(LĐ online) - Trong thời gian gần đây, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang diễn biến phức tạp, khi số ca mắc Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng liên tục tăng cao. Điều đang nói, tại nhiều địa phương, phần lớn số ca mắc Covid-19 được phát hiện trong vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
(LĐ online) - Trong thời gian gần đây, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang diễn biến phức tạp, khi số ca mắc Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng liên tục tăng cao. Điều đang nói, tại nhiều địa phương, phần lớn số ca mắc Covid-19 được phát hiện trong vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
|
Lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa các hộ trong vùng đồng bào DTTS có trường hợp mắc Covid-19 đảm bảo công tác phòng chống dịch |
•
TỐC ĐỘ LÂY LAN NHANH
Ghi nhận cho thấy, từ ngày dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát lan rộng trên cả nước vào đầu tháng 5/2021 đến nay, tỉnh Lâm Đồng là 1 trong những địa phương thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng luôn chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch đảm bảo an sức khỏe, tính mạng của Nhân dân với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.
Sau khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu kép. Song, thực tế cho thấy, một bộ phận người dân vẫn còn thể hiện tâm lý lơ là, chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Cùng với đó, các hoạt động đi lại, dịch vụ du lịch cũng đồng loạt được mở cửa. Đây là những nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao trong thời gian gần đây. Điều đang nói, thời gian gần đây, tại nhiều địa phương như Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh và TP Bảo Lộc số ca mắc Covid-19 ghi nhận trong vùng đồng bào DTTS liên tục tăng cao.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Đạ Huoai, từ đầu tháng 12 đến nay, toàn huyện ghi nhận gần 700 trường hợp mắc Covid-19. Ngoài số bệnh nhân đã điều trị khỏi, thì Đạ Huoai còn 267 trường hợp đang điều trị. Ông Lê Đức Thụ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đạ Huoai, cho biết: Trong số hơn 700 trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện tại địa phương, có hơn 450 trường hợp được ghi nhận tại các vùng đồng bào dân DTTS như xã Phước Lộc (260 trường hợp), xã Đạ P’Loa (140 trường hợp) và các xã Đoàn Kết, Mađaguôi và thị trấn Mađaguôi với hơn 50 trường hợp.
Tại huyện Di Linh, đến ngày 31/12, toàn huyện đã ghi nhận 1.223 trường hợp mắc Covid-19; trong đó, có 488 ca đang điều trị. Theo đó, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thời gian gần đây được phát hiện trong vùng đồng bào DTTS như Tam Bố, Tân Châu, Tân Thượng và Đinh Trang Hòa.
Tương tự, tại huyện Bảo Lâm số ca mắc Covid-19 được phát hiện trong vùng đồng bào DTTS tại 2 xã Lộc An, Lộc Thành thời gian gần đây liên tục tăng cao. Tại xã Lộc An đã ghi nhận hơn 80 trường hợp là bà con đồng bào DTTS thôn B’Đơr mắc Covid-19. Con số này tại Thôn 15 (xã Lộc Thành) ghi nhận trong 2 ngày 29 và 30/12 là 43 trường hợp và dự báo còn gia tăng trong những ngày tới.
Còn tại TP Bảo Lộc, số ca mắc Covid-19 trong 4 ngày qua được phát hiện tại thôn đồng bào DTTS Đạ Nghịch (xã Lộc Châu) là 51 trường hợp. Điều đó cho thấy, tốc độ lây lan Covid-19 trong vùng đồng bào DTTS tại các địa phương là đáng báo động.
|
Thị trấn Mađaguôi (huyện Đạ Huoai) hỗ trợ quà giúp bà con đồng bào DTTS yên tâm phòng chống dịch trong thời gian cách ly |
•
CHỦ ĐỘNG KHỐNG CHẾ, DẬP DỊCH
Theo đánh giá của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, một trong những nguyên nhân khiến dịch Covid-19 xâm nhiễm và lây lan nhanh trong vùng đồng bào DTTS thời gian qua là ý thức phòng chống dịch của bà con còn hạn chế. Cùng với đó, tập quán sinh hoạt khiến một bộ phận bà con còn chủ quan, lơ là thực hiện quy tắc 5K trong phòng chống dịch.
Tại huyện Đạ Huoai, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho ngành y tế phối hợp cùng các cơ quan chức năng 2 xã Phước Lộc, Đạ P’Loa khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, dập dịch khi xuất hiện các ca nhiễm. Ngành y tế đã huy động hàng chục cán bộ, y bác sĩ phối hợp cùng các lực lượng công an, các ban ngành, đoàn thể và chính quyền 2 xã Phước Lộc, Đạ P’Loa tập trung khoanh vùng truy vết; đồng thời, đẩy nhanh công tác xét nghiệm trong cộng đồng để bóc tách các trường hợp nghi nhiễm (F0) và F1 liên quan.
Ông Lê Đức Thụ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đạ Huoai, cho hay: “Để công tác phòng chống, dập dịch trong vùng đồng bào DTTS diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao thì sự vào cuộc quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao của lực lượng y tế và các ngành chức năng là chưa đủ. Kinh nghiệm cho thấy, ở đó cần có sự đồng hành của các thành viên tổ Covid cộng đồng tại cơ sở. Họ là những người gần với bà con, thấu hiểu phong tục, tập quán nên vai trò của họ trong công tác phòng chống dịch vô cùng quan trọng. Qua đó, giúp lực lượng y tế và các lực lượng truy vết nhanh kịp thời xét nghiệm, bóc tách F0 trong cộng đồng. Đến nay, tình hình dịch bện tại 2 xã Phước Lộc và Đạ B’Loa đã dần được khống chế”.
Tương tự, các huyện Bảo Lâm, Di Linh và TP Bảo Lộc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành y tế chủ trì phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành gấp rút triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong vùng đồng bào DTTS. Theo đó, tất cả các phương án, biện pháp phòng chống dịch được triển khai đồng bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả trong tất cả các khâu theo phương châm “4 tại chỗ”. Công tác khoanh vùng truy vết, phun khử khuẩn và tuyên truyền phòng chống dịch được triển khai thương xuyên, liên tục để bà con nâng cao ý thức. Đặc biệt, ngành y tế các địa phương đã huy động lực lượng triển khai nhanh công tác xét nghiệm trong cộng đồng kịp thời bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng động tại các thôn, buôn. Cùng với đó, chính quyền các địa phương còn tiến hành phong tỏa tạm thời các khu vực nguy cơ cao và triển khai công tác chăm lo đảm bảo cuộc sống cho bà con trong thời gian cách ly phòng chống dịch.
Đặc biệt, các địa phương còn huy động, phát huy vai trò của người uy tín tại thôn, buôn trong vùng đồng bào DTTS cùng xung kích trên mặt trận chống dịch. Đây được xem là những “đầu tầu” trong các hoạt động tuyên truyền ở cộng đồng để dẫn dắt, định hướng bà con thực hiện nghiêm quy tắc 5K; đồng thời, truyền tải các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo kiểm soát dịch hiểu quả tới bà con để cùng chính quyền kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
KHÁNH PHÚC