Truyền thông, báo chí bất kì thời đại nào cũng đóng vai trò quan trọng, mang tính định hướng thông tin, dư luận xã hội, tác động lớn đến nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng, đặc biệt trước bối cảnh đại dịch COVID-19 với diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay...
[links()]
Bài cuối: “Binh chủng thông tin” trên mặt trận chống dịch COVID-19
Truyền thông, báo chí bất kì thời đại nào cũng đóng vai trò quan trọng, mang tính định hướng thông tin, dư luận xã hội, tác động lớn đến nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng, đặc biệt trước bối cảnh đại dịch COVID-19 với diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay. Thông tin truyền thông vẫn luôn giữ vai trò như mũi tên tổng lực trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19, mà ở đó mỗi cơ quan báo chí, mỗi phóng viên như một chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng phòng, chống dịch bệnh.
Bà Nguyễn Ngọc Huyền Trang - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ đọc bản tin trên hệ thống loa phát thanh toàn thị trấn |
Sức mạnh truyền thông, báo chí được lan tỏa rộng rãi, trở thành “vắc-xin tư tưởng, tinh thần” góp phần quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch.
•
CÁNH TAY NỐI DÀI TỪ HỆ THỐNG THÔNG TIN CƠ SỞ
Các hình thức tuyên truyền sinh động, linh hoạt, từ loa phát thanh đến các bản tin trên báo, đài và các trang Facebook của UBND các huyện, thành phố trên toàn tỉnh… đã giúp người dân toàn tỉnh nắm bắt đầy đủ, kịp thời về mức độ nguy hiểm, cũng như cách phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời nâng cao ý thức tự phòng bệnh, không hoang mang, nhưng cũng không chủ quan.
Đều đặn mỗi ngày 2 khung giờ (5h đến 6h30 và 17h đến 18h30), ở các phường, xã, thị trấn trên toàn tỉnh đều dùng loa truyền thanh phát thông tin cập nhật tình hình lây nhiễm COVID-19 trong nước, địa bàn tỉnh cũng như các biện pháp phòng, chống dịch... Nhờ được tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa phát thanh, loa di động, nên ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân được nâng lên rõ rệt. Qua đó, góp phần lan tỏa thông tin, tuyên truyền, cổ động, nâng cao tinh thần chống dịch của các ngành chức năng, ý thức tự giác phòng tránh dịch bệnh của người dân.
Tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương - nơi đã 2 lần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ thì hệ thống loa phát thanh phát huy vai trò hơn bao giờ hết. Hiện toàn thị trấn có tổng cộng 50 loa phóng thanh, bố trí tại 25 địa điểm, mỗi ngày có 2 chương trình phát thanh: buổi sáng từ 5h - 6h30, còn buổi chiều từ 17h - 18h30. Trong các buổi phát này, hệ thống truyền thanh không dây của thị trấn sẽ tiếp âm chương trình thời sự trên sóng phát thanh, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng, Đài Tiếng nói Việt Nam, bên cạnh đó là các chương trình tin tức thời sự địa phương; các chuyên mục phản ánh về tình hình sản xuất; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nêu gương người tốt, việc tốt... Đặc biệt, trong những ngày thị trấn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thì hệ thống truyền thanh với vai trò và chức năng đặc thù đã trở thành công cụ đắc lực, góp phần tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền thị trấn trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch, cũng như phát huy tác dụng trong công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân, định hướng dư luận, phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Bà Nguyễn Ngọc Huyền Trang - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ cho biết: Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, hệ thống truyền thanh cơ sở như cầu nối để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Vai trò và tầm quan trọng của hệ thống này lại càng được phát huy, nhất là trong việc thông báo các sự cố, tình huống khẩn cấp như thiên tai, bão lụt, phòng, chống dịch bệnh COVID -19. Và cho đến thời điểm hiện tại thì hệ thống loa truyền thanh này có thể “phủ sóng” đến với trên 80% dân số toàn thị trấn. Giữa đại dịch, những chiếc loa phát thanh đã tiếp tục sứ mệnh truyền tin đến từng ngõ xóm, từng khu vực dân cư.
•
CHỦ ĐỘNG THÔNG TIN ĐẦY ĐỦ, MINH BẠCH, ĐỒNG LOẠT
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn 2769/BTTTT-CBC để chỉ đạo tăng cường kỷ luật truyền thông trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các cơ quan báo chí phải chú trọng thông tin, tăng cường tuyên truyền về mục tiêu phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; tăng liều lượng, tần suất thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch, về cách phòng tránh và các biện pháp phòng, chống lây chéo trong cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là trên hết.
Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng nhận xét: Tại Lâm Đồng, các đợt dịch vừa qua, nhiều cơ quan báo chí cũng đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền. Sự xuất hiện các ca F0, hàng chục cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn đã đồng loạt đưa tin, dẫn các cảnh báo, công điện của tỉnh để Nhân dân thêm nhiều kênh tiếp cận thông tin. Đặc biệt, các cơ quan báo chí của tỉnh như Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực, phát huy được vai trò của mình trong đồng hành phòng, chống dịch bệnh. Suốt những đợt dịch gần đây, Báo Lâm Đồng đã dành nhiều thời lượng để tuyên truyền các vấn đề liên quan đến dịch bệnh. Mỗi đợt cao điểm dịch bệnh, Ban Biên tập Báo Lâm Đồng đã thành lập nhóm phóng viên phản ứng nhanh, sẵn sàng “tác chiến”, mở thêm chuyên mục để tuyên truyền thành các tuyến bài dài trên các ấn phẩm của mình để tuyên truyền về COVID-19. Tương tự, Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng cũng đã trở thành kênh thông tin hữu ích đồng hành cùng người dân trong tỉnh phòng, chống dịch bệnh...
Báo chí đã thể hiện sự định hướng rất tích cực trong suốt cuộc chiến chống dịch COVID-19, đó là, kịp thời phản ánh các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch, thể hiện sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, nhất quán và hiệu quả về công tác này, giúp người dân yên tâm và tin tưởng về hoạt động phòng, chống dịch. Báo chí cũng kịp thời phê phán những biểu hiện thiếu lành mạnh trong công tác phòng, chống dịch, việc thông tin sai trái liên quan đến dịch bệnh... Đồng thời, thông tin nhanh về các hoạt động hỗ trợ người dân trong đại dịch, điểm phát quà cho người nghèo, thủ tục nhận hỗ trợ theo các gói hỗ trợ của Chính phủ và địa phương. Ngoài ra, báo chí còn kịp thời phản ánh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ người dân, như các y bác sĩ, lực lượng vũ trang, cán bộ tuyến đầu chống dịch … Việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, báo chí đã tích cực thông tin, nêu những mô hình tốt trong phát triển kinh tế, xã hội; cải thiện môi trường kinh doanh, giải ngân đầu tư công, đề xuất các giải pháp hay, giới thiệu các mô hình sáng tạo... nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy sau dịch.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, xác định thông tin tuyên truyền chiếm vị trí quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, lực lượng báo chí - truyền thông của tỉnh đã đồng loạt vào cuộc tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch. Những thông tin chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh; tình hình dịch bệnh hằng ngày; những khuyến cáo phòng, chống dịch; những hình ảnh lay động trái tim về sự hy sinh vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch; sự ủng hộ, chung tay phòng, chống dịch của Nhân dân… được các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh truyền tải kịp thời, thường xuyên đến với công chúng. Qua đó, nâng cao trách nhiệm, ý thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch COVID-19, cùng với các lực lượng chức năng kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn tỉnh
• PHÁT HUY HIỆU QUẢ TRUYỀN THÔNG TRONG TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH
Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. Dù lựa chọn tuyên truyền bằng cách thức nào, các đơn vị, địa phương của Lâm Đồng vẫn hướng đến mục tiêu chung là đưa thông tin chính xác nhất, kịp thời nhất đến người dân. Qua đó, tạo sự ủng hộ của toàn xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
Để tác nghiệp trong tình hình hiện nay, mỗi cơ quan báo chí địa phương đã triển khai phương án cụ thể đối với lực lượng phóng viên cơ quan, đơn vị mình, tạo mọi điều kiện để lực lượng làm báo thực hiện nhiệm vụ. Trọng yếu đảm bảo sức khỏe cho từng cá nhân vì mỗi người là một “mắt xích” trong hoạt động thông tin, tuyên truyền và từng cá nhân đều ý thức điều đó, luôn có sự cẩn trọng trong tác nghiệp nhưng vẫn đảm bảo thông tin, tuyên truyền kịp thời, góp phần cùng với tỉnh trong phòng, chống dịch COVID-19.
Và như lời của Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Hiệp đã nhấn mạnh: Cả hệ thống chính trị của tỉnh đang nỗ lực thực hiện các biện pháp quan trọng theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Thời gian qua, báo chí trong và ngoài tỉnh đã góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch, khơi dậy tinh thần yêu nước, vượt khó, củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận, chia sẻ của Nhân dân. Nhiều bài báo trở thành tài liệu tuyên truyền cho hệ thống truyền thông của tỉnh, phát thanh của địa phương, có những bài viết gây xúc động mạnh về lực lượng tuyến đầu chống dịch, những tâm tư tình cảm của người cách ly tập trung, sự hỗ trợ chăm sóc chu đáo, tận tình của đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ.
Trong thời gian tiếp theo, cần tăng cường hơn nữa trong việc đưa các thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, tuyên truyền việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh trong bối cảnh thông tin đa chiều hiện nay để định hướng thông tin, tạo sự đồng thuận xã hội, giúp Nhân dân nắm bắt kịp thời, nêu cao cảnh giác, tích cực chung tay cùng toàn tỉnh và cả nước chiến thắng đại dịch.
DIỄM THƯƠNG