Di Linh: Mưa lũ gây ngập lụt

12:10, 18/10/2021

(LĐ online) - Những ngày qua, mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã khiến mặt nước ở các sông, suối dâng cao gây ngập lụt cục bộ một số nhà dân và diện tích cây trồng tại xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh)...

(LĐ online) - Những ngày qua, mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã khiến mặt nước ở các sông, suối dâng cao gây ngập lụt cục bộ một số nhà dân và diện tích cây trồng tại xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh). Ngoài yếu tố thiên tai, nguyên nhân gây ngập lụt nặng nề còn do một số hộ dân tự ý san lấp, đổ đất lấn chiếm làm thu hẹp dòng chảy của suối cũng như làm chắn mương thoát nước.
 
Nước lũ ứ đọng nhiều ngày ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của một số bà con Thôn 2A
Nước lũ ứ đọng nhiều ngày ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của một số bà con Thôn 2A
 
Do ảnh hưởng của các cơn bão số 7 và số 8, nên trong những ngày đầu tháng 10 đã liên tục xảy ra nhiều trận mưa lớn khiến cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đinh Trang Hòa gặp khó khăn. Theo phản ánh của ông K’Pếu ở Thôn 3, đầu tháng 10, trên địa bàn xã đã xảy ra trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ, khiến nước suối Đạ R’Nớ dâng cao gây nên tình trạng ngập lụt cục bộ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 8 hộ dân ở các Thôn 3 và Thôn 4. 
 
Mưa lớn còn khiến hơn 3,2 ha cà phê thuộc Thôn 3, Thôn 4, 2,4 ha lúa nước và hoa màu bị ngập úng sâu trong nước. Theo bà con trong vùng, tình trạng này mới xảy ra khoảng 3 năm nay nhưng mức độ bị ảnh hưởng càng nghiêm trọng hơn. Một trong những nguyên nhân là do ý thức của một số hộ dân sống và canh tác ven suối đã tự ý san lấp, đổ đất chiếm dần lòng suối, làm cho dòng chảy suối Đạ R’Nớ đã bị thu hẹp, bồi lắng, nên mỗi khi trời mưa lớn gây nên hiện tượng bị ngập lụt cục bộ. 
 
Thôn 2A nằm cạnh Quốc lộ 20, gần trụ sở UBND xã Đinh Trang Hòa dù không phải là vùng trũng nhưng mỗi khi trời mưa lớn, nước lũ thường dồn về tạo thành các “ao” nước, một số đoạn đường nội thôn cũng bị ngập nước, nhiều giếng nước sinh hoạt bị ảnh hưởng…, gây khó khăn trong việc sinh hoạt, đi lại của người dân cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường. Bà Nguyễn Thị Biên (84 tuổi, gia đình neo đơn ở Thôn 2A) cho biết: “Tôi đã sống ở đây được 50 năm. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đây là lần thứ 3 tôi sống trong cảnh nhà bị ngập nước và có lần tôi phải qua nhà người quen ở Thôn 4 để ngủ nhờ. Đã 3 tuần nay tôi sống trong cảnh nhà bị ngập lụt. Để ngăn nước lũ tràn vào, tôi đã nhờ người gia cố nhà cửa, làm đê bao và làm lối đi trong nhà để tiện sinh hoạt”.
 
Còn theo ông K’Brong người dân cùng Thôn 2A, tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân là do một số hộ dân đã tự ý lấp mương thoát nước để ngăn chặn không cho nước thoát. Bên cạnh đó, hầu hết các tuyến đường trong thôn cũng không có đường mương thoát nước, nên mỗi khi mưa lớn thường xuyên bị ngập làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gần 20 hộ dân.
 
Mưa lớn trong những ngày qua không những làm ngập úng cục bộ một số diện tích lúa Hè - Thu, cà phê của bà con, mà còn xảy ra sạt lở các điểm và một số tuyến đường vào khu sản xuất. Hơn 2 tuần nay, gia đình ông K’Brès ở Thôn 3 là hộ thuộc diện nghèo của xã vẫn sống trong cảnh lo lắng, bởi mưa lớn đã làm sạt lở diện tích đất sản xuất của gia đình. “Gia đình tôi chỉ có 5 sào đất sản xuất, cà phê cũng sắp đến kỳ thu hoạch nhưng không may trong vài ngày mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở hoàn toàn đất canh tác, giờ gia đình tôi chỉ còn lại 2 bàn tay trắng…” - ông K’Brès bày tỏ. 
 
Theo ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Hòa, mưa lớn kéo dài liên tục đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân trong xã. Lượng mưa lớn nên một số diện tích sản xuất lúa, cây trồng ở các vùng trũng không có chỗ thoát nước đã bị ngập úng cục bộ. Hiện, UBND huyện đã có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, khắc phục tình trạng này. Còn tại Thôn 2A, trước đây, xã cũng đã huy động lực lượng dân quân và bà con nạo vét, khơi thông mương thoát nước chạy qua nhà vài hộ dân. Do một số hộ dân thiếu ý thức và đã tự ý lấp, chắn con mương không cho nước thoát nên mỗi khi mưa lớn nước lũ bị ứ đọng gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con.
 
NDONG BRỪM