Xây dựng niềm tin tín ngưỡng lành mạnh trong đời sống Nhân dân

04:10, 18/10/2021

Niềm tin tín ngưỡng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người, càng những khi cuộc sống gặp khó khăn, con người lại càng tìm đến điểm tựa tâm linh để chiêm nghiệm, tìm kiếm sự thanh thản trong tâm tưởng, từ đó nhận ra giá trị, ý nghĩa của cuộc sống...

Niềm tin tín ngưỡng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người, càng những khi cuộc sống gặp khó khăn, con người lại càng tìm đến điểm tựa tâm linh để chiêm nghiệm, tìm kiếm sự thanh thản trong tâm tưởng, từ đó nhận ra giá trị, ý nghĩa của cuộc sống. Lâm Đồng là miền đất hội tụ 47 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng riêng, độc đáo, góp phần tạo nên sự đa sắc màu về văn hóa tín ngưỡng.
 
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Âu Lạc tạo nên không gian văn hóa củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Âu Lạc tạo nên không gian văn hóa củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc
 
Thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, những năm qua ngành Văn hóa đã quan tâm xây dựng niềm tin tín ngưỡng lành mạnh trong đời sống Nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tín ngưỡng hoạt động. Các loại hình tín ngưỡng có nguồn gốc lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của mỗi cộng đồng dân cư. Với các dân tộc bản địa (Cơ Ho, Chu Ru, Mạ) nổi bật là tín ngưỡng đa thần, quan niệm vạn vật hữu linh; các dân tộc Việt, Hoa, Tày, Thái, Nùng có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương, thờ anh hùng dân tộc, thờ Thành hoàng người lập làng lập xã, thờ Mẫu, thờ cúng các tổ nghề, thổ công chúa đất… theo đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn. Hàng trăm đình, đền, miếu, phủ do Nhân dân lập nên ở khắp các cộng đồng cư dân trong tỉnh để thực hành tín ngưỡng. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở tín ngưỡng (đình, đền) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; có thể kể: Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (đường Ngô Quyền, Phường 6), đình Nghệ Tĩnh (Phường 8), đình Trường Xuân (xã Xuân Trường), đình Thái Phiên (Phường 12) ở Đà Lạt; đình Càn Rang, đình Thạnh Nghĩa, đình Phú Thuận, đình Lạc Bình ở Đơn Dương; đình Phú Hội - Đức Trọng; đình Di Linh. Các hoạt động tín ngưỡng của người dân thường diễn ra vào các ngày mùng và ngày 15 Âm lịch hàng tháng, các dịp lễ tế Xuân, lễ tế Thu với ước nguyện cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống thanh bình, yên ấm, nhà nhà no đủ, cộng đồng cố kết.
 
Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng có từ xa xưa thể hiện triết lý “con người có tổ có tông” của người Việt, là sự phát triển cao hơn một bậc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trong tâm thức của mỗi người, Vua Hùng đã gắn chặt với hồn thiêng sông núi đất Việt không chỉ bởi ánh hào quang của lịch sử, mà đó còn là hình ảnh của ông vua mở nước, gắn kết lòng người bằng huyết tộc - đồng bào. Hoạt động tín ngưỡng nổi bật nhất là hàng năm ngành Văn hóa Lâm Đồng đã tổ chức Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương có quy mô cấp tỉnh tại Đền thờ Âu Lạc (Khu Du lịch thác Prenn) để Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về dâng hương chiêm bái, ngưỡng vọng thành kính biết ơn Quốc Tổ. Ngoài phần lễ diễn ra trang nghiêm theo nghi thức tế lễ truyền thống, hội thi làm bánh chưng, bánh giày, cắm hoa, bày mâm cúng cùng hàng loạt các hoạt động văn hóa dân gian, như: trò chơi dân gian, rước kiệu truyền thống, thi nấu cơm, leo cột mỡ, cờ tướng, diễn xướng văn hóa dân gian, phiên chợ văn hóa ẩm thực ba miền… được tổ chức tạo nên không gian văn hóa sống động, quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh, tôn vinh và tưởng nhớ công ơn của các bậc Thủy tổ đã có công dựng nước. Tín ngưỡng thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương ở Lâm Đồng được xây dựng, tôn tạo bảo tồn cả về cơ sở thờ tự, nghi thức thờ cúng, lễ hội và không gian văn hóa như hoạt động Giỗ Tổ cũng diễn ra trang trọng ở Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (Phường 6), Đền thờ Vua Hùng ở Phường 2 và rất nhiều đền, miếu khác được xây dựng để thờ cúng Quốc Tổ trên khắp Lâm Đồng. Việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tạo nên sức mạnh đoàn kết hun đúc từ cội nguồn, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc, ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. 
 
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa đã triển khai phục dựng nhiều lễ hội, nghi lễ, phong tục tập quán liên quan đến tín ngưỡng của các dân tộc bản địa như: lễ Pơthi của người K’Ho (Đức Trọng), lễ Bok Chu bur của người Chu Ru (Đức Trọng), lễ Nhô Rơhe của người K’Ho (Lâm Hà); lễ Tơm Bau của người K’Ho (Lạc Dương)... góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng. Công tác lập hồ sơ khoa học đối với các cơ sở tín ngưỡng để xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đều được quan tâm đúng mức, như ngành đã tiến hành thẩm định hồ sơ tu bổ, tôn tạo đình Trường Xuân và đình Thái Phiên (Đà Lạt). Thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch (VH-TT-DL)  Lâm Đồng đã tiến hành kiểm kê, rà soát; toàn tỉnh hiện có 64 cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu (đền Mẫu, điện Mẫu). Hoạt động thờ tự, tổ chức lễ hội và sinh hoạt tín ngưỡng đều thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở.
 
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Hàng năm, ban quản lý, người đại diện các cơ sở tín ngưỡng đều xây dựng kế hoạch nội dung hoạt động và đăng ký với chính quyền các cấp. Qua đó, đã phát huy vai trò của người đứng đầu, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong thực hành tín ngưỡng; khuyến khích đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ tập tục lạc hậu, đoàn kết tương trợ lẫn nhau; không để xảy ra hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trái phép, không để các phần tử lợi dụng tín ngưỡng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng các hoạt động tín ngưỡng để vi phạm pháp luật.
 
Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo, trong thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Từ đó định hướng cho người dân có niềm tin đúng đắn, tránh những hoạt động tín ngưỡng có biểu hiện lệch lạc, phản cảm, để những nơi thờ tự thực sự là chốn tâm linh, thanh tịnh, người dân đến để chiêm nghiệm, tìm kiếm sự thanh thản, linh thiêng, từ đó nhận ra giá trị, ý nghĩa của cuộc sống, thêm trân trọng, tin yêu cuộc sống.
 
QUỲNH UYỂN