Hợp tác xã nông nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19

06:10, 06/10/2021

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Để tăng sức chống chịu và giảm thiệt hại cho các HTX rất cần sự hỗ trợ về chính sách, gói hỗ trợ kinh tế… nhằm giúp các HTX trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn.
 
Nhiều nông sản của các HTX không thể tiêu thụ được do đại dịch COVID-19 bùng phát
Nhiều nông sản của các HTX không thể tiêu thụ được do đại dịch COVID-19 bùng phát
 
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 335 HTX nông nghiệp với khoảng 8.209 thành viên (tăng 90 thành viên so với năm 2020).
 
Dịch bệnh COVID-19 lan rộng đã tác động lớn đến nền kinh tế, trong đó có các hoạt động tiêu thụ nông sản của các HTX trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Qua rà soát cho thấy sản lượng nông sản tiêu thụ từ khi bùng phát dịch COVID-19 đã giảm khoảng 30-45% so với trước; một số cây trồng đã đến vụ thu hoạch nhưng không có thị trường tiêu thụ nên phải tiêu hủy tại đồng ruộng.
 
Ghi nhận tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phú, ông Lê Văn Ba, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, trước đây toàn bộ diện tích 60 ha liên kết nông dân trồng rau, củ, quả khi tiêu thụ các thị trường đều đã có kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 này gây ảnh hưởng nặng nề đối với các thị trường vốn ổn định của HTX ở các tỉnh thành phía Nam khi họ thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Toàn bộ hệ thống nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn bị đóng băng, lượng tiêu thụ chỉ còn 40%. Ðể không bị rơi vào cảnh trắng tay do dịch Covid-19, HTX đã quyết định vẫn duy trì sản xuất, đồng thời chuyển toàn bộ diện tích theo hướng “giãn cách” các loại sản phẩm để không xảy ra tình trạng “khủng hoảng thừa”, đợi thị trường phục hồi. 
 
Cũng theo ông Ba, khâu vận chuyển, thông quan hàng hóa cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tình hình hoạt động của các HTX, dịch bệnh khiến việc vận chuyển nông sản phải mất nhiều thời gian hơn so với trước đây do các yêu cầu kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc hạn chế giao thông đi lại, tắc nghẽn trong vận chuyển gây khó khăn cho việc mua bán sản phẩm kịp thời, dẫn đến nhiều loại nông sản bị hư hỏng hoặc phát sinh chi phí để sơ chế bảo quản, giá vật tư, phân bón tăng cao thời gian gần đây… làm cho nông dân cũng thận trọng hơn trong việc ra quyết định đầu tư vụ mới. Kết quả là sản lượng, chất lượng, thu nhập của nông dân và HTX bị giảm. Ðây cũng là khó khăn chung của nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do nguồn vốn, quy mô sản xuất nhỏ, chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản còn thiếu bền vững, vì vậy khi gặp đại dịch đã bộc lộ nhiều hạn chế. 
 
Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch COVID-19 đã khiến cho những chính sách hỗ trợ HTX bao gồm: các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, tuần hàng nông sản, chính sách về tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX… đều không thể thực hiện được. Ðây không chỉ là khó khăn trước mắt mà còn là “phép thử” cho các HTX nông nghiệp trong duy trì hoạt động sản xuất khi đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp.
 
Ông Phạm Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, đại dịch có thể sẽ làm cho các HTX nông nghiệp đối mặt với nguy cơ dừng sản xuất do gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ, phương tiện vận chuyển, xét nghiệm, chi phí lao động, chi phí nhân công… Ðể hỗ trợ các HTX nông nghiệp, Sở Nông nghiệp đã phối hợp với các sở, địa phương, nắm bắt tình hình sản xuất, hoạt động của các HTX, kịp thời triển khai áp dụng các giải pháp tháo gỡ, không để đứt gãy sản xuất. Qua đó, Sở Nông nghiệp cũng đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ cho lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025: Đối với các HTX đang vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất kinh doanh, đề nghị ngân hàng gia hạn thời gian cho vay và giảm lãi suất, có chính sách ưu đãi về tín dụng để các hợp tác xã có nguồn vốn phục vụ hoạt động; tăng cường hỗ trợ, đầu tư kinh phí để HTX mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất và chế biến sau thu hoạch; xây dựng cơ sở hạ tầng nhà xưởng, kho lạnh, đường giao thông nội đồng…
 
Thực hiện quyết liệt, kịp thời hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.Đồng thời, hướng dẫn HTX tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Shoppe, Tiki, SANOCOP… để giúp cho các HTX nông nghiệp đứng vững trong đại dịch COVID-19 bùng phát.
 
HOÀNG YÊN