Gây quỹ sinh hoạt từ trồng dâu nuôi tằm

05:11, 16/11/2021

Duy trì được 3 năm nay, Tổ hợp tác sản xuất trồng dâu, nuôi tằm chuyên phân phối vật tư nông nghiệp, cung ứng con giống, thu mua kén...

Duy trì được 3 năm nay, Tổ hợp tác (THT) sản xuất trồng dâu, nuôi tằm chuyên phân phối vật tư nông nghiệp, cung ứng con giống, thu mua kén của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông đã thu hút được nhiều chị em hội viên tham gia.
 
Việc tham gia THT sản xuất trồng dâu, nuôi tằm đã từng bước giúp chị em nâng cao thu nhập, ổn định đời sống
Việc tham gia THT sản xuất trồng dâu, nuôi tằm đã từng bước giúp chị em nâng cao thu nhập, ổn định đời sống
 
Chị K’Jiêng là một trong số những người tích cực vận động chị em ở các thôn tham gia và thành lập THT sản xuất trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương. Là người phát động chị em hội viên cùng hưởng ứng, nên chị K’Jiêng cũng tiên phong trong việc trồng dâu, nuôi tằm với diện tích hiện có 6 sào dâu. Qua nhiều năm gắn bó với nghề “ăn cơm đứng”, chị K’Jiêng được các tổ viên tin tưởng bầu làm Tổ trưởng THT. 
 
“Trước đây, khi chưa có THT, chị em chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau. Hiện tôi chọn trồng các giống dâu siêu lá vừa đạt năng suất cao vừa giảm công hái và sau 6 tháng trồng, vườn dâu bắt đầu ra nhiều lá. Ban đầu gia đình chỉ trồng 3 sào, dần dần về sau có nguồn thu nhập ổn định rồi mới từ từ mở rộng diện tích. Con tằm dễ bị nhiễm bệnh nên để đạt năng suất kén cao thì cần có nhà và dụng cụ nuôi sạch sẽ, thoáng mát. Tùy thuộc vào lượng dâu, mỗi tháng gia đình nuôi khoảng nửa hộp trứng tằm. Với giá kén hiện nay khoảng 120 - 130 ngàn đồng/kg, trừ chi phí thu về khoảng 5 triệu đồng/tháng”, chị K’Jiêng cho hay.
 
Chị K’Jôn, một trong những thành viên của THT sản xuất trồng dâu, nuôi tằm cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng được vài sào cà phê để có thu nhập ổn định hằng năm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, cà phê có giá thành thấp, ngay khi đó, tôi được biết Hội LHPN xã thành lập THT nên tham gia và trở thành một trong những thành viên đầu tiên của tổ. Theo chị K’Jôn: “Hộp trứng tằm thu nhập được nhiều hay không bên cạnh dựa vào chất lượng con giống thì cũng phải dựa vào thời tiết vì phần lớn mùa mưa cây dâu phát triển tốt, ra nhiều lá nên nuôi tằm được nhiều hơn. Hiện nay, mỗi tháng gia đình thu về khoảng 8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Tham gia THT sản xuất trồng dâu, nuôi tằm, gia đình có thu nhập ổn định, nhanh thu hồi vốn và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để chị em hội viên phát triển kinh tế”.
 
Theo định kỳ, THT sẽ sinh hoạt mỗi tháng một lần. Ở đó, ngoài việc kết hợp với ban nhân dân thôn, ban công tác Mặt trận và các đoàn thể trong xã tuyên truyền các vấn đề và nội dung có liên quan đến trồng, chăm sóc và nuôi tằm, xử lý rác thải trong chăn nuôi tằm, các kiến thức về xử lý phân tằm để bón cho dâu; Hội LHPN xã Đạ M’rông còn kết hợp tuyên truyền về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, phân loại rác thải sinh hoạt,... đến hội viên. Những khó khăn của chị em cũng được trao đổi, chia sẻ để kịp thời được hỗ trợ giải quyết.
 
“Tham gia THT, tôi có điều kiện thuận lợi hơn để theo nghề trồng, dâu nuôi tằm khi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các thành viên khác. Chị em vừa làm, vừa chia sẻ kinh nghiệm, yên tâm sản xuất khi tham gia THT” - chị Tría K’Gái, thành viên THT chia sẻ. 
 
Ban đầu, THT chỉ có vài hộ tham gia nhưng hiện nay đã có 15 hội viên với diện tích ngày càng được mở rộng, hiện có trên 5 ha dâu. Đa số các hộ đều trồng từ 3 sào đến 6 sào dâu, mỗi năm trừ chi phí thu về cả chục đến cả trăm triệu đồng. Tham gia vào THT, các chị tránh được tình trạng bị ép giá, kén được tổ bán cho các đại lý thu mua trên địa bàn và các địa phương lân cận như Đức Trọng.
 
Không chỉ giúp hội viên có nơi thu mua kén tằm ổn định, hằng tháng THT sản xuất trồng dâu, nuôi tằm còn trích phần trăm để tạo nguồn quỹ giúp đỡ chị em gặp nhiều khó khăn hoặc người nào cần tiền đầu tư sẽ được ưu tiên vay vốn để trang trải. Số tiền tuy không nhiều, nhưng tức thời giải quyết được khó khăn, tạo vốn đầu tư nong né, giống dâu, phân bón..., qua đó tạo động lực để các chị em cùng cố gắng vươn lên.
 
Chị Ntơr K'Glang - Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ M’Rông cho biết: “Mặc dù hiện tại, giá kén đang ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng các tổ viên THT đều động viên nhau cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn, chủ động điều chỉnh số lượng dâu và tằm để tránh thua lỗ”. 
 
Đánh giá về hiệu quả của THT sản xuất trồng dâu, nuôi tằm của hội viên Hội LHPN xã Đạ M’Rông, chị Nguyễn Thị Hồng Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông cho hay: Với nhiều cách làm mạnh dạn, sáng tạo, THT sản xuất trồng dâu, nuôi tằm tại Hội LHPN xã Đạ M’Rông đã trở thành chỗ dựa vững chắc của phụ nữ trong phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân, tương ái trong các tầng lớp chị em phụ nữ. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đông đảo cán bộ, hội viên; đồng thời, từng bước nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của xã và huyện.
 
THÂN THU HIỀN