(LĐ online) - Sáng 25/10, UBND tỉnh Lâm Đồng có công điện hoả tốc gửi các đơn vị, địa phương về triển khai sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên địa bàn tỉnh.
(LĐ online) - Sáng 25/10, UBND tỉnh Lâm Đồng có công điện hoả tốc gửi các đơn vị, địa phương về triển khai sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên địa bàn tỉnh.
|
Mưa lớn làm ngập hoa màu trên địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng tháng 7/2021 |
Theo dự báo của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, hiện nay trên Biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10 nên trong những ngày tới khu vực tỉnh Lâm Đồng sè gây ra mưa vừa nhiều nơi, rải rác mưa to đến rất to.
Để chủ động ứng phó với thiên tai (nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về hoa màu, tài sản và bảo vệ an toàn tính mạng của Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố khẩn trương tập trung thực hiện các nội dung sau:
Tiếp tục và khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Công điện số 6345/CĐ-UBND ngày 07/9/2021 về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và số 6970/CĐ-UBND ngày 30/9/2021 về việc khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Phường 7, TP Đà Lạt và không để xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng về sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
Theo dõi chặt chẽ các bản tin áp thấp nhiệt đới, bão; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ trong thời điểm thiên tai xảy ra; kịp thời chỉ đạo, chủ động triển khai công tác ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” và phải đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai và dịch bệnh Covid-19. Sẵn sàng phương án ứng phó với mưa bão; kịp thời sơ tán người dân ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; xây dựng phương án khơi thông dòng sông, suối, mương thoát nước trên địa bàn (nhất là các địa phương: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên), cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các khu vực nguy hiểm nếu trên nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về hoa màu, tài sản và bảo vệ an toàn tính mạng của Nhân dân. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.
Sở Giao thông Vận tải, Chi cục Quản lý đường bộ IV.1, UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, kịp thời xử lý các sự cố sạt lở đất, ngập lụt, cây ngã đổ trên các tuyến đường giao thông, nhất là ở các tuyến đường đèo, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương chỉ đạo công tác vận hành đảm bảo an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo lực lượng công an, cảnh sát, quân sự tại địa phương bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng phối hợp với chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cứu nạn, cứu hộ, tham gia khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra và đưa người dân đến nơi an toàn.
Sau khi kết thúc mưa lũ, khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, tập trung vào một số nội dung: Xử lý kịp thời các tuyến đường giao thông, công trình hồ đập thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; hỗ trợ người dân từ nơi sơ tán trở về nhà; vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh...; thống kê thiệt hại và hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Giao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức theo dõi, nắm chắc mọi tình hình, diễn biến của thiên tai, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thế ứng phó với thiên tai gây ra; khi có sự cố bất thường về mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra, phải báo cáo ngày với lãnh đạo UBND tỉnh đế chi đạo, huy động các lực lượng hỗ trợ, ứng cứu kịp thời.
C.THÀNH