Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin với sự tham dự của đại diện các sở, ngành, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà báo đến từ Hội Văn học Nghệ thuật và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh.
Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin với sự tham dự của đại diện các sở, ngành, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà báo đến từ Hội Văn học Nghệ thuật và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh.
|
Nhiều ý kiến đóng góp của các nhà văn, nhà báo, nhà khoa học về tình yêu rừng, về những trăn trở và trách nhiệm bảo vệ rừng |
Với diện tích 69.663 ha, giáp các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, chu vi 520 km, Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà là lá phổi xanh, là báu vật thiên nhiên không chỉ của riêng Lâm Đồng. Giá trị tài nguyên đa dạng sinh học với hệ sinh thái rừng á nhiệt đới núi cao cùng các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm. Hiện nay rừng có 2.077 loài thực vật có mạch, 131 loài thú, 304 loài chim, 15 loài hạt trần, 302 loài lan, 70 loài ghi nhận mới cho khoa học. VQG Bidoup - Núi Bà là rừng phòng hộ đầu nguồn của sông Đồng Nai và sông Sêrêpốk...
5 năm gần đây, VQG đã giao khoán 53.750 ha rừng cho cộng đồng bảo vệ, tự quản lý bảo vệ 12.830 ha, 1.553 hộ nhận khoán với chi trả bình quân 33 tỷ đồng/năm; tổ chức 1.251 đợt tuần tra trên 18.563 km và 270.912 ngày công; phát hiện 146 vụ vi phạm, bình quân 30 vụ/năm, trong đó lấn chiếm đất rừng 124/146 vụ; giải tỏa 48,76 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; khởi tố hình sự 4 vụ. Vườn đã trồng 198,36 ha, chăm sóc và nuôi dưỡng 752 ha rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung 50 ha rừng... nhờ vậy tài nguyên rừng không ngừng tăng về số lượng và chất lượng. Trong 5 năm qua, xảy ra 31 vụ cháy rừng nhỏ, không để xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Được sự hỗ trợ của dự án JICA (Nhật Bản), VQG Bidoup - Núi Bà đang duy trì mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tổ chức các hoạt động du lịch tại Vườn với các sản phẩm du lịch dần được định hình. Bình quân VQG đó 8.500 lượt du khách/năm, thời gian lưu trú 2,8 ngày, doanh thu từ du lịch đạt 1,9 tỷ đồng (2019). VQG đã hợp tác với 20 tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên.
Mục tiêu đến năm 2025, định hướng 2030, VQG Bidoup - Núi Bà nỗ lực bảo vệ được cảnh quan đa dạng sinh học mang ý nghĩa toàn cầu; bảo vệ toàn vẹn 69.663 ha rừng và đất rừng với độ che phủ 96%; tăng cường tuần tra, kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất các vụ vi phạm. Đến năm 2030, phấn đấu lượng khách du lịch đạt 1,5 triệu lượt, doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch đạt 2.700 tỷ đồng/năm; doanh thu từ các dịch vụ môi trường rừng đạt 50 tỷ đồng/năm...
Tại hội thảo, sau khi tham quan tuyến du lịch đa dạng sinh học Hòn Giao, được nghe TS. Lê Văn Hương - Giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà, chia sẻ những thông tin hữu ích về các chương trình hoạt động của Vườn, các nhà khoa học, phóng viên, nhà báo, văn nghệ sĩ đã bày tỏ tâm tư tình cảm khi đến với rừng và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết xung quanh các vấn đề bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý, xây dựng và quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch sinh thái, để tương lai VQG Bidoup - Núi Bà trở thành điểm đến với du khách khi đã đặt chân đến Đà Lạt, qua đó làm lan tỏa tình yêu với rừng và trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống.
QUỲNH UYỂN