Có bao giờ quê hương bỏ người dân (bài 2)

06:10, 27/10/2021

Giữa vòng xoáy của dịch bệnh COVID-19, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai… là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có những công dân Lâm Đồng đang sinh sống, làm việc, học tập... và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Cuối cùng hơn 3 ngàn người dân đã được tỉnh tổ chức đón về trong sự chào đón của quê nhà. Niềm vui ngày trở về không chỉ hiện rõ trên gương mặt, ánh mắt của những người con xa quê, mà cả trong sự hân hoan chào đón của lãnh đạo tỉnh và rất nhiều những người dân vốn chẳng cần biết trên những chuyến xe ấy là ai, có người thân của mình không. 

[links()]
 
Bài 2: Vỡ òa niềm vui
 
Giữa vòng xoáy của dịch bệnh COVID-19, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai… là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có những công dân Lâm Đồng đang sinh sống, làm việc, học tập... và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Cuối cùng hơn 3 ngàn người dân đã được tỉnh tổ chức đón về trong sự chào đón của quê nhà. Niềm vui ngày trở về không chỉ hiện rõ trên gương mặt, ánh mắt của những người con xa quê, mà cả trong sự hân hoan chào đón của lãnh đạo tỉnh và rất nhiều những người dân vốn chẳng cần biết trên những chuyến xe ấy là ai, có người thân của mình không. 
 
Người dân về quê chờ làm thủ tục nơi cửa ngõ Lâm Đồng
Người dân về quê chờ làm thủ tục nơi cửa ngõ Lâm Đồng
 
Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, có lẽ sự kiện được người dân Lâm Đồng quan tâm và nhắc đến nhiều nhất đó là những chuyến xe nối hàng dài của hãng xe Phương Trang dưới sự tổ chức, dẫn đường của cơ quan chức năng và lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đón công dân trở về quê trong sự chào đón của chính quyền và người dân. Hình ảnh ấy đã gây xúc động mạnh trong lòng biết bao người, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam vẫn đang diễn biến phức tạp và cả tỉnh nhà cũng đang phải gồng mình chống dịch vì xuất hiện thêm những ca F0 ở Đà Lạt, Đức Trọng và một số huyện phía Nam. Hơn 3 ngàn người dân đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và một số tỉnh miền Tây đã vỡ òa niềm vui khi được chính quyền tỉnh tổ chức đón về quê cách ly tránh dịch. Đoàn xe hơn 100 chiếc của hãng xe Phương Trang đi đón các công dân được tổ chức bài bản và chu đáo với sự hỗ trợ của lực lượng y tế, cảnh sát giao thông, các lực lượng chức năng khác của tỉnh, các địa phương đã đưa người dân về tận các địa điểm cách ly được chuẩn bị, bố trí từ trước. Có lẽ trên những chuyến xe ấy, mỗi người trở về mang theo những tâm trạng khác nhau, có người vui mừng vì được trở về quê sau thời gian dài mắc kẹt bởi dịch bệnh, có người trở về trong lo lắng vì dịch bệnh đã khiến họ mất việc làm, có người bịn rịn chia xa vùng đất đã nhiều năm gắn bó để về quê tìm sự bình an... Song tất cả đều có chung cảm xúc và suy nghĩ rằng về quê hương là về nhà, về để tìm kiếm sự an tâm, ấm áp sẻ chia ở quê nhà trong lúc dịch bệnh khó khăn. Và đó cũng chính là lý do mà tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực thu xếp tổ chức đón công dân trở về trong điều kiện chu đáo nhất có thể.
 
Việc tổ chức những chuyến bay, chuyến xe đón người dân hồi hương vì vậy mà diễn ra trong hoàn cảnh với những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Đặc biệt cả với người được đón về và những người ở quê chờ đón họ. Trên những chuyến bay, chuyến xe ấy, chắc chắn không phải ai cũng mang theo niềm vui trọn vẹn bởi ngoài tâm lý vui mừng của những người con được trở về quê để cầu mong sự bình an, còn là tâm lý lo lắng bởi dịch bệnh vẫn đang hoành hành, họ lo lắng cho sức khỏe của bản thân và cả cho người thân ở quê. Liệu họ về có gây khó cho quê hương, làng xóm, gia đình. Như hoàn cảnh của một số trường hợp vừa vui mừng vì được trở về, chưa kịp hoàn thành cách ly thì đã phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 nên phải nhập viện điều trị.
 
Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng ước tính số người Lâm Đồng rời quê về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam học tập, làm việc trong thời gian trước dịch bệnh khá đông. Trút bỏ nỗi nhớ nhà, sự lo lắng sau những ngày sống trong hồi hộp và âu lo ở TP Hồ Chí Minh khi thành phố này đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh, vợ chồng anh Tâm đã được đón về nhà bình an và hiện đang tận hưởng không khí thoáng đãng giữa sắc thu Đà Lạt, bên những người thân yêu. Chia sẻ về những ngày sống ở TP Hồ Chí Minh, anh Tâm cho biết đó là những ngày tháng khá nặng nề và nhiều âu lo bởi dịch bệnh và số người tử vong vì COVID-19 khá lớn. Cả thành phố tràn ngập những hình ảnh đau thương vì dịch bệnh. Khao khát lớn nhất của vợ chồng anh lúc đó là được trở về quê, để có được cảm giác yên tâm hơn bên những người thân. “Bản thân tôi sống trong những ngày tháng khó khăn ở nơi dịch bệnh nên tôi chia sẻ và cảm thông với quê nhà. Vợ chồng tôi rất cám ơn nhà xe Phương Trang, các cấp chính quyền và người dân đã dang tay, hỗ trợ đưa những hoàn cảnh như chúng tôi về quê an toàn và chu đáo”.
 
Những chuyến xe nghĩa tình chở nông sản tặng người dân vùng dịch
Những chuyến xe nghĩa tình chở nông sản tặng người dân vùng dịch
 
“Tuy nhiên, bên cạnh những nhóm người may mắn thuộc đối tượng được tỉnh tổ chức đón về trong sự chu đáo; còn có những nhóm người đã “vượt chốt” tự phát trở về trong lo âu. Họ có lẽ đã phải trốn chạy khỏi nơi họ đang sống, làm việc trong sự sợ hãi và trở về lại với tâm lý nặng nề không kém, tâm lý của những người như “mang tội”. Nhưng họ vẫn về vì trong hoàn cảnh ấy, nhà là nơi họ tìm được sự chia sẻ và yêu thương. Thấu hiểu điều này, tại các chốt kiểm dịch cửa ngõ thành phố, tỉnh cũng đã bố trí lực lượng chức năng tổ chức hỗ trợ ăn uống, lập các lán trại tạm thời để xét nghiệm sàng lọc và tổ chức đưa về từng địa phương theo dõi y tế. Nhiều người cho biết, do phải ở những khu nhà trọ nhỏ hẹp ở nơi đất khách quê người để lao động mưu sinh nên họ không thể chờ mà đành liều mình để về bằng xe gắn máy. 
 
Ai cũng biết rằng, tất cả chúng ta rời quê hương ra đi là để mưu sinh và tìm kiếm hạnh phúc và cũng vì lý do đó nên chẳng khó để lý giải mong muốn của những người con xa quê khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Ai ở trong hoàn cảnh ấy có lẽ cũng muốn được về nhà để nương tựa cha mẹ, tìm kiếm sự chở che. Trong tâm thức người Việt, quê hương luôn được ví như người mẹ, lúc nào cũng muốn dang tay, chở che. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, đằng sau câu chuyện người dân đổ về quê tự phát cũng đặt ra nhiều vấn đề trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 và các tỉnh đang nỗ lực kiểm soát không để dịch lây lan. Ở phương diện của những người quản lý, cũng phải chia sẻ và cảm thông bởi các quyết định của các nhà quản lý cần phải có cái nhìn toàn cảnh và mang tính vĩ mô, vì sẽ ảnh hưởng đến không chỉ cuộc sống của số những người xa quê mà còn tác động đến nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội của cả tỉnh và phải chịu trách nhiệm với khoảng 1,5 triệu người dân Lâm Đồng. Cũng đã có rất nhiều kế hoạch, sự cân nhắc đã được các cấp lãnh đạo tỉnh đưa ra bàn thảo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng họp bàn và phê duyệt, chỉ đạo UBND tỉnh và các cấp ngành liên quan quan tâm chăm lo, tổ chức đón người dân trở về chu đáo, an toàn ngay từ những ngày đầu tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam. Bởi hình ảnh những người dân nhắn nhủ kêu gọi mong muốn được về quê, hay hình ảnh những chuyến xe máy của những nhóm người tự phát bất chấp hiểm nguy vượt mấy trăm cây số để trở có lẽ đã khiến những người sắt đá nhất cũng phải thổn thức vì thương cảm và trăn trở, nghĩ suy.
 
NGUYỄN NGHĨA