Nói đến xã không có hộ nghèo, hay "xã tỷ phú" ở huyện Đạ Huoai, nhiều người đều biết xã Hà Lâm - quê hương thứ hai của người Hà Nội lập nghiệp từ năm 1986...
Nói đến xã không có hộ nghèo, hay “xã tỷ phú” ở huyện Đạ Huoai, nhiều người đều biết xã Hà Lâm - quê hương thứ hai của người Hà Nội lập nghiệp từ năm 1986. Hiện nay, số hộ có mức thu nhập từ vài trăm triệu đến 2 tỷ đồng mỗi năm chiếm 40%/tổng số hộ toàn xã. Đặc biệt, hộ Nguyễn Minh Hồng Điệp (Thôn 2) thu nhập mỗi năm 6-7 tỷ đồng từ trồng sầu riêng - tỷ phú điển hình ở xã tỷ phú này...
|
Vườn sầu riêng hơn 17ha của gia đình Nguyễn Minh Hồng Điệp ở xã Hà Lâm |
•
TÌM ĐẤT LÀNH LẬP NGHIỆP
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Lâm - Vương Đình Hảo mất gần nửa giờ đưa tôi len lỏi qua những vườn cây ăn trái nối nhau bạt ngàn mới tìm được hộ nông dân tỷ phú sầu riêng - Nguyễn Minh Hồng Điệp (sinh 1975), ở Thôn 2, xã Hà Lâm, Đạ Huoai.
Đến nơi, tôi ngỡ ngàng trước một cơ ngơi bề thế hiện hữu giữa tứ bề cây trái xanh tươi, trĩu cành; đó là ngôi nhà xây 3 tầng rất hiện đại, bên cạnh là các phương tiện máy móc phục vụ sản xuất, xe ô tô cá nhân sang trọng chễm chệ trong garage...
Vợ chồng chủ nhân tươi cười tiếp khách với phong thái rất ung dung, tự tại của người thành đạt. Trò chuyện, lão nông 46 tuổi tâm sự, để có được cơ ngơi vài chục tỷ đồng này, vợ chồng anh đã dắt díu nhau “lội” khắp miền Tây, Đông Nam Bộ với những tháng năm trầy trật mưu sinh để tìm kiếm đất lành lập nghiệp. Và, 26 năm cật cực lao động, cần mẫn trồng trọt, bón chăm mới có được những mùa quả ngọt hôm nay.
Anh Điệp cho biết, vợ chồng anh là người gốc miền Trung; sau khi cưới nhau, đôi vợ chồng trẻ đưa nhau về Đồng Nai lập nghiệp. Nhiều năm lao động, sản xuất; song, ở đây, đất chật người đông khó có cơ hội làm giàu. Vợ chồng anh quyết định rời Đồng Nai lên Hà Lâm (Đạ Huoai) lập nghiệp từ năm 1994. Thời điểm đó, đất nông nghiệp ở Đạ Huoai khá rẻ, vợ chồng anh chắt cóp sang nhượng dần từng sào, từng ha đất nông nghiệp của người dân trong vùng để mở rộng diện tích sản xuất...
Mua được đất tới đâu, vợ chồng lão nông trồng các loại cây ăn quả đến đó như: Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, hồ tiêu… kết hợp nuôi gà thả vườn. Vốn nhạy bén trong sản xuất và có “tầm nhìn xa”, vợ chồng anh Điệp nhận thấy các loại cây ăn quả giống mới, ngoại nhập cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây ăn quả truyền thống. Trong đó, sầu riêng Dona hạt lép - Thái Lan, sầu riêng giống Ri-6 được thị trường cây ăn trái trong và ngoài nước rất ưa chuộng và tiêu thụ khá mạnh.
Nhờ tham gia “Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn xã Hà Lâm” (thành lập năm 2017), học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình làm vườn hiệu quả ở các tỉnh miền Tây và các hộ dân trong vùng, vợ chồng anh Điệp mạnh dạn thay dần các loại cây ăn quả giống cũ kém chất lượng, sang trồng sầu riêng ngoại và trồng xen chôm chôm, măng cụt...; mục đích để có thu nhập thường xuyên.
Hiện vợ chồng nông dân Nguyễn Minh Hồng Điệp đã sở hữu 15 ha sầu riêng đang cho quả. Đầu năm 2021, vợ chồng anh mua thêm 2 ha đất, nâng tổng diện tích đất sản xuất lên 17 ha...
•
“TỶ PHÚ SẦU RIÊNG”
Xã Hà Lâm hiện có 926 hộ với 3.272 nhân khẩu sinh sống tại 4 thôn. Nhân dân chủ yếu sản xuất các loại cây công nghiệp và cây ăn quả. Diện tích cây ăn quả toàn xã rất lớn (1.300 ha), tập trung các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng (hơn 1.000 ha); chôm chôm (132 ha); mít 43 ha; măng cụt 32 ha...
Những năm gần đây, nông dân Hà Lâm được ngành Nông nghiệp huyện Đạ Huoai khuyến cáo, vận động nên đã chuyển đổi các loại cây trồng kém năng suất sang các giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao; trong đó, sầu riêng giống mới ngoại nhập được nông dân ưu tiên lựa chọn.
Anh Điệp là một trong những hộ nhạy bén đi đầu trong việc chọn hướng đi mới. Những năm trước, vợ chồng anh trồng xen nhiều loại cây ăn quả trong vườn sầu riêng; qua nghiên cứu, anh thấy, dù có nguồn thu hàng năm; song, mức thu nhập không cao, lại tốn nhiều công chăm sóc. Trong khi, trồng sầu riêng khá tiện lợi trong chăm sóc và thu hoạch quả, giá sầu riêng lại cao. Do đó, hơn 3 năm trở lại đây, vợ chồng anh Điệp chặt bỏ dần các loại cây “phụ”, chuyên canh sầu riêng (với 2 giống mới là sầu riêng Donna và Ri-6).
Hiện trên 17 ha vườn, anh Điệp đã trồng 3.000 cây sầu riêng; trong đó, gần 2.000 cây đã cho quả. Trung bình mỗi mùa, vợ chồng anh thu hoạch trên 200 tấn quả; những năm trước, giá sầu riêng cao, gia đình anh thu nhập khấm khá. Vụ sầu riêng năm 2021 vừa qua, anh thu hoạch gần 250 tấn quả, thu về trên 6 tỷ đồng. Bởi vậy, Nhân dân trong vùng đặt cho anh biệt danh: “Tỷ phú sầu riêng” Hà Lâm!
Anh Điệp chia sẻ: Toàn bộ sầu riêng của gia đình anh đều bán cho các vựa cây trái ở miền Tây “đặt hàng” thường xuyên nên “đầu ra” ổn định. Tiếc là bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nên 2 mùa quả gần đây (năm 2020 và 2021) giá sầu riêng xuống thấp; hiện sầu riêng Dona có giá 44.000 đồng/kg; sầu riêng Ri-6: 33.000 đồng/kg.
Diện tích vườn khá lớn, công việc nhiều nên 4 lao động của gia đình làm không xuể, vợ chồng anh phải thuê 2 lao động làm việc thường xuyên, với mức lương tháng từ 9 đến 11 triệu đồng/người (tùy mức độ công việc). Vào cao điểm chăm sóc rầu riêng ra hoa và thu quả, vợ chồng anh Điệp còn thuê thêm 4 - 5 lao động thời vụ, trả công mỗi ngày 300.000 đồng/người.
Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư: Phân, nước, thuốc, công chăm sóc và trả công người lao động, người làm thuê, gia đình nông dân Nguyễn Minh Hồng Điệp tích lũy dư thừa từ 6 - 7 tỷ đồng, trở thành hộ gia đình có mức thu nhập cao nhất xã - tỷ phú sầu riêng tiêu biểu của xã tỷ phú Hà Lâm.
Nhờ thu nhập cao, con cái anh Điệp đều được học hành và đã có việc làm, thu nhập ổn định. Cuối năm 2018, vợ chồng anh xây nhà kiên cố trên diện tích 400 m2, tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng; mua sắm nhiều phương tiện sinh hoạt gia đình đắt tiền, máy móc phục vụ sản xuất, sắm ô tô để tham quan đây đó. Đời sống giàu có, hạnh phúc mở ra từng ngày với đôi vợ chồng xa xứ lập nghiệp trên vùng đất mới Đạ Huoai.
Ghi chép:
THANH DƯƠNG HỒNG