Một khu vườn chuẩn "đa canh" với nhiều loại cây trái xen kẽ, tạo tầng cao, tầng thấp, che bóng rợp mát hai mùa...
Một khu vườn chuẩn “đa canh” với nhiều loại cây trái xen kẽ, tạo tầng cao, tầng thấp, che bóng rợp mát hai mùa. Đồng thời, từ khu vườn đa tầng tán ấy, một người nông dân thu được hàng trăm triệu đồng/năm với phương pháp chăm sóc chi phí thấp, giữ được độ màu mỡ của mỗi tầng đất.
Ông Chung trong vườn sầu riêng trồng xen cà phê |
Ông Đinh Quang Chung, nông dân Thôn 7, xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc rất vui khi giới thiệu khu vườn um tùm cây trái của mình. Ông chia sẻ, chỉ có 5 sào vườn nhưng ông trồng đa dạng trái cây và đã thu được thành quả tốt. Ông cho biết: “Ban đầu, khu vườn tôi cũng trồng cà phê như hầu hết bà con xung quanh. Nhưng tôi được tham gia khóa tập huấn của Hội làm vườn Lâm Đồng, được hướng dẫn kỹ thuật làm vườn đa canh và đã áp dụng trên mảnh vườn này hơn 20 năm. Tôi khẳng định, trồng vườn đa canh rất hiệu quả và bảo vệ môi trường rất tốt”.
Trên mảnh vườn 5 sào, ông Đinh Quang Chung quy hoạch hệ thống mương thoát nước chu đáo. Theo ông Chung, đất Đại Lào khá thấp, việc đào rãnh sẽ giúp lượng nước ngầm luôn thấp hơn lớp đất màu, rễ cây được thông thoáng, hô hấp và hấp thu dinh dưỡng hiệu quả. Giữa các mương nước, ông xuống giống 60 cây sầu riêng, mấy chục cây cam sành và 600 cây cà phê. Tán sầu riêng là cao nhất, sau đó tới cam sành và sầu riêng. Ông Chung chia sẻ, trồng cây đa canh luôn tuân theo quy tắc “cá chạm vây, cây chạm cành”, tức là tán cây này giáp tán cây kia, vừa đủ để che phủ đất đồng thời đảm bảo cây vẫn nhận đủ lượng ánh sáng cần thiết. Theo ông Chung, cho thu chính trong vườn của ông vẫn là sầu riêng, loại sầu riêng Monthon trái to múi dày, cơm vàng hạt lép được thị trường ưa chuộng. Cây sầu riêng có thân mềm, rễ mềm, rất ưa mát. Trồng sầu riêng, cam sành trong vườn giúp mặt đất mát, bộ rễ sầu riêng được bảo vệ, cây sầu riêng phát triển tốt. Bên cạnh đó, cà phê lại là loài ưa ánh sáng tán xạ, ánh sáng chiếu qua tầng cây cao nên sống dưới bóng sầu riêng rất thích hợp.
Ông Đinh Quang Chung đánh giá: “Trồng vườn đa canh có ưu điểm là cây này bù cây khác. Cà phê, cam sành, sầu riêng mỗi cây có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Khi trồng chung trên một đơn vị đất, cây này bù cho cây kia, lượng dinh dưỡng được điều hòa, cây nào cũng phát triển rất tốt. Kinh nghiệm của tôi sau 20 năm trồng sầu riêng xen cà phê cho thấy, trồng hai loại này xen canh rất thích hợp”. Làm vườn đa canh có thêm ưu điểm là đất luôn ẩm, tơi xốp. Ông Chung cũng chú trọng phân hữu cơ chứ rất hạn chế sử dụng phân vô cơ. Ông thường mua phân bò của các trang trại bò sữa lân cận, ủ với men Trichoderma từ 10-12 tháng, tới khi phân tơi xốp, không còn mùi hôi mới bỏ cho cây. Loại phân giàu dinh dưỡng, được bổ sung hệ vi sinh vật phong phú này giúp đất được cải tạo từ gốc, luôn xốp, ẩm. Vì vậy, cả cà phê, cam sành và sầu riêng trong vườn ông Đinh Quang Chung đều cho thu hoạch tốt với chi phí thấp. Theo ông Chung, ông đầu tư kinh phí phân thuốc, công lao động cho 5 sào vườn không quá 50 triệu đồng/năm, trong khi các loại cây, trái đều cho năng suất ổn định. Sầu riêng có 20 cây đang cho thu hoạch với sản lượng trung bình 30 - 50 trái/cây, mỗi trái 3 - 4 kg. Cam sành vườn ông ra trái quanh năm, lúc nào cũng được thu hoạch. Còn 600 cây cà phê cho thu 1,5 tấn nhân/vụ, tổng thu khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí.
Ông Nguyễn Văn Uy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc đánh giá mô hình trồng cây đa tầng tán của ông Đinh Quang Chung là một mô hình rất hiệu quả. Chỉ với diện tích 5 sào nhưng ông Đinh Quang Chung có thu nhập tốt, xây nhà, mua xe ô tô. Đồng thời, phương pháp trồng cây đa canh, đa tầng tán như ông Chung cũng là điển hình của việc canh tác hài hòa với môi trường, tạo điều kiện sinh trưởng gần với tự nhiên nhất, giảm chi phí đầu tư cũng như công lao động cho người nông dân.
DIỆP QUỲNH