Mũi tên công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch (Bài 2)

05:10, 04/10/2021

Trong "cuộc chiến" chống COVID-19, tin giả (fake news) cũng là một vấn nạn nổi cộm, nhức nhối và cần được xử lý kịp thời...

[links()]
Bài 2: Vắc xin hữu hiệu chống “biến chủng” tin giả
 
Trong “cuộc chiến” chống COVID-19, tin giả (fake news) cũng là một vấn nạn nổi cộm, nhức nhối và cần được xử lý kịp thời. Không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng xã hội, tin giả liên quan đến dịch COVID-19 còn tạo ra nhiều tác động tiêu cực ở những mức độ khác nhau đối với công tác phòng, chống dịch. Do đó, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả đang là yêu cầu mang tính cấp thiết, nâng cao ý thức trách nhiệm, sự tỉnh táo của mỗi người dân cũng được xem là “liều vắc xin” hữu hiệu trong phòng, chống “biến chủng virus tin giả” lúc này.
 
Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt một trường hợp đưa tin không đúng sự thật
Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt một trường hợp đưa tin không đúng sự thật
 
•  TIN GIẢ NHƯNG HẬU QUẢ THẬT
 
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là các mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube... đã trở thành nơi tin giả xuất hiện và lan truyền. Tin giả nói chung, tin giả liên quan đến dịch COVID-19 nói riêng đang trở thành một thực trạng đáng báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội; hạn chế hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch của các địa phương và các lực lượng chức năng. Trong khi cuộc chiến chống COVID -19 diễn ra quyết liệt trên cả nước thì mạng xã hội xuất hiện hàng loạt “chuyên gia dịch tễ online”, “bác sĩ online”, “chuyên gia y tế” với những bài thuốc, những hướng dẫn chữa COVID -19 phản khoa học, hoặc chia sẻ thông tin về bệnh nhân, ca bệnh vừa xuất hiện.
 
Vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp Công an TP Bảo Lộc triệu tập, làm việc với ông T.V.N (sinh năm 1989, địa chỉ: Phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc; quản trị trang fanpage và nhóm “Người Lâm Đồng”) có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương, khiến nhiều người hiểu sai lệch thông tin, cho rằng xuất hiện “cò cách ly y tế ở Lâm Đồng”, gây bức xúc trong dư luận. Quá trình làm việc với cơ quan công an, ông T.V.N đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Ngày 9/8/2021, Công an tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T.V.N với mức phạt 7.500.000 đồng. 
 
Đó là một trong nhiều vụ việc đưa thông tin không đúng trên mạng xã hội mà tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và xử phạt, tin giả nhưng hậu quả là rất thật. Theo bà Nguyễn Thúy Hằng - Chánh Thanh tra, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Lâm Đồng: Trong 8 tháng đầu năm 2021, Sở thực hiện 22 cuộc kiểm tra chuyên ngành đối với 510 chủ thể trong các lĩnh vực Internet, in và phát hành, tần số, thông tin điện tử, phát hiện 508 chủ thể vi phạm, ra quyết định xử lý vi phạm 58 chủ thể với tổng số tiền xử phạt trên 598 triệu đồng, chuyển cơ quan có thẩm quyền (Công an tỉnh, Sở TTTT các tỉnh, thành phố khác) 31 chủ thể, cảnh cáo 411 chủ thể (vi phạm quy định về đăng tải thông tin cá nhân người đi cách ly phòng, chống dịch COVID-19), trong đó nổi bật là xử lý vi phạm trên không gian mạng với 470 chủ thể vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 48 chủ thể với số tiền 535 triệu đồng. Các thông tin lan truyền về thông tin bệnh nhân, thông tin sai sự thật là các vấn đề diễn ra nhiều nhất và đã được sở “tuýt còi” xử phạt nghiêm theo quy định.
 
 
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...
 
Đồng thời, Bộ Luật Hình sự năm 2015 có quy định trường hợp người có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc gây dư luận xấu sẽ bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm.
 
 
•  TẠO “VÙNG XANH” KHÔNG GIAN MẠNG BẰNG QUY TẮC 5K
 
Tin giả được xác định có hai dạng thức. Loại thứ nhất là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó. Loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó.
 
Ông Vương Tôn Kiên - Phó Giám đốc Sở TTTT cho rằng: Các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội cần cập nhật thông tin liên tục, kịp thời, chính xác từ nguồn tin chính thống của ngành Y tế, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn; chấn chỉnh tình trạng thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, đăng tải những hình ảnh, nội dung không phù hợp, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí; chủ động phát hiện và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên các phương tiện, không gian truyền thông.
 
Thiết lập “vùng xanh” trên không gian mạng cũng là vấn đề cấp thiết không kém “vùng xanh” trong cộng đồng. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tin giả trên mạng xã hội, thiết lập một “vùng xanh” trên không gian mạng là vấn đề cần sự chung tay, tích cực tham gia của toàn xã hội. Để góp phần phòng tránh được các thông tin sai sự thật, tin giả, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần áp dụng quy tắc 5K, đó là: Không tin ngay - Không vội nhấn nút thích - Không thêm thắt - Không kích động - Không vội chia sẻ.
 
Chủ động triển khai từ xa, từ sớm các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, chỉ đạo, hướng dẫn, trao đổi công an các địa phương đấu tranh, xử lý theo quy định pháp luật và răn đe nhiều trường hợp đăng tải, tán phát thông tin xấu, độc, sai sự thật liên quan dịch bệnh. Cương quyết không để tin giả phá hoại nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị. Pháp luật quy định rất cụ thể về hình thức xử lý đối với các hành vi tung tin giả, sai sự thật và tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả gây ra có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Cùng với 5K trong phòng, chống COVID-19, người dùng mạng xã hội nên thực hiện nghiêm 5K trong phòng, chống tin giả và hơn hết, ý thức trách nhiệm, sự tỉnh táo của mỗi người sẽ là vắc xin hữu hiệu nhất trong phòng, chống “biến chủng virus” tin giả lúc này.
 
Bên cạnh những tồn tại tiêu cực, thì mạng xã hội - dù trong nhiều trường hợp không phải là một kênh thông tin tuyên truyền chính thống, nhưng vẫn giúp lan tỏa thông tin về phòng, chống dịch, góp phần quan trọng đang cùng với nhiều phương tiện thông tin đại chúng trở thành kênh khá hữu hiệu trong việc truyền tải thông tin nhanh chóng. Với ưu thế là cập nhật nhanh chóng diễn biến dịch bệnh, vì thế, những thông tin về dịch bệnh đến được với mọi người nhanh hơn, rộng rãi hơn; mọi người kết nối, liên kết với nhau nhiều hơn. Từ đó, những câu chuyện đẹp, những hình ảnh cảm động đã được truyền đi nhanh hơn, giúp mọi người vững tin hơn vào sự tử tế của đại bộ phận trong xã hội.
 
DIỄM THƯƠNG