Với tỷ lệ hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 63%, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên khó khăn phát triển kinh tế...
Với tỷ lệ hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 63%, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên khó khăn phát triển kinh tế. Qua đó, vận động được đông đảo phụ nữ DTTS tham gia vào tổ chức Hội.
Sản phẩm khoai lang dẻo của phụ nữ DTTS xã Tà Nung tham gia gian trưng bày sản phẩm tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Lạt lần thứ III năm 2019 |
•
CÁC MÔ HÌNH HỖ TRỢ HỘI VIÊN DTTS PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Được thành lập năm 2018, đến nay, mô hình “Tổ liên kết khoai lang dẻo” của Chi hội Phụ nữ Thôn 3, xã Tà Nung đang phát huy hiệu quả khi hỗ trợ thu mua khoai lang của bà con đồng bào DTTS trên địa bàn xã. Không những vậy, sản phẩm khoai lang dẻo đang dần khẳng định được uy tín và chất lượng của khoai lang mật đặc trưng vùng đất dưới chân đèo Tà Nung.
Với 10 thành viên đều là các chị đồng bào DTTS, Tổ đã tạo việc làm thường xuyên ổn định cho từ 5 lao động trở lên với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng/người. “Tổ thành lập để hỗ trợ tiêu thụ khoai lang cho bà con trong xã, tránh tình trạng bị thương lái ép giá như trước đây. Sau khi thu mua, tổ chúng tôi chế biến sản phẩm khoai lang dẻo với màu sắc đặc trưng của khoai lang mật Tà Nung có vị ngọt tự nhiên, không phẩm màu”, chị Da Cát K’Jan - Tổ trưởng “Tổ liên kết khoai lang dẻo” cho biết.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Sương - Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Nung cho hay, từ khi mô hình “Tổ liên kết khoai lang dẻo” được thành lập, khoai lang của bà con trong xã đều được thu mua với giá ổn định. Do đó, đời sống của người dân nơi đây ngày càng được cải thiện. Hội cũng đã hỗ trợ chị K’Jan tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp để sản phẩm được nhiều người biết đến. Sản phẩm khoai lang dẻo của Tổ làm tới đâu hết tới đó và đã được chứng nhận VietGAP.
Cùng với “Tổ liên kết khoai lang dẻo”, Hội LHPN Tà Nung đã phát động xây dựng mô hình “Phụ nữ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” có 54 thành viên, huy động được số tiền trên 88 triệu đồng để giúp cho 17 chị, trong đó có 7 chị là đồng bào DTTS. Hội cũng đã hỗ trợ cho hội viên phụ nữ DTTS có hoàn cảnh khó khăn giống bơ ghép 034 để phát triển kinh tế khi trồng xen trong vườn cà phê. Cùng với đó là mô hình “Phụ nữ tiết kiệm tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế - vì sức khỏe gia đình” đã hỗ trợ 35 thẻ cho các chị có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh hiểm nghèo với số tiền trên 18 triệu đồng. Đồng thời, ra mắt và duy trì mô hình “Chi hội phụ nữ kiểu mẫu” tại 6/6 thôn trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
“Điều trăn trở lớn nhất của Ban Chấp hành Hội LHPN xã Tà Nung là việc vận động phụ nữ DTTS tham gia vào công tác Hội. Bởi đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên chị em phụ nữ DTTS chưa tích cực tham gia. Bởi vậy, cùng với sự hướng dẫn của Hội Phụ nữ cấp trên, sự lãnh đạo của Đảng ủy và sự tạo điều kiện của UBND xã, Hội LHPN xã đã không ngừng nỗ lực chăm lo cải thiện đời sống hội viên phụ nữ DTTS”, chị Sương chia sẻ.
•
VẬN ĐỘNG PHỤ NỮ DTTS THAM GIA CÔNG TÁC HỘI
Không chỉ quan tâm đời sống vật chất, mà đời sống tinh thần của phụ nữ DTTS cũng được quan tâm để chị em có cơ hội tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội của địa phương. Hội LHPN xã Tà Nung đã duy trì Câu lạc bộ “Tiếng hát Tây Nguyên” với 15 thành viên đều là phụ nữ DTTS.
Đồng thời, để chị em DTTS yên tâm khi tham gia công tác Hội và phong trào phụ nữ, bên cạnh chăm lo cải thiện đời sống hội viên phụ nữ DTTS, Hội LHPN xã Tà Nung đã có các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với đặc điểm của từng thôn và phong tục tập quán của đồng bào DTTS nơi đây. Thông qua phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ không thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết”... đã dần thay đổi nhận thức của chị em trong tiếp cận cái mới, tiến bộ.
“Đến nay, toàn xã Tà Nung có 556 chị là hội viên phụ nữ thường xuyên tham gia sinh hoạt, trong đó, 350 chị là đồng bào DTTS bản địa, chiếm 63%. Nếu như năm 2016, toàn xã có 20 hộ nghèo do phụ nữ DTTS làm chủ thì hiện nay không còn hộ nghèo. Hội viên phụ nữ DTTS đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, giúp chủ trương lấy văn hóa làm nền tảng xây dựng nông thôn mới được thực hiện thuận lợi, góp phần vào phát triển đề án du lịch của xã trong thời gian sắp đến”, chị Sương cho biết thêm.
TUẤN HƯƠNG