Trong muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ dành cho "mọi kiếp người", có một tình yêu bao la, đặc biệt dành cho thiếu niên, nhi đồng...
Trong muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ dành cho “mọi kiếp người”, có một tình yêu bao la, đặc biệt dành cho thiếu niên, nhi đồng. Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”.
Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, Ngày khai trường, Tết Trung thu,... mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với các thế hệ măng non Việt Nam.
Không chỉ yêu thương thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ còn khẳng định vai trò quan trọng của thiếu nhi đối với tương lai mai sau của đất nước và xác định trách nhiệm chăm sóc giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25/8/1950, Người viết: "Giáo dục nhi đồng là một khoa học...” và Người cho rằng: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời, phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả…''.
Bác cũng căn dặn người lớn phải quan tâm chăm sóc, giáo dục các em. Người dạy, ngày Tết Thiếu nhi 1/6 nhắc nhủ người lớn trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên nhớ nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng và người lớn phải là tấm gương cho trẻ em, phải “khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành người công dân có tài, có đức”. Về phương pháp giáo dục, Người dạy: "Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học". Trong các thư gửi thiếu niên, nhi đồng, Người đều viết rất ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung gần gũi với các em; bao giờ Bác cũng khen ngợi, động viên, khích lệ và thưởng kẹo cho các cháu. Đối với những câu từ, các cháu không hiểu thì hỏi cha mẹ, thầy cô, hoặc "viết thư hỏi Bác"…
Trong trái tim nhân ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trẻ em được ví như búp trên cành, cần được che chở, chăm sóc, nâng niu để nở hoa tươi thắm và tỏa hương thơm ngát cho đời. Bởi vậy, Người luôn nhắc nhở mọi người phải quan tâm đến việc giáo dục các thế hệ thiếu niên, nhi đồng của đất nước.
Tại Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc ngày 19/2/1959, Bác Hồ khẳng định: “Công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng rất quan trọng, đó là nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho Tổ quốc”. 10 năm sau, trong bài viết “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 1/6/1969, một lần nữa Bác khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”.
Nghiên cứu những lời nói, những bài viết của Bác Hồ về công tác bảo vệ, chăm sóc thiếu nhi điều dễ dàng nhận thấy, những lời nói, bài viết ấy không chỉ chứa đựng những tư tưởng, quan điểm cơ bản; mà còn là những lời chỉ bảo ân cần, rất cụ thể và gần gũi với thực tế. Với những người trực tiếp tham gia công tác thiếu nhi, Bác đã hướng dẫn cả về nội dung và phương pháp giáo dục.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng đã toát lên chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu nhi là một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
Theo một nghiên cứu tóm tắt được UNICEF phát hành vào ngày 24/7, có ít nhất 40 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã lỡ mất cơ hội tham gia giáo dục mầm non trong giai đoạn phát triển quan trọng đối với các em do đại dịch COVID-19 đã khiến các cơ sở chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non phải đóng cửa.
Ở Việt Nam, ước tính có 4,4 triệu trẻ em bị gián đoạn giáo dục mầm non do đại dịch COVID-19. Một đánh giá nhanh về tác động của COVID-19 đến giáo dục mầm non do Viện Khoa học giáo dục thực hiện gần đây cho thấy, 41% người tham gia đánh giá nhanh - đại diện cho các nhà quản lý và giáo viên mầm non ở tất cả các tỉnh, thành, cho rằng cha mẹ trẻ lo lắng về đại dịch và những tác động của đại dịch đối với cuộc sống, công việc, thu nhập cũng như đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho con em họ khi trẻ em nghỉ học ở nhà.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF đã từng khẳng định: “Sự gián đoạn trong giáo dục do đại dịch COVID-19 gây ra đang khiến trẻ em không thể được hưởng sự khởi đầu về giáo dục tốt nhất. Chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non tạo dựng nền tảng cho mọi khía cạnh phát triển của trẻ. Đại dịch đang đe dọa nghiêm trọng tới nền tảng này”.
Để đảm bảo công tác giáo dục mầm non trong tình hình hiện nay, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non (diễn ra vào ngày 18/8 vừa qua), Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giáo dục mầm non là bậc học có nhiều điểm riêng, đặc thù về chăm sóc và nuôi dạy, do đó cần tăng cường thêm các biện pháp, chính sách phù hợp. Trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh, cần xem xét thực tế ảnh hưởng của dịch bệnh để tổ chức dạy học ở bậc mầm non linh hoạt, phù hợp. Trường hợp trẻ phải nghỉ học để phòng, chống dịch thì nhà trường cần phối hợp cùng gia đình để có biện pháp giáo dục hiệu quả.
Năm học 2021-2022, với giáo dục mầm non, phương hướng chung là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em; tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
HỒNG VĨNH