(LĐ online) - Bước vào vụ thu hoạch cà phê, lượng lao động thu hái từ các tỉnh, thành đổ về Lâm Đồng với số lượng lớn. Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng là rất cao, do đó, việc quản lý người về từ các tỉnh, thành, nhất là người đến từ các vùng dịch được các huyện, thành trên địa bàn tỉnh siết chặt.
(LĐ online) - Bước vào vụ thu hoạch cà phê, lượng lao động thu hái từ các tỉnh, thành đổ về Lâm Đồng với số lượng lớn. Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng là rất cao, do đó, việc quản lý người về từ các tỉnh, thành, nhất là người đến từ các vùng dịch được các huyện, thành trên địa bàn tỉnh siết chặt.
|
Nông dân một số vùng của Lâm Hà thu bói cà phê |
Thời điểm này, nhiều hộ nông dân đã tranh thủ hái bói cà phê trước khi vào vụ thu hoạch chính. Anh Nguyễn Song Vũ - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cà phê hữu cơ Song Vũ (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) cho biết, HTX hiện đang liên kết sản xuất với 45 hộ dân, diện tích hơn 100 ha. Thông thường, HTX cần khoảng 40 nhân công để thu hái, sơ chế. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết làm sản lượng cà phê giảm, cùng với tình hình dịch bệnh nên HTX chỉ thuê khoảng 20 nhân công.
“Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi người cũng như không ảnh hưởng đến việc sản xuất, HTX quy định nhân công đến làm thuê phải tiêm đủ hai mũi vắc xin, khai báo y tế và có kết quả test âm tính với SARS-CoV-2. HTX đăng ký tạm trú, tạm vắng cho nhân công và hỗ trợ chi phí test nhanh ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Người lao động làm việc và nghỉ tại vườn, không ra ngoài, đồ dùng cần thiết được chủ vườn mua giúp” - anh Vũ nói.
Xã Xuân Trường hiện có khoảng hơn 1.200 ha trồng cà phê, ông Phạm Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết, lượng nhân công thu hái cà phê của địa phương chủ yếu đến từ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Do đó, việc quản lý người đến từ các vùng này được địa phương tăng cường. Chủ vườn và người lao động cam kết tuân thủ các quy định phòng chống dịch. “Trong thời điểm này, địa phương phát huy tối đa vai trò của các thôn, tổ Covid cộng đồng và các chốt bảo vệ vùng xanh nhằm giám sát chặt chẽ người ra vào thôn, hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan ra cộng đồng” - ông Dũng cho hay.
Tại huyện Lâm Hà, theo tính toán, trung bình 1 ha cà phê cần khoảng 45 công lao động thu hái, như vậy, với tổng diện tích hơn 39.000 ha, địa phương cần hơn 1 triệu công lao động. Qua khảo sát thực tế, lượng lao động thu hái cà phê tại chỗ của huyện chỉ đáp ứng khoảng 80%, còn lại phải thuê lao động ngoại tỉnh.
|
Nông dân xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) thu hái cà phê, sản lượng cà phê năm nay giảm do ảnh hưởng bởi thời tiết nên nhân công thu hái có thể chủ động |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Trương Quốc Khánh, những ngày qua, lượng người từ các tỉnh, thành về địa phương tương đối nhiều, để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn kiểm soát chặt người đến địa bàn, nhất là người đến từ các vùng dịch và thường xuyên tuyên truyền người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
“Đối với người từ ngoài tỉnh đến thu hái cà phê ngoài khai báo y tế, đăng ký tạm trú, tạm vắng phải test nhanh sàng lọc Covid-19 và cam kết không ra khỏi vườn. Hiện tại, trên địa bàn huyện, người dân chấp hành tương đối tốt các quy định phòng chống dịch, các hộ đã chủ động dựng lều cho nhân công thu hái cà phê và tuân thủ các yêu cầu đối với các đối tượng này” - ông Khánh cho hay.
Ngoài đảm bảo an ninh, trật tự trong vụ thu hoạch cà phê, huyện Lâm Hà cũng rà soát, thống kê tình hình sản xuất cà phê trên địa bàn, nắm bắt khả năng thu hái của các hộ, từ đó có kế hoạch chủ động nguồn nhân lực thu hái cà phê. Huyện khuyến khích người dân thành lập các tổ, đội, nhóm hộ thực hiện đổi công phục vụ thu hái; đồng thời, huy động các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn thành lập các tổ, đội hỗ trợ thu hái cà phê giúp đỡ các gia đình khó khăn để hạn chế tổn thất cho nông dân.
Với huyện Di Linh, là địa phương có diện tích cà phê lớn, hơn 44.000 ha, mỗi năm, huyện có khoảng gần 10.000 lao động ngoài tỉnh đến thu hái cà phê, chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc, miền Tây và miền Trung. Trên thực tế, nếu tình hình dịch bệnh phức tạp kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản mà còn tác động đến vụ thu hoạch của người dân. Do đó, ngay từ sớm, huyện đã chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp cụ thể để “sản xuất an toàn, an toàn để sản xuất”.
Ông Đặng Văn Khá - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, với sản lượng khoảng 650.000 tấn quả tươi, huyện dự kiến cần hơn 2,6 triệu công thu hái. Hiện, một số khu vực trên địa bàn huyện đã bắt đầu thu hoạch cà phê, khoảng cuối tháng 11 sẽ vào vụ thu chính. Trước mắt, địa phương tận dụng tối đa nguồn lao động tại chỗ; thành lập các nhóm, tổ, đội liên kết giữa các hộ hỗ trợ nhau và thu hút nguồn lao động ở các huyện, thành khác trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra y tế đối với lái xe và nhân công thu hái, vận chuyển cà phê; ưu tiên test nhanh SARS-CoV-2 cho các trường hợp này; phun khử khuẩn phương tiện ra vào vùng sản xuất. Chủ hộ và người đến từ các tỉnh, thành cam kết tuân thủ các quy định phòng chống dịch của địa phương. Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa và hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp, thương lái nhằm đảm bảo tiêu thụ nông sản.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ cà phê 2021, Lâm Đồng có khoảng trên 173.000 ha cà phê cho thu hoạch; sản lượng ước đạt trên 518.000 tấn cà phê nhân. Dự kiến, niên vụ này cần khoảng hơn 7,8 triệu công thu hái. Do vậy, để đảm bảo nhân công cho vụ thu hoạch cà phê trong bối cảnh dịch bệnh, Sở đã đề nghị các địa phương rà soát, nắm chắc diện tích, sản lượng và nguồn lao động của từng hộ dân, từ đó, xây dựng phương án thu hái cà phê phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn, không để gián đoạn sản xuất, tránh nguy cơ bùng phát dịch trong vụ thu hoạch cà phê.
NHẬT QUỲNH