Trường nghề thích ứng an toàn thời Covid-19

06:11, 24/11/2021

(LĐ online) - Do tính chất đặc thù, thực hành chiếm tới 70% tải lượng, nên việc dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp gặp không ít khó khăn...

(LĐ online) - Do tính chất đặc thù, thực hành chiếm tới 70% tải lượng, nên việc dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp gặp không ít khó khăn. Song, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thích ứng, linh hoạt thực hiện các giải pháp tư vấn, tuyển sinh trực tuyến và điều chỉnh chương trình giáo dục phù hợp nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho thị trường lao động.
 
Một buổi dạy trực tuyến tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt
Một buổi dạy trực tuyến tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt
 
THÍCH ỨNG LÀ YÊU CẦU TẤT YẾU 
 
Để đảm bảo dạy và học an toàn cho học viên và giảng viên trong tình hình dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã linh động các hình thức đào tạo phù hợp vừa phòng dịch vừa đảm bảo kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên.
 
Bà Đỗ Thị Trúc Lan - Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt cho biết, trường đào tạo nghề theo trình độ trung cấp và cao đẳng. Năm học 2021 - 2022, trường có khoảng 2.000 học sinh, sinh viên đang theo học các ngành nghề công nghệ ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, điện - điện tử, du lịch, công nghệ thông tin… 
 
“Đào tạo nghề cần cầm tay, chỉ việc, tạo dựng kỹ năng thực hành, nâng cao tay nghề cho học viên, do đó, khi triển khai dạy trực tuyến, nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp để dạy học đảm bảo hiệu quả”- bà Lan chia sẻ. 
 
Đối với chương trình dạy học, trong học kỳ đầu, trường ưu tiên giảng dạy các kiến thức lý thuyết, riêng với những phần thực hành trực tiếp trên máy móc, trường sẽ sắp xếp cho học viên học những học kỳ sau hoặc bố trí từng nhóm nhỏ sinh viên đến trường thực hành nhưng vẫn đảm bảo các quy định phòng dịch. 
 
Nhà trường được cung cấp miễn phí hệ thống Email và Microsoft Team cho toàn bộ giảng viên, học sinh, sinh viên. Nhờ vậy, việc triển khai giảng dạy trực tuyến và quản lý học sinh, sinh viên trong khi dạy học được thuận lợi hơn. Trong quá trình dạy, nếu giảng viên, học sinh, sinh viên gặp vấn đề, ban hỗ trợ giảng dạy trực tuyến của trường sẽ xử lý trục trặc. Ban Thanh tra - kiểm soát nội bộ của trường cùng giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên kiểm tra việc ra vào lớp và hỗ trợ học sinh, sinh viên khi cần. 
 
Theo bà Lan, về vấn đề thiết bị học trực tuyến, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt có khoảng hơn 80% em có đủ điều kiện. Đối với những em không có máy, trường ngoài vận động tặng điện thoại cho các em có hoàn cảnh khó khăn còn phối hợp với tổ chức Dariu - Thụy Sĩ hỗ trợ máy tính tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên học tập. 
 
Sau một thời gian triển khai, đa phần giảng viên và học sinh, sinh viên đã quen với hình thức dạy và học này. Nhà trường đang tính toán cho các em quay lại trường thực hành nghề trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát; đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp để tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập với số lượng nhỏ đối với các ngành nghề công nghệ sinh học, bảo vệ thực vật, công nghệ ô tô, kế toán doanh nghiệp…
 
“Trước mắt, trường tập trung thực hiện mục tiêu tiêm đủ hai mũi vắc xin cho học sinh, sinh viên, đảm bảo an toàn cho học viên. Hiện, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt có khoảng 60% sinh viên đã tiêm vắc xin” - bà Lan nói. 
 
Phương án triển khai dạy lý thuyết trước, thực hành sau cũng được các cơ sở dạy nghề áp dụng trong tình hình này. Tiến sỹ Trường Đăng Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng cho biết: Hiện, nhà trường đã hoàn thành các bài giảng lý thuyết. Đối với học phần thực hành, trường chia thành phần lý thuyết thực hành và phần thực hành đơn giản. Giảng viên đang tập trung dạy một số phần liên quan đến lý thuyết thực hành, có thể học qua giáo cụ trực quan và hướng dẫn học sinh, sinh viên làm tại nhà như làm bánh, pha chế, bài tập...
 
Những phần cần thực hành trực tiếp trên máy móc, dụng cụ, để các em kịp với chương trình, trường chia học viên thành từng nhóm nhỏ (khoảng 3 đến 5 em) theo từng vùng, địa bàn để thuận tiện học tập, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch. “Chương trình dạy và học được nhà trường điều chỉnh sao cho phù hợp, đảm bảo tiến độ và chất lượng đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên. Các em đều có đầy đủ thiết bị để học trực tuyến; tổ trợ giảng sẽ hỗ trợ giảng viên, học sinh, sinh viên trong quá trình dạy và học online” - ông Hải cho hay. 
 
Hướng dẫn thực hành qua giáo cụ trực quan
Hướng dẫn thực hành qua giáo cụ trực quan
 
ĐẢM BẢO KỸ NĂNG NGHỀ VÀ TỶ LỆ TỐT NGHIỆP
 
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 5 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp ngoài công lập, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và 13 doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. 
 
Ông Hoàng Trọng Vinh - Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh) cho biết, tình hình dạy nghề trực tuyến tại các đơn vị trước đó cũng gặp không ít khó khăn nhưng đến nay đã đi vào quỹ đạo. Tùy điều kiện thực tế, các trường xây dựng kế hoạch, phương án đào tạo, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo người học tốt nghiệp đúng thời hạn để tham gia thị trường lao động. 
 
Tuy dịch bệnh, nhưng tỷ lệ tuyển sinh tại các cơ sở dạy nghề cao hơn so với các năm trước nhờ chương trình tư vấn giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh. Tính đến tháng 11, các đơn vị giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được hơn 27.500 người, đào tạo theo hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo không chính quy.
 
Song, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn chế trong việc dạy trực tiếp nên tỉ lệ tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt gần 50% so với kế hoạch. Để nâng cao kỹ năng nghề cũng như đảm bảo người học tiếp cận được việc làm sau đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ưu tiên tạo điều kiện cho người học được thực hành, thực tập nghề, đảm bảo đủ điều kiện đánh giá kỹ năng nghề và tốt nghiệp trong năm 2021, tránh gây thiếu hụt nguồn cung lao động. 
 
Mặt khác, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp trong tình hình mới để có kế hoạch đào tạo và tuyển sinh phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế; đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp tại địa phương tạo điều kiện, tiếp nhận người học tới thực tập và hỗ trợ việc làm cho học viên.
 
NHẬT QUỲNH