"Hơn cả một chuyến đi công tác vất vả, đó là sự trải nghiệm với đời sống của người dân tại những bản làng xa xôi, không sóng điện thoại - không điện - không nước sạch - không y tế tại chỗ"...
“Hơn cả một chuyến đi công tác vất vả, đó là sự trải nghiệm với đời sống của người dân tại những bản làng xa xôi, không sóng điện thoại - không điện - không nước sạch - không y tế tại chỗ” - Bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Huyền, Trung tâm Y tế huyện Đam Rông rưng rưng chia sẻ với chúng tôi sau chuyến công tác vào cuối tháng 10 vừa qua để tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân sinh sống tại các tiểu khu: Tây Sơn, 178, 179, 181 và căn cứ Đạ M’Bô thuộc xã Liêng Srônh (Đam Rông).
|
Cán bộ Trung tâm Y tế Đam Rông “cõng” vắc xin phòng COVID-19 về tiêm cho người dân vùng xa xôi hẻo lánh của huyện |
Dù chỉ cách xa trung tâm huyện chừng 60 - 70 km, nhưng để đến được với những bản làng của người H’Mông này phải mất cả gần một ngày đường. Cả đoàn công tác ai cũng ước mình có đôi cánh để sải rộng trên những cánh rừng, không phải dắt nhau trèo đèo, lội suối, khiêng, vác dụng cụ y tế và vắc xin… vượt qua chừng 20 km đường mòn lầy lội “níu chân người” ấy, sớm đưa được vắc xin đến với những người dân nơi đây.
Người khỏe thì khuân vác giúp người yếu, ai mệt thì tìm mỏm đá mà gác chân hay gốc cây mà dựa đỡ… không ai bảo ai nhưng tất cả đều quyết tâm đến nơi đúng thời gian theo định trước. Dưới cái nắng và gió Tây Nguyên, bản làng nhỏ bé như được bao bọc bởi những tán rừng xanh ngắt, trong những ngôi nhà sàn đơn sơ ánh lên những nụ cười, những đôi mắt thẹn thùng của những em nhỏ chưa biết nói tiếng phổ thông, hay những người mấy chục năm không ra khỏi bản…
Đến đây tôi càng hiểu thêm điều mà bác sĩ Phan Thanh Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông - người đã gắn bó và có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu ở bản làng nơi đây vào những năm 2017 và 2020 đã chia sẻ: Đời sống của bà con ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn nhiều, nhất là về dịch vụ y tế, càng cần phải được quan tâm tiêm chủng kịp thời với tinh thần “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”.
Là người đã thông thạo với nơi đây qua nhiều chiến dịch y tế cộng đồng tại tiểu khu Tây Sơn, Tiểu khu 178 - 179, Tiểu khu 181 và căn cứ Đạ M’Bô, ông Đỗ Văn Công, Phó Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Trung tâm Y tế huyện Đam Rông nhanh nhẹn dẫn đoàn công tác đến nhà trưởng bản. Qua vài câu chào hỏi, trao đổi nửa tiếng Việt, nửa tiếng H’Mông, ông Công quay ra nói với cả đoàn: “Đây là điểm tiêm vắc xin của Tiểu khu 181, mọi người chuẩn bị các điều kiện tốt nhất có thể để phục vụ bà con nhé”.
Dứt lời, ông Công rảo bước cùng người trưởng bản hòa vào bóng chiều, len lỏi gõ cửa từng ngôi nhà. Được sự hỗ trợ của người thanh niên trong bản cũng “bập bõm” tiếng Việt, xoay xở hồi lâu, bác sỹ Huyền cùng những cán bộ y tế trong đoàn cũng mượn được vài ba cái bàn, ghế để sắp xếp theo quy trình tiếp nhận, khám sàng lọc, tiêm vắc xin và theo dõi sau tiêm… trong không gian ngôi nhà nhỏ nhưng ấm áp tình người của trưởng bản này.
Mọi công đoạn đã sẵn sàng, danh sách những người đăng ký tiêm cũng đã được lập sẵn từ trước, thế nhưng 30 phút, rồi 1 giờ đồng hồ trôi qua vẫn không một người dân nào đến tiêm… chỉ đến khi ông Công và người trưởng bản quay trở về, cũng là lúc bóng đèn điện sử dụng bình acquy được thắp sáng, bấy giờ mới thấp thoáng bóng người “theo lời” ông trưởng bản đến để cán bộ tiêm “cái vắc xin cho mình”.
Nhờ sự hỗ trợ của người trưởng bản và mấy thanh niên trong bản cùng hướng dẫn người tiêm, đoàn công tác cũng hoàn thành nhiệm vụ, kết thúc đợt tiêm vắc xin mũi thứ nhất cho người dân ở 5 tiểu khu với 852 liều, trong đó có 24 liều cho phụ nữ có thai và người cao tuổi, cũng là khi trời đã khuya.
Đoàn công tác tạm nghỉ lại trong nhà người trưởng bản giàu lòng nhân ái, tất cả dường như nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sâu trong màn đêm yên tĩnh sau ngày dài thấm mệt. Ánh bếp lửa bập bùng đêm nay rực sáng hơn trong những ngôi nhà sàn của bản làng, như tinh thần của những “chiến sỹ áo trắng” vượt khó “cõng” vắc xin đến với bản làng, sẽ còn sáng mãi trong lòng những người dân tảo tần sớm hôm với cuộc sống mưu sinh nơi vùng xa xôi này.
ĐỨC THIỆM