê hương với mỗi người vẫn luôn là nơi truyền cho chúng ta niềm tin vào những giá trị cốt lõi và sự sẻ chia. Vì vậy mà con người ta có thể đi năm châu bốn bể để tìm kiếm niềm vui, mưu cầu hạnh phúc nhưng rồi cũng vẫn cảm thấy không gì bằng quê hương. Quê hương trong trái tim mỗi người không phải chỉ là nơi tìm về khi khó khăn, mà còn là nơi trở về nạp lại năng lượng, niềm tin để bước tiếp trong cuộc sống, bởi “quê hương mỗi người chỉ một”… Ðặc biệt, trong hoạn nạn thì quê hương luôn là nơi mà ai cũng muốn được trở về nương tựa.
 
Bài 1: Người Lâm Ðồng giữa tâm dịch
 
Có lẽ đến giờ, sự khốc liệt và mức độ lây lan đáng sợ của đợt đại dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua vẫn còn là nỗi ám ảnh chưa thể nguôi ngoai trong tâm trí của rất nhiều người bởi dịch bệnh đã diễn ra vô cùng phức tạp, làm ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe, đời sống của người dân, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Trong hoàn cảnh ấy, vượt qua sự sợ hãi, với tình cảm tương thân tương ái, những người con đất Lâm Đồng vì những lý do khác nhau, có người đang mắc kẹt ở nơi tâm dịch đã tổ chức những hoạt động hữu ích, cũng có người đang ở Lâm Đồng lại tình nguyện dấn thân vào nơi tâm dịch để mong muốn được chia sẻ, hỗ trợ cùng chính quyền, người dân và cộng đồng. Giữa muôn vàn tấm lòng của người dân cả nước, những câu chuyện của họ đã truyền cảm hứng đến nhiều người, nhiều thế hệ nơi quê nhà và góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh. 
 
Những chuyến xe nghĩa tình chở nông sản tặng người dân vùng dịch
Những chuyến xe miễn phí chở người dân Lâm Đồng về quê tránh dịch
 
Cô gái trẻ Võ Thị Văn Minh - sinh viên năm 4, Khoa Điều dưỡng, Đại học Yersin Đà Lạt có lẽ chưa bao giờ tưởng tượng ra được cảnh một ngày nào đó bản thân sẽ phải đối diện với nhiệm vụ đầy thách thức khi được giao phải chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho số lượng bệnh nhân gần 500 người mắc COVID-19 tại một khu cách ly tập trung ở Bình Dương trong điều kiện trang thiết bị y tế khá sơ sài. Hơn nữa, đó lại là nhiệm vụ đầu đời của cô điều dưỡng trẻ còn chưa được nhận bằng tốt nghiệp.
 
Võ Thị Văn Minh chính là một trong số 33 sinh viên Khoa Điều dưỡng của Trường Đại học Yersin đã tình nguyện cùng với hơn 200 cán bộ, bác sỹ, sinh viên ngành y khác của tỉnh lao về phía tâm dịch để hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh và Bình Dương trong giai đoạn khó khăn nhất vì dịch bệnh. Được phân công về tỉnh Bình Dương, Văn Minh cùng với 4 bạn khác, trong đó có 1 sinh viên Đại học Yersin, 3 sinh viên Cao đẳng Y tế Đà Lạt được phân về nhận công tác tại khu cách ly ở Trường Tiểu học Phú Long, Thuận An, Bình Dương. Vào thời điểm ấy, tỉnh Bình Dương vừa bùng phát dịch và là điểm nóng về dịch bệnh không kém gì TP Hồ Chí Minh, thậm chí còn khó khăn hơn TP Hồ Chí Minh vì hệ thống y tế ở Bình Dương kém hơn và cũng đang trong tình trạng quá tải cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực y tế. Cả khu cách ly nơi cô và các bạn đến nhận nhiệm vụ có tới 500 bệnh nhân nhưng chỉ có duy nhất 1 bác sỹ. Chính vì vậy mà Văn Minh và các bạn càng cảm thấy quyết định tình nguyện tham gia vào hoạt động này của mình là đúng đắn và cần thiết. Với những kinh nghiệm tích lũy được sau thời gian thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Văn Minh cùng với các bạn nhanh chóng tiếp cận và hòa nhập vào môi trường làm việc đầy thách thức. Thách thức lớn nhất mà cô và các bạn ngay lập tức phải cố gắng vượt qua trong những ngày đầu tiên tiếp cận với công việc đó là khống chế được nỗi sợ hãi, lo ngại bị lây nhiễm dịch khi hàng ngày phải đối mặt với rất nhiều F0 ở xung quanh để đặt mình vào vai trò của người đến đây làm việc, chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân. Cô kể, do thiếu y bác sỹ, điều dưỡng trầm trọng nên mỗi ngày làm việc không còn xác định được là mình bắt đầu làm việc từ mấy giờ và kết thúc công việc trong ngày vào giờ nào. Bởi với số lượng bệnh nhân lớn như vậy mà chỉ có 1 bác sỹ và 5 tình nguyện viên thì có khi làm việc suốt 24 tiếng cũng chưa hết việc. Vì vậy, việc nửa đêm khi chỉ vừa kịp chợp mắt đã phải bật dậy bởi có bệnh nhân trở nặng cần hỗ trợ là chuyện bình thường. Có giai đoạn hơn 1 tuần lễ, cả nhóm sinh viên tình nguyện đã phải làm việc thay cho cả bác sỹ chính của khu cách ly để chăm sóc cho 500 bệnh nhân do bác sỹ không may bị nhiễm COVID-19 phải đi điều trị. 
 
“Nỗi lo lắng lớn nhất của em không phải là mình không giúp được gì ở khu cách ly mà là mình có thể bị nhiễm bệnh. Không phải vì em sợ chết, mà vì em sợ mình đã tình nguyện đến đây để giúp người dân Bình Dương mà lại bị nhiễm bệnh thì hóa ra lại thành gánh nặng cho người khác. Chính vì vậy mà nhóm em luôn rất cẩn thận, bảo ban nhắc nhở nhau tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc bảo hộ cá nhân để không bị nhiễm bệnh. Vậy là suốt 24h mỗi ngày có khi chỉ mở khẩu trang để ăn vội bát cơm, còn ngay cả khi ngủ cũng vẫn mang khẩu trang. Nhờ vậy mà nhóm của em suốt 1 tháng làm việc tại khu cách ly, đối diện với biết bao nhiêu F0 và cả những F0 không may mắn đã mất nhưng không ai bị nhiễm bệnh” - Văn Minh chia sẻ. 
 
Giữa tâm dịch, việc đối mặt với nguy cơ dịch bệnh cận kề, tâm trạng ai cũng lo lắng là điều không tránh khỏi, nhưng khi đã vào việc thì tất cả các tình nguyện viên đều lăn xả, quên hết mệt mỏi. Và không chỉ có nhóm của Văn Minh, các tình nguyện viên khác cũng lao vào tâm dịch với tâm thế và tình cảm như vậy. Họ tình nguyện lao vào tâm dịch không vì mưu cầu gì cho bản thân mà đơn giản chỉ vì trái tim mách bảo muốn được sẻ chia với bà con lúc khó khăn vì dịch bệnh hoành hành mà y tế các địa phương thì đang quá tải. 
 
Xuống TP Hồ Chí Minh để chăm vợ bệnh, anh Đinh Đức Tâm không may bị mắc kẹt lại đây hơn 3 tháng. Ngay cả khi vợ đã khỏi bệnh, 2 vợ chồng cũng không thể quay về Đà Lạt vì TP Hồ Chí Minh đang thực hiện siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Thay vì ngồi sợ hãi và lo lắng, anh Tâm vừa làm việc online vừa kết nối cùng với nhóm bạn thiện nguyện ở TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt tổ chức những chuyến xe nông sản miễn phí chuyển rau, củ, quả Đà Lạt vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ bà con và Nhân dân trong giai đoạn khó khăn, thiếu rau xanh do ảnh hưởng của giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Trong 3 tháng bị “kẹt” lại TP Hồ Chí Minh, anh đã kết nối với 4 nhóm hoạt động thiện nguyện ở TP mang tên Bác và hàng chục thanh niên tình nguyện ở Đà Lạt tổ chức vận chuyển được hơn 60 tấn rau, củ trao tặng miễn phí hoàn toàn đến người dân khó khăn ở khắp nơi trong thành phố. Sau đó, anh cùng với một số nhóm thiện nguyện nhận được hỗ trợ của một số mạnh thường quân tiếp tục tổ chức thu mua rau củ quả giúp bà con nông dân Đà Lạt đang gặp khó khăn không bán được vì dịch bệnh để chuyển về TP Hồ Chí Minh. 
 
Và thế là ngay giữa tâm dịch, giữa những ngày TP Hồ Chí Minh vắng lặng vì giãn cách, thì mỗi ngày đều đặn, Tâm đã điều phối được các nhóm thiện nguyện ở 2 đầu TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt kết nối lại với nhau đưa được hơn 200 tấn rau, củ về cung cấp cho bà con vùng dịch.
 
Những câu chuyện của các bạn trẻ ấy giữa những ngày TP Hồ Chí Minh và Bình Dương đang phải vật lộn với dịch bệnh và khó khăn thể hiện tình cảm và cả ý chí, nghị lực của người dân Lâm Đồng dành cho bà con nơi tâm dịch và là nguồn cảm hứng về sự tương thân tương ái, về nghị lực và ý chí của không chỉ cá nhân họ, mà cả người dân Lâm Đồng đã thầm lặng đứng phía sau ủng hộ, cổ vũ. Cùng với các hoạt động cá nhân đó, thì hàng trăm chuyến xe chở theo các hàng hóa nhu yếu phẩm, rau xanh… với sự tham gia kêu gọi ủng hộ của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể và người dân cũng đã được chuyển đến người dân TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh, thành khác trên cả nước trong thời gian qua đã cho thấy tình cảm và cả trách nhiệm của chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng với đồng bào, người dân lúc khó khăn.
(CÒN NỮA)
 
NGUYỄN NGHĨA