Những năm qua, các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Đam Rông đã cùng nhau đoàn kết để xây dựng những khu dân cư tiêu biểu, kiểu mẫu; làm thay đổi diện mạo nông thôn mới của huyện miền núi.
Những năm qua, các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Đam Rông đã cùng nhau đoàn kết để xây dựng những khu dân cư tiêu biểu, kiểu mẫu; làm thay đổi diện mạo nông thôn mới (NTM) của huyện miền núi.
|
Người dân thôn Đa Tế luôn nỗ lực phát triển kinh tế, đồng sức, đồng lòng, đoàn kết xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19) |
•
ĐOÀN KẾT ĐỂ XÂY DỰNG
Đến nay, trên địa bàn huyện Đam Rông đã có 4 khu dân cư của 4 thôn được công nhận là khu dân cư kiểu mẫu cấp tỉnh, 20 khu dân cư được công nhận là khu dân cư tiêu biểu cấp huyện. Năm 2021, huyện Đam Rông phấn đấu có thêm 7 khu dân cư tiêu biểu, 2 khu dân cư kiểu mẫu, giữ vững và nâng cao 13 khu dân cư tiêu biểu, nâng cao 4 khu dân cư kiểu mẫu.
Thôn Đa Tế của xã Đạ M’Rông hiện đang phấn đấu thực hiện xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Cả thôn hiện có 204 hộ, 1.088 nhân khẩu, đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào người Cil. Theo kế hoạch, năm nay thôn phấn đấu đạt khu dân cư kiểu mẫu. Để thực hiện thành công kế hoạch trên, ngay từ đầu năm Chi bộ, Ban Nhân dân thôn đã có nghị quyết chuyên đề, kế hoạch thực hiện.
Trưởng thôn Kră Jăn Ha Bích cho biết: Để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, thôn đã vận động bà con tích cực lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng cảnh quan môi trường, thắp sáng đường làng, ngõ xóm. Đến nay, bà con rất tích cực hưởng ứng, riêng tình trạng chăn thả gia súc trong khu dân cư không còn nữa, các hộ dân đã làm chuồng trại ra xa khu vực khu dân cư…
Để trở thành khu dân cư kiểu mẫu, hiện nay, cả thôn đang đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trên các mặt. Điển hình như các hộ đồng bào người Cil ở Đa Tế đang chuyển đổi dần những bãi bồi ven sông trước giờ trồng ngô sang trồng dâu nuôi tằm. Hiện cả thôn có 15 hộ trồng dâu nuôi tằm, chỉ 9 tháng đầu năm 2021 đã có thêm 8 hộ phát triển mô hình này. Theo thống kê sơ bộ, thu nhập mỗi tháng của 23 hộ này từ 5 triệu đồng trở lên. Mặt khác, thôn đã thành lập được đội cồng chiêng nhưng đa phần các thành viên đều lớn tuổi, chính vì vậy truyền dạy để thành lập một đội cồng chiêng kế thừa cho thế hệ thanh niên là điều mà Ban Nhân dân thôn hướng đến.
Đối với những khu dân cư đã được công nhận là kiểu mẫu thì việc nâng cao các tiêu chí là điều mà cấp ủy, chính quyền địa phương đang hướng đến. Thôn Thanh Bình - xã Phi Liêng được công nhận khu dân cư kiểu mẫu vào năm 2019. Đến nay, thôn đang tiếp tục thực hiện nâng cao các tiêu chí. Đồng chí Đoàn Văn Vượng - Bí thư Đảng ủy xã Phi Liêng cho biết: Hiện nay, toàn xã có 1.750 hộ, 7.800 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 35%. Thời gian qua, các dân tộc anh em trên địa bàn đều hưởng ứng những cuộc vận động, các phong trào mà các cấp phát động, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Đặc biệt hơn, tại thôn Thanh Bình luôn có sự ủng hộ, đồng hành của các tôn giáo trong công cuộc xây dựng NTM, như năm 2019, các tôn giáo đã đồng hành cùng người dân trong thôn để đăng ký mô hình “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Ngoài phấn đấu đạt và nâng cao các khu dân cư kiểu mẫu thì việc xây dựng các khu dân cư tiêu biểu cấp huyện cũng là một vấn đề được các ban, ngành ở huyện Đam Rông quan tâm. Thôn 4, xã Rô Men có đến 9 dân tộc anh em sinh sống (Cil, K’Ho, M’Nông, Thái, Mường, Tày, H’Mông, Thổ, Kinh) nên việc xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc để cùng nhau xây dựng thôn xóm là điều hết sức quan trọng. Nhờ sự đoàn kết đó mà đến nay, trong 418 hộ dân chỉ còn 14 hộ nghèo, các hủ tục hầu như không còn, các dân tộc anh em luôn giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Nhân dân trong 4 xóm của thôn đang từng ngày phấn đấu, thi đua để xây dựng thôn xóm sáng - xanh - sạch đẹp và đạt khu dân cư tiêu biểu như kế hoạch đã đề ra.
•
PHÁT HUY VAI TRÒ CÔNG TÁC DÂN VẬN
Để hoàn thành xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, khu dân cư tiêu biểu; ngoài sự đồng sức, đồng lòng, đoàn kết của người dân; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương thì một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công chính là công tác dân vận.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đam Rông phân tích: Trong những năm qua, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, khi triển khai xây dựng các khu dân cư tiêu biểu, khu dân cư kiểu mẫu ở địa phương đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong các tầng lớp nhân dân. Các dân tộc anh em trên địa bàn luôn luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng NTM và xây dựng các khu dân cư tiêu biểu, kiểu mẫu. Bên cạnh đó, thành công của công tác dân vận trong xây dựng NTM cũng góp phần quan trọng trong việc thực hiện nội dung này. Hiện nay nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM, khu dân cư tiêu biểu, kiểu mẫu đã trở thành phong trào, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Điển hình trong các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM, xây dựng khu dân cư tiêu biểu, kiểu mẫu đã trở thành phong trào như: mô hình Thắp sáng đường quê gắn với tuyến đường cờ của cán bộ và Nhân dân Thôn 2, Rô Men; mô hình Khu dân cư sáng - xanh - sạch đẹp gắn với ba không của tập thể cán bộ và Nhân dân thôn Liên Hương, xã Đạ R’Sal; mô hình Tôn giáo đồng hành cùng người dân để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của thôn Thanh Bình, xã Phi Liêng.
Đặc biệt hơn, là các mô hình “Dân vận khéo” của các cá nhân về phát triển kinh tế đã giúp nông dân địa phương, nhất là đồng bào DTTS tiếp cận được với nhiều cách thức làm ăn mới như: mô hình trồng xen mắc ca trong vườn cà phê của ông Triệu Đức Dương (thôn Păng Dung, xã Đạ K’Nàng); mô hình tái canh cà phê và giúp đỡ người dân làm theo của ông Nguyễn Văn Leo (thôn Bốp La, xã Phi Liêng)...
Có thể khẳng định, tinh thần đoàn kết để xây dựng NTM, khu dân cư tiêu biểu, kiểu mẫu của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Đam Rông thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hy vọng Đam Rông ngày sẽ có nhiều hơn các khu dân cư tiêu biểu, kiểu mẫu để thay đổi diện mạo của một huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.
ĐỨC TÚ