"Hiện Lâm Đồng đã bước vào cuối mùa mưa, tuy nhiên thời tiết trên địa bàn tỉnh được dự báo vẫn có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to...
“Hiện Lâm Đồng đã bước vào cuối mùa mưa, tuy nhiên thời tiết trên địa bàn tỉnh được dự báo vẫn có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Do đó, trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh cùng với các địa phương tăng cường công tác phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra”, ông Nguyễn Hà Lộc - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng cho hay.
|
Sạt, lở đất và ngập tuyến đường Long Treng, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương do mưa lớn |
•
CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ VỚI THIÊN TAI
Ông Nguyễn Hà Lộc thông tin: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 đợt mưa lớn, 4 đợt mưa đá, 12 đợt lốc xoáy, 1 vụ lũ quét, 2 vụ sạt lở đất… làm 2 người chết, 2 người bị thương, 379 căn nhà và 1.341 cây trồng bị thiệt hại, 1,2 ha thủy sản bị cuốn trôi, 2 ha nhà kính và 18 ha nhà lưới bị hư hỏng... gây thiệt hại khoảng 53 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 68 trạm đo mưa tự động chuyên dùng theo công nghệ của WATEC. Lượng mưa đo được tại các trạm được tự động cập nhật. Hệ thống cơ sở dữ liệu đo mưa được chia sẻ đến tất cả các cấp quản lý và người dân để có thể truy cập, nhận thông tin lượng mưa và nhận cảnh báo mưa lớn trên điện thoại di động thông minh. Trong thời gian vừa qua, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã có công văn cung cấp tài khoản và hướng dẫn sử dụng, khai thác dữ liệu của các trạm đo mưa tự động đến các cấp quản lý, người dân, cơ quan truyền thông, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên để các cấp, các ngành và cộng đồng khai thác dữ liệu đo mưa, phục vụ công tác phòng, tránh thiên tai và sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đang xây dựng hệ thống cảnh báo thông minh ứng dụng công nghệ tin học, tự động hóa trong quan trắc, giám sát, dự báo, truyền cơ sở dữ liệu mực nước nhằm giúp người dân và các cấp quản lý ứng phó ngập lụt theo thời gian thực.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã rà soát, cắm biển cảnh báo khu vực lũ quét, sạt lở, ngầm, tràn tại các vị trí có nguy cơ xảy ra cao. Xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, ngập lụt trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc. Tổ chức điều tra cơ bản về thiên tai, các công trình PCTT. Phối hợp, đôn đốc các địa phương kiện toàn Đội xung kích PCTT cấp xã. Đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai.
Để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thường xuyên tổ chức trực ban 24/24 giờ trong mùa mưa bão, kịp thời gửi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến các địa phương. Đồng thời, xây dựng phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cũng đã xây dựng bộ công cụ theo dõi, giám sát vận hành các hồ thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Đồng Nai.
•
ĐẢM BẢO AN TOÀN HỒ, ĐẬP
Cũng theo ông Lộc, trên địa bàn tỉnh hiện có 432 công trình thủy lợi, đa phần vẫn đảm bảo an toàn do thường xuyên được kiểm tra, đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình xây dựng từ lâu, một số công trình đắp đường tạo thành hồ thi công không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiếu nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa nên có nguy cơ mất an toàn. Qua rà soát, có 60 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp; trong đó có 10 công trình đã được bố trí vốn và đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế, 3 công trình đã được đưa vào kế hoạch phân bổ vốn, còn lại 47 công trình chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp.
Hiện các hồ, đập trên địa bàn tỉnh đã cơ bản tích nước đủ để phục vụ cho khoảng 40,2 ngàn ha gieo trồng vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện sản xuất vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022 từ tháng 10/2021. Đồng thời, đề nghị Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng chủ động cùng các địa phương xây dựng kế hoạch tưới và phương án phòng, chống hạn cho cây trồng, tăng cường công tác kiểm tra các công trình thủy lợi và công tác tưới phục vụ sản xuất Đông Xuân 2021 - 2022.
“Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đồng thời thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đang dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh năm 2021 và những năm tiếp theo để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân”, ông Lộc cho biết thêm.
VIỆT HÙNG