Thực trạng về công tác phòng, chống tội phạm tại Lâm Đồng

06:11, 01/11/2021

Tình hình thực hiện "công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án" trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều kết quả nổi bật, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội...

Tình hình thực hiện “công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều kết quả nổi bật, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, qua khảo sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đồng, công tác này còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc. Đoàn đã lắng nghe, tiếp nhận và có báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong thời gian tới.
 
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng thực hiện khảo sát tại Công an tỉnh
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng thực hiện khảo sát tại Công an tỉnh
 
Thực hiện khảo sát tại Công an tỉnh, Đoàn ĐBQH nhận thấy: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Đơn vị đã triển khai nhiều nội dung. Trong đó, kết luận điều tra đề nghị truy tố 1.273 vụ/2.367 bị can; đình chỉ 35 vụ/31 bị can, tạm đình chỉ điều tra 112 vụ/51 bị can. Công an tỉnh đã tập trung các biện pháp rất quyết liệt, sáng tạo, nhất là tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Công tác đấu tranh chống các loại tội phạm được tập trung chỉ đạo quyết liệt, triệt phá nhiều tụ điểm, đường dây, băng nhóm tội phạm nguy hiểm; điều tra khám phá kịp thời các hành vi phạm tội, đặc biệt là các vụ án trọng điểm. Cơ quan cảnh sát điều tra hai cấp đã điều tra khám phá 100% các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (88/88 vụ án); 69 vụ án về tội phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và tham nhũng. Nổi lên một số loại tội phạm: Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng (19 vụ), cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (9 vụ), tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (9 vụ), sản xuất, buôn bán hàng cấm (5 vụ), tham ô tài sản (4 vụ), lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (3 vụ), đưa và nhận hối lộ (1 vụ). 
 
Trong vòng 1 năm qua (từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2021), toàn tỉnh xảy ra 17 vụ án vi phạm pháp luật về môi trường. Đã giải quyết 2.602/2.887 tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt tỷ lệ 90,13% (đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 90%). Qua báo cáo, chưa phát hiện trường hợp vi phạm nghiêm trọng về tố tụng hình sự trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố... 
 
Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thường xuyên kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành đối với Viện kiểm sát nhân dân hai cấp, luôn quản lý chặt chẽ các tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan điều tra và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, hàng ngày, hàng tuần. Hầu hết các hồ sơ kiểm sát tin báo đều có yêu cầu kiểm tra xác minh để cơ quan điều tra tiến hành xác minh, góp phần hạn chế bỏ lọt tội phạm, tăng tỷ lệ phát hiện tội phạm. Công tác quản lý bắt, giam, giữ luôn được lãnh đạo cơ quan điều tra hai cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra tình trạng oan, sai, vi phạm pháp luật trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. 
 
Đối với Tòa án nhân dân tỉnh, trong năm qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác của Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp, triển khai thi hành các bộ luật, luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án.
 
Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thi hành án dân sự và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Đoàn khảo sát thấy, đối với các vụ việc liên quan đến nợ tín dụng, ngân hàng kết quả chỉ đạt tỷ lệ 28,99% về việc và 32% về tiền là rất thấp, việc giải quyết kéo dài, chưa có cơ chế từ phía ngân hàng.
 
Được biết, trong thời điểm khảo sát, cơ quan điều tra hai cấp, Viện kiểm sát hai cấp, Tòa án hai cấp và Sở tư pháp Lâm Đồng không có trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; không có trường hợp nào phải bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
 
Trao đổi về những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn sau khi khảo sát, Trưởng Đoàn Khảo sát - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Tạo cho biết: Qua khảo sát về tình hình thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của một số cơ quan nội chính trong tỉnh; Đoàn khảo sát có một số kiến nghị các cơ quan nội chính tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội đã đề ra.
 
Đoàn có báo cáo đề nghị HĐND, UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan ở địa phương trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử; cần quan tâm phân bổ kinh phí hoạt động của các cơ quan nội chính. Nhất là về đào tạo; cơ chế, chính sách tại địa phương; xét xử lưu động; khám nghiệm hiện trường; giam giữ, cải tạo; phiên tòa rút kinh nghiệm; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật… Đối với Công an tỉnh, Đoàn đề nghị cần tăng cường công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa tội phạm, tăng cường hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, khám phá, điều tra và kiến nghị khởi tố các vụ án trên địa bàn. Đối với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cần áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; bảo đảm các quyết định truy tố đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, chất lượng kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu. Đối với Tòa án nhân dân tỉnh, cần tiếp tục tăng cường chất lượng giải quyết các loại án, bảo đảm việc giải quyết, xét xử và ban hành bản án, quyết định đúng pháp luật; tăng cường công tác hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; không để xảy ra trường hợp kết án oan người không phạm tội; giảm tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Đối với Sở Tư pháp, cần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao vai trò của đội ngũ báo cáo viên, có phương thức, hình thức phổ biến, tuyên truyền phù hợp. Đối với cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh, cần tiếp tục tổ chức hiệu quả công tác thi hành án dân sự, chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành, phân đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự theo chỉ tiêu được giao, đặc biệt là án tín dụng ngân hàng...
 
NGUYỆT THU